'Bố già' sau 50 năm ra mắt: Một tác phẩm thay đổi nhiều số phận

04/04/2019 - 06:00

PNO - Cách đây đúng nửa thế kỷ, năm 1969, tiểu thuyết 'Bố già' (The Godfather) của tác giả người Mỹ gốc Ý, Mario Puzo ra mắt. Giờ, 'Bố già' đã không còn gói gọn trong nội dung một tác phẩm nữa.

Bố già không được chính tác giả đánh giá là tác phẩm hay nhất mà ông chỉ viết vì các khoản nợ đang bủa vây. Mario Puzo cũng không thể ngờ, Bố già mang số phận của một tác phẩm đặc biệt và những gì ông đề cập về gia đình mafia, về “bố già” Don Vito Corleone trong tiểu thuyết lại trở thành những giai thoại được hàng triệu lượt bạn đọc nhắc đến.

“Nếu có cơ hội, tôi sẽ viết tốt hơn”

Đó là chia sẻ của Mario Puzo khi Bố già đã nổi tiếng trên toàn cầu với hơn 21 triệu bản được bán ra. Lời chia sẻ càng ý nghĩa hơn khi đây là thời điểm trước khi ông mất vài tháng, 7/1999 sau một cơn suy tim. Mario Puzo nhớ lại ngày bắt đầu viết Bố già: "Tôi đã 45 tuổi. Tôi nợ 20.000 đô la từ người thân, công ty tài chính, ngân hàng, các nhà cái cá cược và nhóm cho vay nặng lãi. Đó thực sự là thời gian để một tác phẩm phải ra đời và được bán hết nhanh chóng".

'Bo gia' sau 50 nam ra mat: Mot tac pham thay doi nhieu so phan
Nhà văn Mario Puzo và cuốn tiểu thuyết "cứu sống" gia đình ông.

Cuộc sống với người vợ và 5 đứa con nheo nhóc với thu nhập ít ỏi từ công việc viết báo, sáng tác không đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của gia đình ông. Hơn ai hết, Mario Puzo biết rằng sự nghèo đói sẽ luôn đeo bám gia đình và chính ông, một đứa trẻ từng sống trong nghèo đói, mù chữ, thiếu tình thương từ cha sẽ tổn thương trong tâm hồn như thế nào.

Mario Puzo lao vào sáng tác với số tiền được nhà xuất bản đặt cọc là 5.000 đô la. Trước Bố già, tác giả ra mắt The Dark Arena (1955) và The Fortucky Pilgrim (1965), câu chuyện về cuộc sống di dân của người Ý ở thành phố New York. Hai cuốn tiểu thuyết mang về cho ông những đánh giá tôn trọng nhưng đáng tiếc, doanh số bán ra không đáng chú ý.

Sau này, khi chia sẻ về Bố già, Mario Puzo nhiều lần nói về gia cảnh của bản thân, hiện tại lẫn quá khứ để lý giải về những chi tiết/nhân vật trong tiểu thuyết. Sinh ra là con của những người nhập cư mù chữ thuộc vùng Neapolitan – thị trấn nghèo và nhiều tệ nạn nhất tại Ý những năm 1930-1940, Mario Puzo lớn lên tại quận Manhattan thuộc New York khi cha ông là nhân viên giám sát đường sắt của thành phố này. Năm 12 tuổi, vì nhiều lý do, cha ông đột ngột rời gia đình, để lại những đứa trẻ cho người vợ.

'Bo gia' sau 50 nam ra mat: Mot tac pham thay doi nhieu so phan
Mario Puzo chưa bao giờ xem Bố già là tác phẩm hay nhất, thậm chí ông còn thấy có lỗi vì viết sách với mục đích kiếm tiền trả nợ.

Sự tàn nhẫn của “bố già” Corleone một phần dựa trên cuộc đời của mẹ tác giả. Mario Puzo nói khi viết các đoạn hội thoại của Corleone, ông nghe văng vẳng bên tai giọng nói của mẹ mình. Có thể, cuộc sống quá khắc nghiệt nên tính thiện và ác bên trong con người được bộc phát bằng nhiều hình thức khác. Mẹ của Mario Puzo hiền hậu nhưng sống trong túng quẫn, bà cũng không thể giữ mãi sự thanh sạch.

Năm 1946, khi đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, Mario Puzo kết hôn với Erika, một phụ nữ gốc Đức. Cả 2 có với nhau 5 người con. Khó khăn liên tục chồng chất cho đến ngày Bố già ra đời, số phận của Mario Puzo, vợ và con ông đều thay đổi. Số nợ được trả nhờ tiền bán sách, tiền bản quyền, tiền chuyển thể tiểu thuyết thành phim. Tuy nhiên, không bao lâu sau, năm 1978, vợ ông qua đời. Sau đó, ông sống cùng Carol Gino hơn 20 năm nhưng không kết hôn.

Gã “bố già” và nỗi ám ảnh mafia

Trong những sáng tác ít ỏi của mình, Mario Puzo cho rằng The Fortunate Pilgrim ra mắt 1965 – thời điểm trước Bố già, là cuốn hay nhất trong sự nghiệp của ông. Tác phẩm viết về cuộc đấu tranh của một người phụ nữ Ý trên đất Mỹ vì sự sống còn của gia đình.

Ngoài ra, Mario Puzo còn một số sách viết về các chủ đề khác như chuyện kinh doanh cờ bạc bịp – Fools die năm 1978, chuyện về gia đình Tổng thống Kenedy – The fourth K năm 1990, câu chuyện tuổi thơ của Davie Shaw trong The runaway summer of Davie Shaw năm 1966... Tuy nhiên, chỉ những nội dung Mario Puzo viết về “thế giới ngầm” mafia mới nhận được sự quan tâm cũng như doanh thu “khủng”.

'Bo gia' sau 50 nam ra mat: Mot tac pham thay doi nhieu so phan
Những câu chuyện về “bố già” Don Vito Corleone được nhiều người truyền tai nhau, không chỉ vì tài bịp bợm của một tên giang hồ mà vì tình cảm dành cho gia đình của ông trùm mafia khét tiếng.

Nhiều độc giả cho rằng cách mà Mario Puzo viết về mafia chưa phải là sự am hiểu tường tận nhưng nhờ lối diễn đạt và tư duy tốt đã biến những hiểu biết mơ hồ thành cuộc trinh thám hấp dẫn. “Công chúng cho rằng Puzo đã viết về mafia từ kiến ​​thức cá nhân. Trong buổi ra mắt The Godfather Papers (phiên bản “ăn theo” Bố già năm 1972), chính tác giả cũng nói rằng anh ta chỉ nhận thức được mức độ tội phạm có tổ chức thấp nhất trong khu phố của mình, hoàn toàn không hiểu sâu”, nhận xét trong một bài viết trên The Guardian. 

Tuy nhiên, trong những năm tháng sống ở thị trấn nghèo và nhiều tệ nạn nhất tại Ý, Neapolitan trước khi chuyển đến Manhattan, việc hàng ngày phải sống chung với những trò bịp bợm, dị hợm, ẩu đả đã hình thành trong Mario Puzo ký ức mà không đứa trẻ nào mong muốn. Mafia chảy trong máu của Puzo dù ông đứng ngoài lề. Để rồi năm 1984, cuốn The Sicilian là sự trở lại với đề tài mafia và năm 1996, The last Don là cuốn tiểu thuyết mafia cuối được viết trước khi Puzo qua đời.

Bố già 50 năm – một số phận độc lập

Sau 50 năm ra mắt, Bố già không những không bị quên lãng mà còn có một số phận đặc biệt. Sự đặc biệt không đến từ phim ảnh được chuyển thể, không đến từ những trò chơi lấy ý tưởng từ cuốn tiểu thuyết, mà đến từ những điều vô hình, là thương hiệu, là thuật ngữ “bố già”.

Một vài hình ảnh trong phim Bố già:

 

Nhớ lại cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của nhà văn Oscar Wilde, có thể không nhiều người biết Bức họa Dorian Gray nhưng nhắc đến hội chứng Dorian Gray, họ xác nhận từng nghe qua. Hội chứng Dorian Gray (viết tắt DGS) lần đầu tiên được mô tả trong cuộc hội thảo của Hội đồng Giáo dục Y khoa tại Đức, năm 2000 bởi bác sĩ tâm thần Brosig B. Ông nhận thấy sự gia tăng số lượng bệnh nhân đến khám bệnh gần như trong trạng thái hoảng loạn do sự xuất hiện của các dấu hiệu lão hóa. Điều này đúng với câu chuyện “bệnh hình thức”, sợ xấu đi của nhân vật Dorian trong tiểu thuyết.

Quay lại Bố già. "Bố già” được sử dụng như một thuật ngữ chỉ những tên trùm cộm cán, đứng đầu băng đảng mafia. Nhưng Bố già không chỉ có “bố già” mà còn có “luật omertà” (sự im lặng trước mọi nghi vấn, tạo vỏ bọc, quyền năng vô song cho tổ chức mafia) được sử dụng rất nhiều về sau trong những vụ án của giới xã hội đen. Đến năm 2000, khi những bản thảo của cuốn Omertà mà Mario Puzo viết trước khi qua đời, được người bạn đời Carol Gino tập hợp cho xuất bản, luật omertà càng nổi tiếng.  

'Bo gia' sau 50 nam ra mat: Mot tac pham thay doi nhieu so phan
Tại Việt Nam, bản dịch của dịch giả Ngọc Thứ Lang được đánh giá cao.

Năm 1972, đạo diễn Francis Coppola đã chuyển thể Bố già thành phim. Bộ phim ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn với doanh thu 245 triệu USD và thắng 3/8 đề cử Oscar. Thừa thắng, Francis Coppola hợp tác với Mario Puzo viết kịch bản phần 2 (năm 1974) và 3 (năm 1990) với phần 2 nhận được 6/9 đề cử Oscar.

Nhắc về Bố già sau 50 năm, những tình cảm của người hâm mộ dành cho tác phẩm vẫn còn nguyên. Năm 2004, một cuộc thi viết về phần tiếp theo của chuỗi mafia Bố già được tổ chức và tác giả Mark Winegardner, người đã chiến thắng trong cuộc thi được đơn vị tổ chức – NXB Random House và gia đình Mario Puzo đồng ý xuất bản tác phẩm dự thi với tên gọi Bố già trở lại.

Tháng 3/2007, một sự kiện nằm trong khuôn khổ LHP Tribeca đã có buổi chiếu dài hơn 7 giờ để chiếu 2 bộ phim Bố già 1 và 2 - nhân dịp 45 năm bộ phim ra mắt. Thật bất ngờ, 6000 khán giả đã mua vé để xem và giao lưu với ê-kíp làm phim dù trước đó, họ có nhiều kênh khác để theo dõi.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI