Bố già - Huyền thoại được tạo từ sự cố chấp

08/06/2019 - 06:30

PNO - 'Bố già là sự tổng hòa của mọi hiểu biết. Bố già là đáp án cho mọi câu hỏi' - câu nói của nam tài tử Tom Hanks gần như đã khái quát một cách cô đọng nhất những gì về 'Bố già' (The Godfather).

Ngày 30/5 vừa qua, Carmine Caridi - gương mặt nổi tiếng với vai Carmine Rosato trong Bố già đã vĩnh biệt thế gian. 2019 cũng là cột mốc tròn 50 năm kể từ ngày tác phẩm Bố già ra đời lần đầu tiên, dưới dạng một cuốn sách. 

Nếu hỏi rằng trong lịch sử điện ảnh thế giới, phim nào không thể không kể tên trong danh sách những phim hay nhất, chắc chắn là Bố già. Kể từ khi ra đời năm 1972, Bố già luôn là phim nằm trong top đầu các bảng xếp hạng. 

Sự hiện diện đầy rẫy của băng đảng mafia giai đoạn ấy là một thực tế mà xã hội Mỹ không thể phủ nhận. Thế nhưng, nếu là phản ánh đơn thuần một thực tế của xã hội, Bố già sẽ chỉ lọt thỏm trong hàng ngàn cuốn tiểu thuyết hiện thực khác. Chính sự lãng mạn hóa  những cá thể và thế giới ngầm đẫm máu, giao dịch chính là súng đạn và ma túy đã khiến Bố già ngay từ khi ra mắt (ở dạng một cuốn sách) đã gây nên một cơn địa chấn. Ngay cả từ “godfather” cũng là một sáng tạo đầy tính lãng mạn về những ông trùm vốn nói chuyện với kẻ khác bằng tiếng súng. 

Bo gia - Huyen thoai duoc tao tu su co chap

Dĩ nhiên, sự thành công của phim phần nào đến từ cuốn tiểu thuyết. Thế nhưng, không phải ai khác mà chính dàn diễn viên đã tạo nên huyền thoại của bộ phim.

1. Một ngày đầu năm 1972, Marlon Brando, Jr. (thường được gọi là Marlon Brando) khi ấy 48 tuổi và đã được nhiều người biết đến với vai Stanley Kowalski trong vở kịch Chuyến tàu mang tên dục vọng (năm 1947) và sau đó là bộ phim cùng tên (năm 1951) - nhận được cuộc gọi từ Francis Ford Coppola. Cuộc gọi mời ông vào vai ông trùm Don Vito Corleone, và cũng là cuộc gọi suýt nữa đã đá Coppola ra khỏi vai trò đạo diễn phim, chỉ vì hãng Paramount nhất quyết không đồng ý Marlon Brando do tác phong làm việc lề mề của diễn viên này trước đó. Hoặc Marlon Brando  hoặc không ai cả - sự cố chấp đó của Coppola khiến Paramount  phải nhượng bộ, và lịch sử điện ảnh đã có một vai diễn huyền thoại, được làm nên bởi Marlon Brando. 

Quả thật, Marlon Brando là một diễn viên không mấy dễ chịu. Một trong những điều khiến nhà sản xuất dễ nổi cáu nhất là ông không muốn thuộc lời thoại. Marlon Brando cho rằng ông sẽ chỉ nắm đại ý, không phải học thuộc lời thoại sẽ giúp ông diễn xuất tự nhiên hơn. Không còn cách nào khác, đạo diễn phải dán lời thoại nhân vật của Marlon Brando lên cây, lên máy quay, lên người bạn diễn… nói chung là bất kỳ đâu để Marlon Brando có thể nhìn thấy, miễn các mẩu giấy ấy không bị lọt vào khung hình.

“Cay đắng” thay, Marlon Brando đã đúng. Một Don Vito Corleone với chỉ cái búng tay ra hiệu cũng có thể tắm máu một khu phố và một Don Vito Corleone chậm rãi, thương con, chiều chuộng vợ… vẫn có thể tồn tại trong cùng một hình hài. Làm được điều đó, chỉ có thể là Marlon Brando. Đến mức, Jack Nicholson - một tên tuổi lớn khác của điện ảnh thế giới đã nhận định: “chừng nào Marlon Brando còn sống thì không diễn viên nào có thể ngóc đầu lên nổi”.

Bo gia - Huyen thoai duoc tao tu su co chap
'I’m gonna make him an offer he can’t refuse' - Bố già Marlon Brando

Thực tế, Francis Ford Coppola không chỉ đặt cược vai trò đạo diễn của mình cho mỗi Marlon Brando. Lại một lần nữa, cuộc đấu tranh với chiêu bài “hoặc Al Pacino hoặc không ai cả”, nghĩa là bỏ việc, của Coppola đã khiến điện ảnh thế giới có thêm một diễn viên xuất chúng: Al Pacino.

Bố già phần 2 với sự nắm quyền lực của “bố già con” Don Michael Corleone mà Al Pacino thủ vai đã khiến nhiều nhà phê bình không ngần ngại cho rằng đây là một trong những diễn xuất hay nhất trong lịch sử điện ảnh. Trong đó, ánh mắt của Al Pacino gói tất cả tài năng của ông, thể hiện được một “bố già con” vừa ấm áp vừa lạnh lùng, vừa tàn nhẫn vừa tài trí, xảo lược…

Đây cũng là vai diễn mà khán giả vừa cảm tình lại vừa chán ghét, điều đó đã khiến Al Pacino có tên trong cả 2 phía của danh sách 100 anh hùng và kẻ phản diện của Viện phim Mỹ. Điều oái ăm là dù rất nhiều cái tên nổi tiếng tìm mọi cách để được đóng vai Don Michael Corleone như Jack Nicholson, Dustin Hoffman, Warren Beatty, Martin Sheen, James Caan… thì Al Pacino ban đầu lại không coi trọng vai diễn này.

Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Francis Ford Coppola có được sức mạnh như thế với hãng Paramount. Trước đó, hãng này đã gửi lời mời đến một số đạo diễn khác nhưng đều bị từ chối, với lý do tình tiết câu chuyện không có gì hấp dẫn. Ngay cả Coppola cũng nhận lời trong tình thế bắt buộc, vì ông cần một số tiền để trả 400.000 USD mà ông đang nợ hãng Warner Bros vì đầu tư sản xuất phim trước đó.

Các nhà phê bình ngả nón cho tài chọn diễn viên của đạo diễn Francis Ford Coppola: sau này, có tới 4 diễn viên của phim đã đoạt giải Oscar cho Diễn viên chính xuất sắc là Marlon Brando, Al Pacino, Robert Duvall và Diane Keaton. 

Bo gia - Huyen thoai duoc tao tu su co chap
"Bố già con" Al Pacino- một trong những diễn xuất hay nhất trong lịch sử điện ảnh

2. Có quá nhiều thứ của phim Bố già đã không còn nằm trong khuôn khổ một tác phẩm điện ảnh. Câu thoại "I'm gonna make him an offer he can't refuse" (tôi sẽ đưa cho anh ta một đề nghị không thể chối từ) của “bố già” Vito Corleone đã được bình chọn là câu thoại đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ. Rất nhiều giao dịch sau này của giới thương nhân, hoặc đơn giản chỉ là của một cuộc trao đổi, người ta sử dụng câu thoại này như không thể khác được.

Hoặc, nhiều người bảo rằng ngay cả khi không xem phim, người ta vẫn biết đến câu thoại của đầu đảng Peter Clemenza sau khi làm xong một phi vụ bẩn trong phim: “Để súng lại, lấy mấy cái bánh cannoli theo”. 

Thế nhưng, ít ai biết rằng từ chính, chỉ thẳng bản chất của đối tượng phim là “mafia” và “mob” (đều mang hàm nghĩa là “băng đảng tội phạm”) lại không được sử dụng trong phim. Liên đoàn Quyền công dân Ý - Mỹ được thành lập để xóa bỏ và ngăn chặn việc sử dụng những từ ngữ định kiến, đã ra tay và đạo diễn cố chấp Coppola không thể làm gì khác ngoài lùi bước. Chỉ duy nhất một lần, với phân đoạn ngay sau lúc Micheal xả súng trong quán ăn Ý, từ “mob” được xuất hiện trong một tiêu đề bài báo. 

Một câu hỏi được đặt ra sau khi Bố già gây sốt toàn cầu, là liệu có hình mẫu nào cho những nhân vật trong tiểu thuyết hay không. Dù trả lời đã được Mario Puzo đưa ra ngay từ đầu, trong phần giới thiệu cuốn sách: “Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu, và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có đều là ngẫu nhiên” nhưng người ta vẫn tin rằng có ít nhất hai hình mẫu đã được ông “bê” vào. Đó là ông trùm Carlo Gambino - người thâu tóm quyền lực thế giới ngầm Hoa Kỳ - cho nhân vật Vito Corleone và ca sĩ Frank Sinatra cho nhân vật Johnny Fontane. Ở đời thực, Frank Sinatra đã nhờ đến một số thế lực ngầm để có vai Maggio trong bộ phim Từ nơi này đến vĩnh cửu (tựa gốc: From Here to Eternity) còn trong phim Bố già, Johnny Fontane nhờ đến ông trùm để giành một vai diễn trong bộ phim sắp quay. 

Bo gia - Huyen thoai duoc tao tu su co chap
“Chừng nào Marlon Brando còn sống thì không diễn viên nào có thể ngóc đầu lên nổi”

* Để tạo nên sự sắc lạnh của một “bố già”, Marlon Brando đã đeo vào hàm một dụng cụ nha khoa được thiết kế riêng. Dụng cụ ấy hiện được trưng bày trong Viện bảo tàng điện ảnh Mỹ. 

* Tên của “bố già” Vito Corleone được nhà văn Mario Puzo lấy từ tên của thị trấn Corleone - một thị trấn nhỏ thuộc đảo Sicily (Ý) nhưng là nơi sản sinh ra nhiều mafia khét tiếng. 

* Viết về thế giới mại dâm, ma túy và cờ bạc nhưng tác giả tiểu thuyết Bố già - Mario Puzo lại là một người luôn thua bạc. Câu nói ấn tượng của Mario khi ấy là:“Tôi thua hàng ngàn ở dưới này, nhưng lại kiếm được hàng triệu ở trên lầu” (chỗ chơi bạc ở dưới nhà còn chỗ sáng tác kịch bản ở trên lầu).

* Nổi tiếng toàn cầu nhưng Bố già không phải là tác phẩm được chính cha đẻ của nó yêu thích. Mario Puzo cho biết, ông viết cuốn sách vì được đặt cọc 5.000 USD - một món tiền không nhỏ ở thời điểm ông mang nợ 20.000 USD.  

* Tại Việt Nam, tiểu thuyết Bố già được đăng tải dưới dạng nhiều kỳ trên Nhật báo Chính luận vào năm 1970, với tên Cha đỡ đầu, do nhà văn Trọng Tấu dịch. Dịch “godfather” thành “bố già” được xem là cách dùng từ đỉnh cao của dịch giả Ngọc Thứ Lang.


Nguyễn Thương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI