Bố già đâu chỉ “đỡ đầu” cho nghệ thuật thứ bảy

21/05/2020 - 07:25

PNO - Một điển hình tuyệt vời thâu tóm cả nghệ thuật lẫn phòng vé, Bố già (The Godfather, 1972) còn là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi nội tâm hóa phi thường từng nhân vật.

Sức mạnh của Don Vito Corleone hiển hiện qua giọng nói “sột soạt” nứt ra từ cái miệng vặn vẹo nghiến từng câu chữ. Mang khuôn mặt bầm giập của một ông già ranh ma, ngay cả khi chỉ mới hồi phục sau năm phát súng, lúc nào ông cũng khiến kẻ đối diện hoảng vía.

Không xa phía sau là một Michael Corleone trẻ trung với định mệnh kế thừa “bố già”. Ánh mắt tàn nhẫn của gã được trang hoàng bởi vẻ ngây thơ gánh mọi trách nhiệm trong hầu hết tội ác của “gia đình”, bao gồm ma túy, mại dâm, cờ bạc và cả “buôn vua”.

Từ tiểu thuyết của Mario Puzo đến phim của Francis Ford Coppola, The Godfather hẳn đe dọa cảm xúc của từng khán giả với sự sợ hãi ẩn giấu trong chính mỗi người về sự hy sinh khốc liệt cho người thân, hay hình thức “báo thù” phù hợp cho từng cuộc “đối đầu” trong cuộc sống.

Ngoài vài pha bạo lực kinh khiếp nhưng ngắn ngủi, tác phẩm gạt đi sự hầm hố thường thấy ở các băng nhóm mafia, đọng lại là những tự vấn về chọn lựa giữa cái xấu và ít xấu, lòng trung thành, hay cái nhìn “tình bạn ngang hàng với vợ con”, hoặc “phía sau một gia tài kếch sù là tội ác” của những tay “anh chị” học thức.

Màn trình diễn của Puzo và Coppola năm 1972 được dẫn dắt bởi “cựu chiến binh” Marlon Brando trong vai “bố già”, cùng James Caan là gã con “hữu dũng vô mưu” Sonny, và Al Pacino tay kế thừa hoàn hảo, trí tuệ Michael. Riêng Brando ranh ma không kém nhân vật của mình.

Tương truyền ngay lúc casting, ông đã chủ động vào nhà vệ sinh nhét những cuộn giấy vào miệng, cốt cho hai bên hàm bạnh ra một cách khác thường. Sự ngẫu hứng khéo léo này khiến đạo diễn vỗ đùi đánh đét khi vừa trông thấy ông: “Đúng bố già rồi”.

Vai diễn mang lại cho ông giải Oscar "nam diễn viên xuất sắc nhất" không chỉ bởi tài năng xuất chúng, khi cố tình cử động lập cập của kẻ sắp “về hưu” tương phản với quyền lực ghê gớm của “bố già”. Cái hàm bạnh ra của Brando còn giúp khuôn mặt dưới bất động lạnh tanh, kèm giọng nói khiêm nhường nhưng cáo già giống hệt một Don Vito Corleone trong hình dung của độc giả vào lúc tiểu thuyết được xuất bản lần đầu năm 1969.

Mặc dù dài đến ba tiếng, tiết tấu chậm rãi, sự quyến rũ của bộ phim đôi khi lại chỉ là cái cách mà các nhân vật nhìn nhau. Với nguyên tắc “không phạm tội vì tiền, chỉ làm vì tình bạn”, Don thường nhìn xuống những kẻ quỳ gối hôn tay biểu thị sự “đặt mình” vào ông như “cha đỡ đầu”. Michael chỉ thở hắt, nhìn vào kính chiếu hậu để biết chắc gã hết sức bình tĩnh ngay khi kẻ thù đi cùng xe quyết định đổi địa điểm ăn tối, chính là nơi mà “gia đình” đã giấu vũ khí để “phục kích”.

Bên cạnh sự thinh lặng qua ánh mắt, cử chỉ thường xuyên không kém là những câu thoại bất hủ mà khán giả cứ bị ám thị từ tiểu thuyết. Trong những căn phòng ngột ngạt, những tay “chọc trời khuấy nước” trao đổi với con cái, thuộc hạ bằng các thông điệp trở thành danh ngôn. Kho tàng này phong phú đến nỗi chúng ta có cảm giác tại sao mọi thứ lại diễn ra ngắn như một bộ phim đến vậy?

Người xem, cả phim lẫn truyện, có xu hướng đồng cảm với gia đình Don Vito Corleone, không phải chỉ vì trong các cuộc chiến băng đảng, họ có vẻ “chính nghĩa” hơn thể hiện qua những quan điểm: “Ta sẽ cho hắn một giao kèo mà hắn không thể khước từ”, “Trả thù là một món mà chỉ có thể ăn ngon nhất khi được cấp đông”… Mà có thể vì chúng ta đã “ở với họ” ngay khi ngồi trên bàn ăn, đọc kinh trước khi dùng bữa, những người đàn bà nội trợ, những đứa bé quấy khóc, đám cưới, đám ma, lễ hội đẫm hương vị Ý, và luôn luôn đan xen sự “bày mưu tính kế” trước các mối đe dọa. Nó cho thấy sự gần gũi, ấm áp của mối quan hệ gia đình.

Vào lúc “chiến tranh” sắp nổ ra, Don lại buông câu để đời với tất cả răn đe: “Một thằng không dành thời gian cho gia đình, không bao giờ có thể trở thành một người đàn ông thực sự”.

Bản thân bố già dường như không hẳn là nhân vật trung tâm. Vị trí đó thuộc về con trai út sáng giá nhất mà ông chọn. “Người vĩ đại không được sinh ra vĩ đại, họ lớn lên cùng với sự vĩ đại” - bố già đăm chiêu. Michael hiểu rõ bản chất và địa vị của cha, song song việc tiếp tục thay đổi cách điều hành gia đình đã cũ kỹ.

Vai trò của “bố trẻ” được hy vọng sẽ đưa hoạt động làm ăn của gia đình giang hồ trở thành các doanh nghiệp hợp pháp. Bởi thế, ông già thường bảo con trai: “Đừng bao giờ ghét kẻ thù, bởi cảm xúc đó ảnh hưởng đến phán đoán của mày về bọn họ”…

Mario Puzo là người kể chuyện hay, nhưng sự rung cảm lớn hơn thuộc về hình ảnh của Francis Ford Coppola. The Godfather trở thành một thứ hiếm hoi của điện ảnh: cuốn phim hoàn hảo được ép ra từ một cuốn sách bán chạy nhất. Nhà quay phim Gordon Willis cũng làm một điều thú vị với tông màu nâu đỏ, hơi sáng khiến khán giả thực sự trải nghiệm “hương thời gian” thay vì chỉ là phim đen trắng thập niên 1940. 

Trước khi bộ phim ra đời, ở vào thời điểm “trần gian thanh vắng tứ bề” của cuộc đời, dịch giả Ngọc Thứ Lang (tên thật Nguyễn Ngọc Tú) chính xác hơn là đã “phóng tác” tiểu thuyết của Mario Puzo. Ông đưa The Godfather một lần nữa bùng nổ ở xứ An Nam, trở thành món quà đặc biệt dành riêng cho độc giả Việt Nam.

Quả là không quá lời nếu có đánh giá cho rằng, bản tiếng Việt còn hay hơn bản gốc tiếng Anh vốn được viết theo kiểu dân Ý không rành tiếng Mỹ. Ngay từ nhan đề, từ “bố già” (godfather) trong ngữ cảnh của tác phẩm đích thị đã mang “bản quyền” của ông. Từ điển tiếng Việt từ đó phải bổ sung nghĩa mới hiện đã trở nên quá thông dụng, “bố già” - thuật ngữ ám chỉ các ông trùm băng đảng mafia. Cả bản thuyết minh hay phụ đề tiếng Việt của phim cũng hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ của Ngọc Thứ Lang.

Cả ba, truyện, phim và bản phóng tác tiếng Việt, như một vẻ đẹp dành cho người biết thưởng lãm và trân trọng giá trị của lao động nghệ thuật vậy. 

Đoàn Phó Ba

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI