PNO - Đó là khẳng định của ông Phạm Như Nghệ, Vụ phó Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT trong trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM xung quanh việc kê khai giảng viên không trung thực để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Trường HUFLIT.
Sau bài viết Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM: Kê khống giảng viên để tăng chỉ tiêu? (Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 31/5), ông Phạm Như Nghệ, Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (ĐH) Bộ GD-ĐT cho biết: Vụ Giáo dục ĐH đã yêu cầu nhà trường phải rút tên những người không phải giảng viên (GV) cơ hữu ra khỏi danh sách các GV cơ hữu đã công bố của trường; tính toán lại và giảm chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh lại đề án cho phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng…
Thự viện Trường HUFLIT (Ảnh từ website trường)
* Phóng viên: Theo thông tin của chúng tôi, trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), nhiều GV cơ hữu của trường đang là nhân viên, biên chế cơ hữu tại các đơn vị khác. Những người này đã xuất hiện trong danh sách GV cơ hữu của trường không chỉ một năm. Bộ GD-ĐT có biết chuyện này không, thưa ông?
- Ông Phạm Như Nghệ: Thực hiện quy định của Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đã giao cho các trường tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải theo quy định đảm bảo điều kiện. Đó là tỷ lệ sinh viên/GV; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo tính trên một sinh viên chính quy và yêu cầu về chủng loại và số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu của các hạng mục công trình theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Ngoài ra, các trường phải đáp ứng những điều kiện đảm bảo chất lượng khác và phải công khai trên trang thông tin điện tử của trường; đồng thời cập nhật đầy đủ và thường xuyên thông tin, số liệu chi tiết về các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định, kết quả thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh vào phần mềm quản lý của Bộ GD-ĐT để xã hội và cơ quan quản lý nhà nước giám sát.
Theo quy định, các trường cũng được quyền ký hợp đồng thỉnh giảng đối với các GV, chuyên gia ngoài trường. Tuy nhiên phải đảm bảo quy định chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ tỷ lệ sinh viên/GV. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải công bố danh sách GV cơ hữu trên đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình đối với các thông tin này.
Nhận được thông tin phản ánh của Báo Phụ Nữ TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Trường HUFLIT và các trường liên quan rà soát lại toàn bộ danh sách GV của trường. Trước mắt, yêu cầu Huflit và những trường liên quan được phản ánh có danh sách GV trùng sẽ phải tự rà soát, điều chỉnh thông tin về GV trong đề án tuyển sinh và xác định lại chỉ tiêu tuyển sinh đảm bảo đúng quy định. Căn cứ vào kết quả rà soát, Bộ GD-ĐT sẽ xác định mức độ sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định hiện hành.
* Vậy nếu có việc trùng GV, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý như thế nào?
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH 2018 đã quy định rõ: “Cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Vụ Giáo dục ĐH sẽ xem xét sửa đổi thông tư xác định chỉ tiêu cho phù hợp với quy định của Luật Giáo dục ĐH hiện hành (chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2019).
* Thời gian qua Bộ GD-ĐT có kiểm soát sự trung thực từ các trường không?
- Bộ GD-ĐT đã và đang hoàn thiện lại hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục trong đó có dữ liệu giáo dục ĐH nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước. Các cơ sở giáo dục sẽ phải khai báo đầy đủ các thông tin theo quy định như các thông tin của GV cơ hữu, học sinh, sinh viên... Các thông tin này sẽ được công khai trên website của trường để xã hội giám sát. Bộ có giải pháp để kiểm soát sự trung thực của các trường như đã nói ở trên.
* Như vậy, Trường HUFLIT đã từng vi phạm chưa và bị xử lý ra sao, thưa ông?
- Kết quả rà soát đề án tuyển sinh năm 2019 trường này của Vụ Giáo dục ĐH cũng cho thấy có thông tin như báo chí đã phản ánh. Cụ thể: trong sáu GV cơ hữu báo chí phản ánh, có ba GV hiện đang là GV hợp đồng không xác định thời hạn, một GV có hợp đồng lao động một năm của trường. Riêng hai GV còn lại là do thời gian làm đề án tuyển sinh gấp chưa rà soát hết nên đã đưa vào danh sách GV cơ hữu. Nhà trường đã nhận sai sót và xin xóa tên cả sáu GV trên khỏi đề án tuyển sinh năm 2019.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, tại thời điểm này, Trường HUFLIT đã gỡ đề án tuyển sinh năm 2019 trên website của trường để điều chỉnh các sai sót và điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc triển khai điều chỉnh của nhà trường.
Trước đó, năm 2016, Bộ GD-ĐT đã thành lập hai đoàn kiểm tra trường này. Kết quả kiểm tra cho thấy, Trường HUFLIT không vi phạm các điều kiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, kết quả thanh tra do Thanh tra bộ tiến hành về kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2018 của Trường HUFLIT đã phát hiện một số thiếu sót, sai phạm. Cụ thể là sai phạm về việc tự xác định chỉ tiêu trình độ ĐH, thạc sĩ năm 2018 của một số ngành chưa đúng quy định, tuyển sinh năm 2018-2019 vượt chỉ tiêu…
Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực giáo dục đối với Trường Huflit theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ. Ngày 22/11/2018, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có Quyết định số 105/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của trường.
* Trong quá trình hậu kiểm, Bộ GD-ĐT có phát hiện các trường sai phạm theo kiểu mượn tên, khai khống… không?
- Vụ Giáo dục ĐH đã và đang thực hiện việc hậu kiểm các chỉ tiêu đảm bảo chất lượng nghiêm túc và chặt chẽ, đã thành lập các đoàn kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Sau khi có kết quả kiểm tra sẽ có chế tài xử lý theo đúng quy định, đồng thời sẽ công bố công khai cho xã hội tiếp tục giám sát.
* Xin cảm ơn ông.
Tiêu Hà(thực hiện)
Điều chỉnh đề án tuyển sinh 2019
Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Trường HUFLIT phải rút tên những người không phải GV cơ hữu ra khỏi danh sách các GV cơ hữu đã công bố của trường; tính toán lại và giảm chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh lại đề án cho phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng; công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của trường để cán bộ, GV, người học và cơ quan quản lý theo dõi, giám sát.
Trường cũng phải báo cáo để cập nhật điều kiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT; điều chỉnh đề án tuyển sinh 2019 trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Bỗng nhiên thành giảng viên cơ hữu của hai trường
Sau bài báo phản ánh việc “mượn” tên GV của Trường HUFLIT, chúng tôi phát hiện thêm nhiều cái tên là GV cơ hữu của trường này đồng thời cũng có tên trong danh sách GV cơ hữu của trường khác. Như trường hợp thạc sĩ N.T.D.K. hiện đang có tên GV cơ hữu ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống của Trường ĐH Hoa Sen bỗng dưng cũng là GV cơ hữu ngành quản trị khách sạn của HUFLIT. Vị này xác nhận với Báo Phụ Nữ rằng đã từng công tác tại HUFLIT, tuy nhiên đã nghỉ cách đây 3-4 năm và sẽ liên lạc với trường để yêu cầu gỡ tên vì hiện tại bà là GV cơ hữu của Trường ĐH Hoa Sen.
Còn nhiều trường hợp nghi vấn khác, chúng tôi đang tiếp tục xác minh.
Đề xuất này được ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng - nêu tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 sáng 31/10.
Sáng 31/10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Sáng 30/10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sơ kết kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030".