Bộ GD-ĐT tự tin với chất lượng đào tạo tiến sĩ theo 'đề án 12.000 tỷ'!

19/11/2017 - 07:50

PNO - Đó là một dạng học bổng, ai đạt yêu cầu thì được nhận, do Nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền cho các địa phương rót về các cơ sở.

Một trường đại học “bán” học viên xoay vòng từ trường này sang trường kia, chưa thi tuyển đã có quyết định… trúng tuyển. Một dự thảo đề án “nuốt” 12.000 tỷ đồng ngân sách trong lúc nợ công ngập đầu, để dùng đào tạo 9.000 tiến sĩ. Cho dù những vị có trách nhiệm từ trường nọ đến ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có biện luận, quả quyết ra sao, thì niềm tin vẫn dạt trôi đâu đó.

Cho rằng có thể trước đây có “vấn đề” trong đào tạo tiến sĩ (TS) ở một số cơ sở nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tình trạng trên nay đã... khác! 

Bo GD-DT tu tin voi chat luong dao tao tien si theo 'de an 12.000 ty'!

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

* Thưa Bộ trưởng, trong dự thảo đề án vừa đưa ra, Bộ GD-ĐT dự kiến đào tạo 9.000 TS với kinh phí là 12.000 tỷ đồng - số kinh phí này dự kiến được sử dụng thế nào, phân bổ cho các cơ sở đào tạo ra sao?

Kinh phí này không rót về cơ sở cụ thể nào mà dành cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để nhận học bổng. Có nghĩa, đó là một dạng học bổng, ai đạt yêu cầu thì được nhận, do Nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền cho các địa phương rót về các cơ sở.

Bộ cũng không giao chỉ tiêu đào tạo TS cho các cơ sở nhằm mở rộng đối tượng tham gia, không phân biệt công lập hay tư thục. Người tham gia cũng có thể được cấp học bổng toàn phần hoặc một phần. 

* Thực tế đào tạo TS trong nước thời gian qua tồn tại rất nhiều vấn đề. Việc “phổ cập” TS, hiện tượng TS “giấy” tràn lan đã gây bức xúc cho xã hội; nay đề án lại tập trung vào vấn đề này, liệu hiệu quả có được như mong muốn?

Trước đây có thể có những cơ sở như vậy nhưng giờ thì khác. Bộ quản lý chặt chẽ bằng quy chế đào tạo TS, kiểm tra rất nghiêm. Vai trò quản lý nhà nước được đề cao thông qua kiểm định chất lượng và giám sát, đưa ra quy chế đào tạo TS, từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế.

Sắp tới, người đi học và cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm về chất lượng đào tạo, bộ là đơn vị đưa ra các quy chuẩn. Chẳng hạn, bộ vừa ban hành quy chế yêu cầu học viên phải có thời gian tập trung, phải có một bài đăng tạp chí quốc tế… mới được công nhận.

* Nhiều ý kiến lo ngại, sau chương trình đào tạo, các TS sẽ không về nước, làm “chảy máu chất xám”; những người xây dựng đề án có tính đến vấn đề này?

Cách tiếp cận của đề án là đào tạo gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt rồi TS tự đi tìm việc. Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ đào tạo. Căn cứ vào đó, bộ sẽ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải đề án nhằm vào việc cử đi học, cắt biên chế rồi đào tạo xong không về.

Trong đề án, bộ cũng chú trọng đến việc đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người đi học; đưa ra cơ chế chính sách và định mức sao cho không quá chênh với định mức của các tổ chức khác và khuyến khích người đi học.

H.Anh (lược ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI