Bộ GD-ĐT trả lời về chức danh giáo sư của Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng

24/06/2019 - 12:06

PNO - Bộ GD-ĐT vừa có văn bản trả lời Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về những vấn đề thực hiện tự chủ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng và chức danh giáo sư của hiệu trưởng trường này.

Đây là nội dung phản hồi cho công văn số 831/TLĐ của Tổng liên đoàn Lao động VN - cơ quan chủ quản của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Trong phần trả lời về chức danh giáo sư của tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Bộ GD-ĐT cho rằng: Tiến sĩ Lê Vinh Danh được Trường ĐH Preston (Hoa Kỳ) bổ nhiệm làm giáo sư kinh tế năm 2007, sau đó được Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm chức danh giáo sư ngày 7/12/2012. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Trường ĐH Preston không được kiểm định chất lượng giáo dục bởi cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng tại Hoa Kỳ.

Về việc thực hiện tự chủ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Bộ GD-ĐT cho rằng, theo các quy định hiện hành thì việc thực hiện tự chủ của trường này phải thực hiện theo Nghị quyết 77/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017, Quyết định số 158/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế. Hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017 và các quy định khác có liên quan.

 Riêng về vấn đề hội đồng trường, Bộ GD-ĐT nêu rõ: Theo khoản 1 điều 16 của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, thì: “Hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”. Điều này có nghĩa là tập thể hội đồng trường (trong đó có đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền) có chức năng thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với trường ĐH công lập.

Bo GD-DT tra loi ve chuc danh giao su cua Hieu truong DH Ton Duc Thang
Toàn cảnh Trường ĐH Tôn Đức Thắng

“Trong quá trình hoạt động, nếu quyền của chủ sở hữu không được đảm bảo do cơ chế tập thể, quyết định theo đa số phiếu thì đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền có quyền và trách nhiệm báo với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra… để yêu cầu nhà trường thực hiện đúng pháp luật và xử lý người vi phạm nếu có.

Thành viên hội đồng trường phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Về quy định "cơ quản quản lý có thẩm quyền", Chính phủ sẽ xem xét quyết định cụ thể khi ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH”, văn bản của Bộ nêu rõ.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI