Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Năm học 2019 - 2020 là năm học đặc biệt, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Bộ GD-ĐT phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần. Thời điểm kết thúc năm học cũng chậm gần 2 tháng so với những năm học trước.
Còn ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, cơn bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại rất nặng nề, trong đó có ngành giáo dục. Hàng trăm điểm trường ở Quảng Nam bị tốc mái. Sau bão, các trường học và địa phương đã dồn lực khắc phục thiệt hại, một số trường đã giảng dạy bình thường. Nhưng, vẫn còn một số trường học phải đầu tuần tới, học sinh mới đến trường trở lại do thiệt hại quá nặng nề.
|
Năm học vừa qua có nhiều khó khăn |
Liên quan đến khó khăn vướng mắc khi triển khai chương trình - sách giáo khoa lớp 1, ông Tân cho hay lãnh đạo tỉnh đã chủ động làm việc với toàn ngành giáo dục của tỉnh nhà để họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn.
“Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Thông báo kết luận để triển khai thực hiện việc này, theo hướng động viên thầy cô bình tâm xử lý, những nội dung nào, ngữ liệu nào không phù hợp thì thay đổi để chủ động giảng dạy để học sinh học tốt nhất. Tinh thần chung là tỉnh Quảng Nam chủ động trong việc này, không có xáo trộn lớn, hiện đang giải quyết những khó khăn trong vấn đề sách giáo khoa lớp 1”, ông Tân nói.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, cho hay, trong năm học vừa qua, TP đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận như triển khai dạy học trực tuyến có hiệu quả, triển khai mô hình trường học thông minh, trong đó đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục. Thành phố luôn nỗ lực cố gắng đảm bảo đủ chỗ học cho con em trên địa bàn không kể có hộ khẩu hay không có hộ khẩu.
“Trong năm học này có một thách thức cần phải tập trung triển khai, đó là chúng ta triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới, sẽ có nhiều thách thức. TP.HCM quyết tâm thực hiện tốt việc này, để đảm bảo quyền lợi cho người học”, ông Đức nhấn mạnh.
|
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả nổi bật ngành giáo dục đạt được trong năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng cho rằng, đổi mới giáo dục là một quá trình và phải rất kiên trì, kiên định thực hiện đổi mới.
Phó Thủ tướng nói: “Sách giáo khoa lớp 1 có những trục trặc như vậy nhưng chúng ta bình tĩnh. Bởi vì cái quan trọng nhất của đổi mới chương trình sách giáo khoa là gì? Chương trình mới là pháp lệnh, còn sách giáo khoa chỉ là tham khảo.
Thứ hai, là phá thế độc quyền để quy tụ nhiều người hơn làm sách giáo khoa để có sách giáo khoa tốt hơn. Năm đầu tiên làm, Bộ phải nghiêm khắc nhìn vào những thứ chưa tốt để mình chấn chỉnh. Cũng giống như thi trước đây, từng năm một mình nghiêm khắc chấn chỉnh. Nhưng cái lớn, cái đúng thì mình phải tiếp tục ủng hộ, cổ vũ”.
Bộ GD-ĐT cho biết đã thống nhất tiếp thu, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Cụ thể, thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.
Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163,…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”,…
Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Trong thời gian tới, Bộ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để SGK ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, đây là lần đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ SGK khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất, trong đó SGK có vai trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.
Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức biên soạn, phát hành SGK theo hình thức xã hội hóa. Vì vậy, việc được nhận các ý kiến góp ý, thậm chí là phê bình sẽ giúp các tác giả, hội đồng thẩm định và Bộ GD-ĐT làm tốt hơn việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt SGK các lớp học tiếp theo.
Tiêu Hà