Bộ GD-ĐT: Nói chương trình lớp 1 nặng là chưa đủ căn cứ

01/10/2020 - 11:14

PNO - “Mới đi những bước đầu thì chưa có căn cứ khoa học xác đáng khi nói chương trình nặng, quá sức học sinh”, ông Thái Văn Tài cho hay.

Vừa qua, theo nhận xét của nhiều phụ huynh, điểm đặc biệt của các bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới năm nay là hình thức khá đẹp, kênh hình đa dạng, phong phú, màu sắc rõ nét. Học sinh lớp 1 lúc đầu tỏ ra thích thú và ham tìm hiểu. Tuy nhiên, nhiều kiến thức trong SGK, nhất là môn Tiếng Việt, vượt quá sức học của trẻ khiến không ít phụ huynh phải “vò đầu bứt tai” khi muốn đồng hành cùng con.

Ví dụ một số bài tập đọc trong bộ sách "Chân trời sáng tạo", phụ huynh hướng dẫn con học vần phải vật lộn tìm thật nhiều từ có các vần liên quan để cho con làm quen. Trong khi đó, để tìm được những từ có nghĩa, dễ hiểu, có thể tập đọc với đặc thù riêng không phải đơn giản. Khi hướng dẫn các vần a, b, c cho con thì mẹ phải tìm vài chục từ có các vần đó nhưng lại phải là các từ có nghĩa thì con mới hiểu được. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trên một số diễn đàn, nhiều phụ huynh than việc dạy con quá vất vả và chương trình quá nặng, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ chưa nhận phản ánh chính thức nào từ giáo viên, phụ huynh hay cơ sở giáo dục về việc chương trình quá tải.

“Hiện nay SGK lớp 1 mới triển khai 1 tháng. Việc triển khai chương trình là có chuẩn đầu ra và có khung chuẩn cho năm học, quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học.

Ví dụ với học sinh lớp 1, quy định chuẩn đầu ra kết thúc năm học như tiếng Việt sau khi học 1 phút em học bao nhiêu từ. Từ đó, chương trình quy định 420 tiết với môn Tiếng Việt và SGK theo khung chuẩn đầu ra và thiết kế bằng các con đường khác nhau để đi đến đích đó.

Chúng ta tiếp cận chương trình đã được Hội đồng quốc gia thẩm định và mới đi những bước đầu thì chưa có căn cứ khoa học xác đáng nào cho việc nói chương trình nặng, quá sức học sinh. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, phản biện phát sinh diễn ra thực tế dựa trên đánh giá khoa học”, ông Tài cho hay.

Cũng theo ông Tài, chương trình giáo dục phổ thông mới có tính mở linh hoạt, dựa trên tính linh hoạt, tự chủ tính chuyên môn giáo viên, có hành lang pháp lý đầy đủ. SGK là đường hướng để giáo viên triển khai và nhiệm vụ của giáo viên là phải phân tích chương trình, có kế hoạch dạy học với từng đối tượng học sinh cụ thể, lộ trình cụ thể….

“Chương trình SGK mới đối với lớp 1 có điều chỉnh, chúng ta hướng đến học sinh học xong lớp 1 hướng dẫn các em để đọc thông viết thạo sớm. Vì thế, trong chương trình tiếng Việt được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết nhưng lượng kiến thức trong đó được tinh giản so với chương trình hiện hành”, ông Tài nói thêm.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD-ĐT, thì: “Chúng ta mới triển khai mà nói chương trình nặng thì chưa khách quan. Toàn bộ chương trình tiếng Việt của lớp 1 mới chưa đầy 2 trang giấy trong 1 năm. Theo tôi cũng nội dung ấy mà thời gian nhiều hơn thì chương trình phải là nhẹ hơn”, ông Thành cho biết.

Đại Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Nguyễn lê trung chính 06-10-2020 05:16:55

    Nặng hay nhẹ không phải nằm ở chỗ một hay hai trang mà là ở chỗ công việc của các em trong 1 tiết. Một tiết chỉ gói gọn trong 35-40 phút mà phải làm biết bao là việc: xem tranh, tìm từ, phân tích, đánh vần, viết bảng,.....(chưa kể phải kiểm tra bài cũ nữa). Do đó muốn biết nặng hay nhẹ thì lấy ý kiến của giáo viên lớp 1 thì biết ngay

  • nguyễn phương 02-10-2020 03:05:13

    Thật vậy không ? Chương trình SGK mới ghi thành hai trang giấy vì sao thành 2 cuốn sách .Chữ quốc ngữ đối với người Việt chỉ cần vài tháng là đọc thông viết thạo ,với các cháu lớp một cho học nguyên một năm là vừa sức các cháu .

  • Minh Minh 01-10-2020 18:49:10

    Ông này nói hay nhỉ. Chương trình SGK mới ghi thành 2 trang giấy, chứ tôi tóm thành 2 dòng cũng được. Nặng hay nhẹ nó đâu nằm ở chỗ ông liệt kê.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI