Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh thay đổi mới nhất trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

22/07/2023 - 18:23

PNO - Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, năm nay khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp, thí sinh không cần phải đăng ký tổ hợp xét tuyển.

Ngày 22/7, tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT thông tin, điểm mới trong xét tuyển đại học bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay là thí sinh không cần đăng ký tổ hợp xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng, mà chỉ cần chọn trường, chọn ngành phù hợp để đăng ký. Nhiệm vụ của các trường đại học sẽ là căn cứ vào điểm thi của thí sinh để xét tất cả các tổ hợp được trường dùng để xét tuyển vào trường, tổ hợp nào thí sinh đạt điểm cao nhất thì sẽ ưu tiên xét tuyển.

Ví dụ, thí sinh chọn Trường ĐH Y Dược TPHCM, chọn ngành Bác sĩ đa khoa và chọn căn cứ xét tuyển là điểm thi tốt nghiệp THPT thì nhiệm vụ của Trường ĐH Y Dược TPHCM là có bao nhiêu tổ hợp xét tuyển vào ngành đó (đã được công bố trong đề án tuyển sinh của trường) thì sẽ phải xét bằng đó tổ hợp cho thí sinh, tổ hợp nào có kết quả cao nhất thì sử dụng làm căn cứ xét tuyển. 

Năm nay, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh không cần phải đăng ký tổ hợp xét tuyển
Năm nay, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh không cần phải đăng ký tổ hợp xét tuyển

“Nếu như mọi năm, thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào trường đại học nào bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì thí sinh phải đăng ký rõ tổ hợp xét tuyển, ví dụ là tổ hợp A00 hay A01… Điều này dẫn đến tình trạng thí sinh và thậm chí là các trường đại học dễ bị nhầm giữa các tổ hợp xét tuyển vào ngành. Thay đổi trong xét tuyển đại học năm nay sẽ giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh và cũng tránh những tình huống nhầm lẫn. Khi cơ hội trúng tuyển cho thí sinh tốt hơn đồng nghĩa với việc cơ hội cho các trường đại học tuyển được những sinh viên chất lượng hơn…” - tiến sĩ Nghệ nhấn mạnh.

Song, để tận dụng tốt nhất cơ hội này, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học lưu ý, khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng, thí sinh cần phải quan tâm đến việc chọn ngành, chọn trường, sao cho phù hợp với năng lực sở trường, kết quả học tập của bản thân, với điều kiện của gia đình, cá nhân. Đặc biệt, phải tìm hiểu rất kỹ thông tin trong đề án tuyển sinh của các trường đại học. 

“Trong đề án tuyển sinh, các trường đại học đã công khai rất rõ yêu cầu vào từng ngành, tiêu chí xét tuyển thế nào, hồ sơ gồm những gì. Việc tìm hiểu càng kỹ, càng gia tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Ví dụ, năm nay Trường ĐH Y Dược Hải Phòng thưởng những 2 điểm cho thí sinh có điểm IELTS từ 7.0 khi xét tuyển vào trường. Thế nhưng nhiều thí sinh không biết, đến khi biết thì đã hết hạn, rất đáng tiếc. Hay các trường công an, quân đội chỉ xét tuyển nguyện vọng 1, nếu thí sinh có mong muốn vào các trường thì phải đặt trường là nguyện vọng 1. Do vậy, quan tâm đến ngành học nào, trường đại học nào thí sinh cần phải đọc thật kỹ đề án tuyển sinh của trường đó”- tiến sĩ Nghệ phân tích.

Nguyên tắc để chọn ngành “bao trúng”

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM nhìn nhận, thông thường thí sinh chọn ngành hay chọn theo xu hướng những ngành ra trường có cơ hội việc làm cao. Tuy nhiên, bất kể ngành nào đang được các trường đại học đào tạo thì đều có nhu cầu của xã hội.

“Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, thí sinh nên đăng ký theo nguyên tắc những ngành nào, trường nào thích nhất thì thuộc nhóm 1, xếp ưu tiên trước nhất; kế đó là nhóm trường vừa với sức mình; nhóm cuối cùng là nhóm dự bị. Nếu thí sinh đăng ký theo nguyên tắc này thì sẽ có thể học được bất kỳ ngành học nào mà mình mong muốn”- tiến sĩ Hạ khuyên.

Theo tiến sĩ Bùi Quang Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, có 3 sai lầm lớn mà phụ huynh, học sinh thường mắc phải khi chọn ngành học, trường học. Đó là: Phụ huynh tự quyết định ngành học cho con mình; chọn ngành nghề không phù hợp với tính cách, đam mê của học sinh; quá chú trọng vào tên của chương trình đào tạo, ví dụ thí sinh phải chọn về khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kinh doanh quốc tế, marketing mà ít chọn các ngành học khác…

Khi chọn ngành đăng ký nguyện vọng, thí sinh không nên chú trọng vào tên chương trình đào tạo
Khi chọn ngành đăng ký nguyện vọng, thí sinh không nên chú trọng vào tên chương trình đào tạo

Ông phân tích, ở lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp có 3 nhóm: lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo. Trong đó, ngành đào tạo là tập hợp các kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyên môn; nhóm ngành đào tạo là tập hợp những ngành có kiến thức chung về chuyên môn; lĩnh vực là tập hợp các nhóm ngành. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, thời đại 4.0 với tiếp cận đa ngành, xuyên ngành thì thí sinh cần phải chọn 1 ngành, 1 chương trình đào tạo theo xu hướng tích hợp liên ngành, đa ngành, xuyên ngành.

“Khi chọn chương trình đào tạo, thí sinh đừng chú ý nhiều đến tên chương trình đào tạo mà phải xem chương trình đào tạo đó thuộc ngành nào. Nếu ngành đó mà điểm chuẩn khả năng cao quá, không phù hợp với năng lực học tập của mình thì cần phải mở rộng sang 1 ngành khác thuộc cùng nhóm ngành, đặc biệt thí sinh có thể chọn rộng ra theo lĩnh vực. Như vậy, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các ngành học, trường đại học theo năng lực của mình”- tiến sĩ Hùng gợi ý.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI