Bộ GD-ĐT: Lao động cao đẳng, đại học thất nghiệp chiếm 30,8% là không đúng

11/10/2022 - 14:30

PNO - Bộ GD-ĐT khẳng định tỉ lệ người lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp là 4,85%, không phải 30,8% như thông tin tại một hội thảo.

Sáng 11/10, Bộ GD-ĐT khẳng định tỉ lệ người lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp là 4,85%, không phải con số 30,8% như thông tin tại hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0". 

Một số số liệu tại hội thảo Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0 không chính xác
Một số số liệu tại hội thảo Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0 không chính xác.

Cụ thể, tại Hội thảo diễn ra ngày 8/10, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trình bày: "Lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp chiếm tỉ lệ 30,8%". Theo Bộ GD-ĐT, thông tin này không chính xác và đã gây nên những hiểu lầm, ảnh hưởng tới giáo dục đại học và cao đẳng khi được đăng tải trên các mặt báo.

Bộ GD-ĐT làm rõ, theo số liệu báo cáo về lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê năm 2020, số người lao động thất nghiệp là 1,2 triệu người, chiếm 2,18% trong tổng số 54,84 triệu lao động cả nước. Trong đó, có khoảng 369.600 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, chiếm 30,8%.

Thế nhưng, trong tổng số lao động Việt Nam năm 2020, lao động có trình độ đại học là 11,1% và trình độ cao đẳng là 3,8%, tổng cộng tương đương với 8,17 triệu người. Như vậy, nếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì số người lao động có trình độ cao đẳng, đại học thất nghiệp chỉ chiếm 4,85% chứ không phải 30,8% như hội thảo đã diễn giải.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cho rằng cần phân rõ các ngành đào tạo của giáo dục đại học khác với ngành nghề kinh tế - xã hội khi thực hiện khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Chẳng hạn, sinh viên tốt nghiệp ngành Toán hay Khoa học máy tính có thể làm mọi ngành nghề có ứng dụng chuyên ngành trong xã hội. Vì vậy, các câu hỏi về việc sinh viên có làm đúng ngành nghề đã học hay không dễ gây hiểu lầm, nhiều cách hiểu dẫn đến kết quả không đáng tin cậy. Cách tiếp cận hiệu quả nhất nên là khảo sát về sự phù hợp giữa trình độ chuyên môn với vị trí việc làm hiện tại của người đã tốt nghiệp.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để liên kết cơ sở dữ liệu giáo dục đại học với thông tin việc làm của người lao động. Sau khi hoàn thành, bộ sẽ công bố các thông tin chính xác, tin cậy về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học.

Bộ GD-ĐT đã ra văn bản đề nghị PGS.TS Trần Thành Nam đính chính thông tin gây hiểu nhầm, đồng thời nhắc nhở Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực nghiêm túc rút kinh nghiệm và cẩn trọng hơn đối với những vấn đề trên.

Hoàng Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI