Bộ GD-ĐT giao địa phương chấm tự luận để tiếp tục có những con số đẹp?

11/05/2019 - 06:19

PNO - Trong khi dư luận chưa hết kinh hoàng với các vụ gian lận thi cử, hậu quả do địa phương tự tổ chức chấm thi, thì kỳ thi năm nay Bộ GD-ĐT đưa ra phương án chống gian lận nhưng địa phương vẫn còn một phần vai trò.

Dư luận không khỏi thắc mắc, phải chăng bộ vẫn để địa phương chấm thi tự luận để tiếp tục có những con số đẹp trong thành tích tốt nghiệp?

Trường đại học sẽ vất vả hơn… 

Bộ GD-ĐT phân công các trường đại học tham gia coi thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm ở 63 cụm thi trên cả nước; bài thi tự luận vẫn do địa phương chấm, kèm theo một số biện pháp kỹ thuật hạn chế tiêu cực. Liệu giải pháp này có ngăn được gian lận hay chỉ mang tính chữa cháy?

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, từng góp ý, việc giao chấm thi cho địa phương là sai lầm, đã dẫn đến tiêu cực như năm 2018. Năm nay, Bộ GD-ĐT thay đổi theo cách cũ, đó là giao việc chấm thi cho các trường ĐH chủ trì. Cách này sẽ giảm chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn tiêu cực được bởi vẫn còn khâu coi thi, chấm tự luận. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, chúng ta phải tính đến phương án có một trung tâm khảo thí độc lập để làm việc này. Nếu chưa có kinh nghiệm thì học nước ngoài mà làm. Người ta làm sao thì mình học theo và làm đúng là được. Chúng ta cứ loay hoay cải tiến, đổi mới thi cử, nhưng càng đổi càng nhiều vấn đề, càng tệ.

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: về công tác coi thi, như trước đây, khi trường ĐH chỉ đóng vai trò như thanh tra thì thậm chí giáo viên canh thi thành canh… thanh tra để học trò làm bài. Nay coi thi theo tỷ lệ một địa phương - một ĐH thì đã an toàn hơn. Nhưng có sự đối lập giữa địa phương và trường ĐH, đó là trường muốn tuyển được người chất lượng còn địa phương thì muốn học trò mình được kết quả cao. Vì vậy, giao ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm sẽ hạn chế phần nào tiêu cực, nhưng khâu bảo quản đề thi trước khi chấm vẫn là kẽ hở bởi tiêu cực thường xảy ra ở giai đoạn này. “Tôi giả sử, chỉ cần học sinh nộp bài thi mà không làm gì và được “làm giúp” toàn bộ bài làm thì rất khó phát hiện”, thạc sĩ Quán nhấn mạnh. 

Bo GD-DT giao dia phuong cham tu luan de tiep tuc co nhung con so dep?
Thi THPT quốc gia 2019, bài thi tự luận vẫn do địa phương chấm - Ảnh: Học sinh tìm hiểu xét tuyển vào đại học

Khi bộ quyết định quay về phương thức để trường ĐH “ôm” nhiều khâu quan trọng của kỳ thi thì vai trò của các trường ĐH sẽ nặng hơn. Sẽ có sự di chuyển rất lớn về nhân sự đến 63 tỉnh, thành để làm công tác thi. Kéo theo đó là một khối việc khổng lồ của toàn xã hội phải lo toan từ khâu an toàn, giao thông, y tế… Như Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM phải đưa “quân” về tỉnh Bình Thuận để phối hợp với sở GD-ĐT tỉnh này tổ chức thi. Chưa hết, nhân sự từ Trường ĐH Phan Thiết, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cũng được triệu tập để phục vụ công tác thi cho địa phương này. Tương tự, 62 tỉnh, thành còn lại cũng tiêu tốn ngần ấy nhân sự và khối lượng công việc tương ứng. 

Cụ thể, theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, trường đã cử người tham gia tập huấn công tác chấm thi theo phần mềm mới của Bộ GD-ĐT cùng với ban chỉ đạo thi của tỉnh. Trường phải tăng cường công tác tuyển chọn cán bộ coi thi, chấm thi và nhất là sẽ hạn chế sử dụng người quê gốc tại tỉnh Bình Thuận về làm nhiệm vụ.

Tuy sẽ “nặng gánh” hơn nhưng các trường ĐH vẫn muốn cáng đáng nhiệm vụ này. Thậm chí còn đề xuất nên để các trường ĐH bố trí nhân sự hỗ trợ và giám sát công tác chấm bài tự luận thay vì giao cho địa phương chấm. Nếu cần thiết, khâu chấm kiểm tra 5% sẽ do trường ĐH đảm nhận… Họ tin rằng khi Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH chấm thi trắc nghiệm sẽ ổn hơn vì việc gian lận thi cử nằm ở khâu chấm thi và nhập điểm lên hệ thống dữ liệu. Nhìn lại sẽ thấy, năm đầu tiên tổ chức thi lấy kết quả dùng cho xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH (2015), các trường ĐH tổ chức thi theo cụm và các trường ĐH chấm thi. Năm đó chỉ có trục trặc về công bố điểm thi chứ không có tiêu cực “động trời” như năm 2018. 

… nhưng không hiệu quả tuyệt đối

Tính toán nhiều yếu tố, “rào trước đón sau” bằng nhiều biện pháp kỹ thuật để hạn chế tiêu cực thi cử nhưng theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), thì sẽ không có hiệu quả tuyệt đối. Dù đơn vị nào chấm, điều đó cũng không thể khẳng định “tuyệt đối không có tiêu cực”, vì cũng do con người điều hành. Bộ đang chú trọng vào chấm thi, vậy các công tác khác thì sao? Ông Phú đề xuất bộ nên đưa kỳ thi (hoặc xét) tốt nghiệp THPT về cho các cơ sở giáo dục, các trường ĐH tự tuyển và mỗi đơn vị phải tự chịu toàn bộ trách nhiệm.

Dưới góc độ trường ĐH, ông Sơn cho rằng kỳ thi sử dụng cho nhiều mục đích là quá khó, những lợi ích lớn của kỳ thi như kỳ vọng ban đầu đã bị làm mờ bởi những tiêu cực. Thực ra, tổ chức một kỳ thi như thế này rõ ràng là hiệu quả về mặt kinh tế, giảm được chi phí xã hội khá lớn, đặc biệt các thí sinh khó khăn ở vùng xa đã bớt tốn kém. Nhưng cùng một lúc để vừa đánh giá tốt nghiệp vừa tuyển chọn học sinh rõ ràng không ổn. 

Cũng theo ông Sơn, về lâu dài phải cải tiến khâu đánh giá cho phù hợp với chương trình đào tạo, với việc tốt nghiệp thì nên giao về địa phương chủ trì và tổ chức đánh giá theo chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông. Trung tâm khảo thí cấp quốc gia cần nhanh chóng triển khai để khâu đánh giá được trở thành dịch vụ tin cậy mà các trường ĐH có thể sử dụng. Rõ ràng, trong kỳ thi vừa qua sai phạm xảy ra nằm ở mục đích vào ĐH, chứ không phải là mục đích xét tốt nghiệp THPT. 

Theo một vị hiệu trưởng trường ĐH tư thục tại TP.HCM, từ khi ông còn làm phó hiệu trưởng trường công đã nhiều lần kiến nghị cùng Bộ GD-ĐT nhưng dường như không được ghi nhận. Không phải bộ không biết việc giao cho các trường ĐH chấm thi sẽ hạn chế gian lận, nhưng có vẻ như bộ bị… áp lực nên để các tỉnh, thành tổ chức thi và chấm thi để có những con số đẹp cho địa phương.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI