Bộ GD-ĐT giải đáp những thắc mắc trong công tác tuyển sinh 2022

16/04/2022 - 20:47

PNO - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2022 với nhiều điểm mới.

Một trong những điểm đáng chú ý là năm nay, dự thảo tuyển sinh 2022 quy định, các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình chung của Bộ, mà chỉ được phép công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.

Về việc này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM lo lắng, các năm trước cơ sở giáo dục đại học yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm là để giảm tối đa tình trạng thí sinh ảo và dồn chỉ tiêu mà các em không nhập học cho các phương thức xét tuyển khác giúp tăng khả năng trúng tuyển của các thí sinh ở các phương thức còn lại. 

“Như vậy, chỉ cần quy định các trường ĐH tải danh sách các thí sinh đã xác nhận nhập học sớm lên cổng thông tin để thí sinh không tham gia xét tuyển ở các trường khác là được, năm nay Bộ còn cho phép các em đã trúng tuyển tạm thời tiếp tục lựa chọn nguyện vọng ở các phương thức khác có thể sẽ vô tình làm tăng số lượng thí sinh ảo gây khó cho công tác tuyển sinh".

Năm nay thí sinh sẽ không được xác nhận nhập học trước lịch của Bộ GD-ĐT - Ảnh: Đại Minh
Năm nay thí sinh sẽ không được xác nhận nhập học trước lịch của Bộ GD-ĐT - Ảnh: Đại Minh

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, những năm qua, một số trường đại học đơn phương hoặc thống nhất với thí sinh về việc trúng tuyển nhưng không tải danh sách đó lên hệ thống để Bộ loại ra trước khi xử lý nguyện vọng chung cả nước. Và chính điều đó tạo ra tình trạng nhiều thí sinh đồng thời trúng tuyển tại các trường, ngành, làm ảnh hưởng (tăng số thí sinh ảo) tới các trường khác và các thí sinh khác.

“Việc cùng một lúc một thí sinh đỗ ở nhiều trường khác nhau (bằng các phương thức xét tuyển khác nhau) sẽ dẫn tới tình trạng gia tăng số thí sinh ảo, làm mất đi cơ hội trúng tuyển của thí sinh khác đang có cùng nguyện vọng vào các trường, ngành học tương ứng mà cuối cùng thí sinh ban đầu lại không lựa chọn.

Hơn nữa, nó sẽ khiến các trường càng khó dự đoán số thí sinh thực sự sẽ nhập học để đưa ra các quyết định tuyển sinh phù hợp, do vậy ảnh hưởng tới kết quả tuyển sinh", bà Thủy cho hay.

Bà Thủy cũng cho biết thêm, hệ thống xử lý nguyện vọng năm nay sẽ chạy cho mọi phương thức xét tuyển, thí sinh sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất giúp hạn chế tình trạng thí sinh ảo.

Cùng thắc mắc về phương án tuyển sinh năm nay, Ths. Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho rằng với quy định thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT sẽ gây khó cho các trường đã thực hiện tự chủ tuyển sinh. 

Cụ thể là trường hợp thí sinh đã được các trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác). Điều này làm khó với các trường được tự chủ tuyển sinh.

Trước một số lo lắng việc lọc ảo chung năm nay ảnh hưởng tới quyền tự chủ của các trường, bà Thuỷ khẳng định, dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của trường trong công tác tuyển sinh.

Theo vị lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học thì bản thân các trường phải chủ động tiếp nhận và xử lý thông tin dữ liệu của thí sinh khi các em đăng ký xét tuyển theo các phương thức (ngoài xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT) của nhà trường như hàng năm. Khi xét thấy thí sinh đã trúng tuyển theo các phương thức đó, trường có thể thông báo cho thí sinh biết đủ điều trúng tuyển để thí sinh biết.

“Về phía thí sinh, nếu ngành trúng tuyển là sự lựa chọn của thí sinh thì các em phải điều chỉnh thứ tự nguyện vọng phù hợp để hoàn thành quy trình xét tuyển. Ví dụ, thí sinh Nguyễn Văn A đỗ vào Đại học B bằng phương thức xét học bạ (đã được nhà trường thông báo trước thời gian Bộ mở cổng đăng ký xét tuyển) thì khi Bộ mở cổng đăng ký, các em cần đăng ký và đặt nguyện vọng đầu tiên vào trường, ngành đã đỗ ở Đại học B. Như vậy, sẽ tránh tình trạng thí sinh ảo như các năm trước, một em chỉ đỗ vào một trường duy nhất”, bà Thủy nói.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI