Bộ GD-ĐT đưa ra 5 giải pháp để quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm

18/02/2025 - 14:40

PNO - Bộ đề nghị các địa phương ban hành quy định; nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên; tăng cường kiểm tra giám sát; tăng lớp học 2 buổi/ngày…

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra một số quan điểm xung quanh việc ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm vì về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật; giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình.

Thông tư 29 cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, cấm giáo viên phổ thông dạy thêm học sinh chính khóa của mình bên ngoài trường học - Ảnh: Nguyễn Loan
Thông tư 29 cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, cấm giáo viên phổ thông dạy thêm học sinh chính khóa của mình bên ngoài trường học - Ảnh: Nguyễn Loan

Bộ cũng đưa ra 5 giải pháp để quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, giải pháp hành chính: Ban hành các quy định cụ thể để quản lý việc dạy thêm, học thêm.

Thứ hai, giải pháp chuyên môn: Nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo; phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá (kiểm tra, đánh giá, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh); tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học: Cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh; tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.

Thứ tư, giải pháp về tăng cường kiểm tra, giám sát: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước cả ở trung ương vả địa phương việc chấp hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm; tăng cường sự giám sát của các bậc phụ huynh và toàn xã hội đối với hoạt động này.

Thứ năm, giải pháp về truyền thông: Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định; vận động phụ huynh đồng thuận, ủng hộ các giải pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của học sinh.

Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho nhà giáo, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó dự án Luật Nhà giáo, nếu được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, cũng sẽ mang lại những chính sách đãi ngộ tích cực cho nhà giáo.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI