Bộ GD-ĐT: “325.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng là bình thường”

22/08/2022 - 08:24

PNO - Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy, cả nước có hơn 941.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay có hơn 616.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng với hơn 3.094.572 nguyện vọng (trung bình mỗi thí sinh có 5,02 nguyện vọng). Có hơn 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển, chiếm đến 35% tổng số thí sinh trên cả nước.

Một số chuyên gia cho rằng, hơn 1/3 thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển là con số bất thường, không phải do các em chờ "nước đến chân mới nhảy", mà đây là tình trạng ảo trong tuyển sinh đại học.

"Có thể nói, con số hiện nay mới là ảo "tập 1". Nghĩa là các thí sinh đăng ký tài khoản cá nhân để đăng ký xét tuyển, nhưng bỏ cuộc sớm bằng việc không khai báo nguyện vọng. Còn tiếp tục "ảo tập 2" là thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống nhưng sẽ không đóng phí xét tuyển trong 10 ngày tới", TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT nói.

Bộ GD-ĐT cho rằng gần 1/3 thí sinh không đăng ký nguyện vọng đại học là bình thường - Ảnh: Đại Minh
Bộ GD-ĐT cho rằng gần 1/3 thí sinh không đăng ký nguyện vọng đại học là bình thường - Ảnh: Đại Minh

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Thủy lợi cho rằng: "Có thể, một số thí sinh thấy điểm thấp không đăng ký nguyện vọng. Một số em chuyển sang học nghề, trung cấp, cao đẳng hoặc đi du học, xuất khẩu lao động. Số liệu này cũng tương tự như những năm trước - dao động khoảng 500.000 - 600.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng”.

Về phía Bộ GD-ĐT, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định, thực tế, việc có 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng là bình thường, số liệu này không thể hiện điều gì đáng quan ngại.

PGS Nguyễn Thu Thủy phân tích, mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Do đó, thí sinh có xu hướng và tâm lý "cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng" vì cho rằng đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh.

Tuy nhiên, năm nay, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học mà chỉ cần đánh dấu vào ô "có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không" trên phiếu đăng ký dự thi.

Đa số các em sẽ đánh dấu vào ô này vì không ảnh hưởng gì, sau đó mới là thời điểm quyết định đăng ký nguyện vọng thực sự. Đến khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.

PGS Nguyễn Thu Thủy cũng nhấn mạnh, 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng phần lớn là những người muốn học đại học, có đủ năng lực để học đại học.

Việc hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT chạy lọc ảo giúp "giảm ảo" rất nhiều, bởi nếu giữ cả những thí sinh không muốn học, khó có khả năng đỗ sẽ càng rối, và khiến các trường khó xác định đúng được số thí sinh có khả năng nhập học.

Bên cạnh đó, PGS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, có một lượng lớn thí sinh đi du học nên không đăng ký xét tuyển. Trước đó, vào năm 2020 và 2021, do COVID-19, nhiều thí sinh bỏ lỡ việc đi du học. Năm nay, ngay khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều thí sinh đã bắt đầu ra nước ngoài du học.

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, phân tích theo vùng miền… đối với 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển kể trên, từ đó có điều chỉnh tương ứng, phù hợp trong những năm tới.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI