PNO - Lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ ở thôn A Ho (xã Thanh, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có 30 học viên. Nhiều chị em lớn tuổi, vốn quen việc nương rẫy nên lần đầu cầm bút cứ lóng ngóng, giáo viên phải nắm tay đưa từng nét chữ.
Từ đầu tháng 5/2022 đến nay, đều đặn năm đêm trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu, Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Ho (xã Thanh, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lại rộn ràng tiếng đọc bài của người… lớn. Đây là lớp học do Đồn biên phòng Thanh - Bộ đội biên phòng Quảng Trị phối hợp với Hội LHPN xã Thanh (H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức, giúp chị em phụ nữ ở xã biên giới thoát cảnh mù chữ.
Bộ đội biên phòng - thầy giáo quân hàm xanh đang hướng dẫn chị em ở thôn A Ho viết chữ
Tất bật trở về sau một ngày lao động vất vả trên nương rẫy, vừa kịp nấu bữa cơm tối cho gia đình, chị Hồ Thị Nang lại mang cặp sách đến lớp. Chị Nang là một trong số các học viên thường đến lớp từ rất sớm để dành thời gian trao đổi bài tập và chuyện trò cùng chị em trong thôn. “Ban ngày, tôi phải lên nương làm rẫy. Chiều về lo cơm nước tươm tất cho cả nhà xong là đến lớp học ngay. Trước đây, không biết chữ nên mỗi lần có việc gì cần ký vào giấy tờ là tôi xấu hổ lắm, mỗi lần đi chợ cũng sợ tính toán sai. Nghe Hội Phụ nữ và Đồn biên phòng mở lớp là tôi đăng ký ngay. Tôi đi học để biết viết tên mình và cộng trừ tính toán mỗi khi đi chợ mua bán. Nay tôi đã biết đánh vần, đọc chữ, biết tính toán rồi. Được tự mình cầm bút viết chữ thấy rất vui. Sau này tôi sẽ đọc thêm sách, báo để học cách canh tác đúng khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả cao hơn”.
Ngồi cạnh chị Nang, chị Hồ Thị Hương (49 tuổi) bộc bạch: “Con cái chúng tôi nay đã học đại học rồi. Tôi và các chị em cũng đi học để thi đua với các con. Biết chữ, đọc được cuốn sách, tờ báo thì biết thêm được nhiều kiến thức. Không có chữ thì cái nghèo đeo bám mãi vì biết lấy kiến thức ở đâu mà phát triển kinh tế. Muốn trồng cây lúa, cây sắn cũng cần đọc sách vở để biết cách canh tác hiệu quả”.
Lớp học xóa mù và chống tái mù chữ cho chị em phụ nữ ở thôn A Ho có 30 học viên, độ tuổi từ 18 đến 70, là lao động chính của gia đình. Vốn quen công việc nặng nhọc trên nương rẫy, chăm lợn, nuôi gà… nên lần đầu cầm bút đôi tay cứ lóng ngóng. Giáo viên phải nắm tay đưa nét chữ cho từng người.
Trung úy Nguyễn Văn Hoàng - cán bộ Đồn biên phòng Thanh - người trực tiếp đứng lớp, chia sẻ: “Đời sống của các chị còn vất vả nhưng tinh thần học tập luôn cao. Dù bận đến mấy, các chị cũng sắp xếp thời gian để đi học nên lớp rất ít khi vắng. Khát vọng học chữ của các chị, các mẹ là nguồn động lực cho chúng tôi vượt qua khó khăn, thu xếp công việc chuyên môn để dành thời gian giảng dạy thật tốt”.
Giúp chị em có cuộc sống tốt hơn
Tổ giáo viên của Đồn biên phòng Thanh gồm trung úy Nguyễn Văn Hoàng - Đội trưởng Đội vận động quần chúng làm tổ trưởng và bốn đồng chí cùng đơn vị. Dù công việc bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 bận rộn nhưng các anh không quên giờ lên lớp. Cùng đứng lớp còn có Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh là chị Hồ Thị Tê và chị Hồ Thị Nghiêm, Phó chủ tịch.
Nói về thái độ học tập của chị em ở lớp xóa mù, chị Hồ Thị Tê rất vui: “Các chị rất ham học và đến lớp đều đặn. Mỗi tiết dạy học cùng các chị đều rất hào hứng. Tôi rất vui khi chị em nhiệt tình học tập, tìm hiểu kiến thức. Điều đó không chỉ giúp nâng cao dân trí vùng biên mà mỗi hội viên của chúng tôi đều có thêm kiến thức để nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế”.
Chị Hồ Thị Tê cho biết, xã Thanh là vùng giáp biên giới Việt - Lào. Đời sống của bà con còn thấp, kinh tế khó khăn. Trước đây, nhiều chị em không được đến trường nên tỷ lệ mù chữ khá cao. Từ khi lớp học được mở trên địa bàn, chị em rất ham học. Nhu cầu được học chữ lớn nên Hội lên kế hoạch phối hợp chặt chẽ cùng Đồn biên phòng Thanh mở lớp. Thời gian học mỗi lớp dạy học sẽ kéo dài ba tháng, đảm bảo cho chị em biết đọc, biết viết. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và xây dựng xã hội học tập ở khu vực biên giới.
Chị Hồ Thị Tê, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh, cầm tay giúp các chị em viết từng nét chữ
Các giáo viên đứng lớp không chỉ dạy con chữ, phép tính, để tạo sự hứng thú cho buổi học, họ còn kể những câu chuyện về nỗ lực học tập của chính mình. “Việc học không bao giờ muộn. Cần ham học hỏi, biết nhiều kiến thức để có cuộc sống tốt hơn”, trung úy Hoàng thường động viên chị em như thế vào những lúc không khí lớp học có phần chùng xuống.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, đời sống kinh tế khó khăn, để được đến trường, trung úy Hoàng từng trải qua rất nhiều vất vả. Tham gia quân ngũ, trở thành học viên của Học viện Biên phòng với Hoàng là cả một hành trình gian nan, đầy nỗ lực. Vì vậy, mỗi khi đứng lớp, anh thường tìm cách truyền cảm hứng tích cực cho học viên. Không chỉ dạy chữ, các giáo viên còn lồng ghép các bài học giáo dục công dân, tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, xóa đói giảm nghèo. Các thầy giáo biên phòng còn “miệng nói tay làm”, giúp nhiều hộ trồng lạc trên đất cát, trồng cây cà gai leo bán cho công ty dược liệu để cải thiện đời sống.
Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn biên phòng Thanh, cho biết, lớp học xóa mù và chống tái mù chữ ở thôn A Ho là lớp học thứ hai được đơn vị phối hợp với Hội LHPN xã Thanh tổ chức, dành cho phụ nữ trên địa bàn xã. “Để tạo thuận lợi cho các học viên và việc học có kết quả, lớp học sẽ luôn phiên mở tại các thôn. Chúng tôi nỗ lực để bà con không chỉ biết chữ, có thể tự cầm bút ký tên mình và làm các phép tính đơn giản thường ngày trong đời sống mà còn có thể tiếp cận thêm các kiến thức làm kinh tế, cải thiện đời sống”, trung tá Ngô Trường Khôi bày tỏ.
Ngày 21/1, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam quận 3 tổ chức họp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).