PNO - Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội bức xúc khi hàng loạt fanpage mạo danh bệnh viện, lồng tiếng quảng cáo các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc để lừa đảo bệnh nhân.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lên tiếng khi bị hàng loạt trang mạng giả danh để bán thuốc nam không rõ nguồn gốc
“Không tây y - không tiêm insulin, không tác dụng phụ, không tái phát khi ngừng thuốc, đưa đường huyết về 5,6mml/l chỉ sau một liệu trình…”, quảng cáo điều trị tiểu đường “gắn mác” tên và hình ảnh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 như trên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem trên Facebook cùng hàng trăm lượt chia sẻ. Tuy nhiên, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định, đây chỉ là một trong số rất nhiều thủ đoạn tinh vi mạo danh đơn vị này để lừa đảo người bệnh nhằm trục lợi bất chính.
Không chỉ sử dụng những danh xưng lập lờ liên quan đến bệnh viện, một loạt fanpage giả mạo còn ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. “Thậm chí, các trang giả mạo này còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, hòng tạo niềm tin và lôi kéo người theo dõi, từ đó tổ chức kinh doanh các mặt hàng thuốc trái phép” - đại diện bệnh viện thông tin.
Ngoài mạo danh bệnh viện, các đối tượng còn lừa đảo bằng cách sử dụng trái phép hình ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng. Trong một video quảng cáo sữa dành cho người tiểu đường, hình ảnh của nam MC Quyền Linh xuất hiện với những nội dung quảng cáo khiến các bác sĩ cũng phải giật mình: “Những ai bị tiểu đường type 1, type 2, mới mắc hay mắc lâu năm đang tìm kiếm dòng sản phẩm giúp cải thiện triệu chứng tiểu đường, ngừa biến chứng tiểu đường… thì sản phẩm này hỗ trợ hạ và kiểm soát đường huyết rất tốt”.
Về vấn đề này, chia sẻ với báo chí, MC Quyền Linh khẳng định, anh hoàn toàn không ký hợp đồng quảng cáo cho bất kỳ loại thuốc xương khớp, ung thư, gan, thận, trĩ, hạ đường huyết, hôi nách, yếu sinh lý, nhỏ mắt hay loại thuốc tiểu đường nguy hiểm. Nam MC rất bức xúc vì tình trạng này đã xuất hiện nhiều năm nay, anh đã nhờ tới bộ phận công nghệ thông tin và luật sư hỗ trợ gỡ các hình ảnh nhưng cứ xóa được bài này, bài khác lại xuất hiện.
Từ năm 2021, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên các phương tiện đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng. Dù vậy, trên các nền tảng mạng xã hội, những quảng cáo thuốc nam “gia truyền” do các “thần y” chữa trị vẫn đang tiếp tục được phát đi “ra rả” mỗi ngày…
Nam MC Quyền Linh khẳng định anh bị sử dụng hình ảnh trái phép để quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm chức năng trị tiểu đường, trĩ, hôi nách…
Bệnh nhân “lãnh đủ”
Trong khi các đối tượng lừa đảo bất chấp thủ đoạn thu tiền, thì các bệnh nhân lại “lãnh đủ” hậu quả. Bác sĩ Đinh Thế Tiến - Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) - cho biết, đơn vị này tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng do bỏ thuốc điều trị để lên Hòa Bình, Yên Bái lấy thuốc theo “tin đồn”, hay sử dụng các loại viên nang được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Điển hình như trường hợp của nữ bệnh nhân H.B.T. (35 tuổi, Hà Nội). Mới phát hiện bị mắc tiểu đường từ năm ngoái, nữ bệnh nhân đã được các bác sĩ kê đơn và cho uống thuốc hằng tháng nên sức khỏe ổn định trở lại. Tuy nhiên, nghe theo lời quảng cáo trên mạng, gần đây, chị bỏ thuốc tại bệnh viện để uống loại “thần dược” này. Sau hơn 2 tháng, bệnh nhân bắt đầu giảm cân nhanh, cơ thể mệt mỏi, đờ đẫn. Khi trở lại bệnh viện thăm khám, chỉ số đường huyết của chị đã vọt lên hơn 20mml/l.
Tương tự, anh P.T.K. (40 tuổi, Hà Nội) có tiền sử xơ gan, uống nhiều rượu. Nghe quảng cáo thuốc nam gia truyền có thể “cắt bệnh” hoàn toàn, anh bỏ ngang phác đồ điều trị của bác sĩ. “Kết quả, bệnh nhân không những không khỏi bệnh mà phải nhập viện cấp cứu do rối loạn đông máu, xuất huyết dạ dày nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng” - bác sĩ Đinh Thế Tiến nói.
Mới đây, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cũng cảnh báo về việc thuốc cấm tái xuất đội lốt y học cổ truyền. Hậu quả là một nam bệnh nhân 63 tuổi (Hà Nội) suýt mất mạng do nhiễm toan chuyển hóa nặng. Thông tin từ người nhà, nam bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, sau khi nghe quảng cáo đã mua 20 gói thuốc nam dạng viên với giá 10 triệu đồng. Sử dụng được gần 20 ngày, ông xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa, nên được người nhà đưa đi cấp cứu.
Xét nghiệm viên thuốc mà bệnh nhân uống, các bác sĩ phát hiện có thành phần phenformin, loại thuốc chữa đái tháo đường cũ có độc tính cao đã bị cấm sử dụng từ những năm 1970. “Người dân cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Một trong những “thủ đoạn” khác hiện nay là quảng cáo không khuyên bệnh nhân bỏ thuốc mà sử dụng song song. Sau một thời gian, người dùng có thể bớt liều dùng, uống thuốc tây y cách nhật nhưng vẫn mang lại hiệu quả. Bác sĩ Đinh Thế Tiến cho rằng, bất kể sự can thiệp nào tới liều lượng sử dụng theo đơn của bác sĩ đều ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân.
“Y học cổ truyền chân chính hoàn toàn có thể kết hợp điều trị cùng tây y. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cảnh giác để tránh các sản phẩm “núp bóng”, lừa đảo cũng như lạm dụng quá đà. Hiện nay, chúng ta đã nói rất nhiều về bệnh tiểu đường với phác đồ điều trị rõ ràng. Thuốc trong bảo hiểm y tế cũng rất tốt. Do đó, bên cạnh việc quản lý của cơ quan chức năng, ý thức của người dân cũng cần được tăng lên để bảo vệ sức khỏe của chính mình” - bác sĩ Đinh Thế Tiến nhắn nhủ.