Bỏ đi hết

15/12/2023 - 13:05

PNO - Nhìn lại chiếc hộp đã hoen gỉ theo thời gian, tôi quyết định đem tất cả ra sau vườn đốt sạch, để rũ bỏ những kỷ niệm xưa giờ đã cũ.

Tối qua, lúc dọn dẹp lại các hộc tủ để chuẩn bị đón Noel, chiếc hộp thiếc cũ trong góc tủ vô tình bật nắp, làm rớt theo cả xấp thư đã ố vàng. Nhìn những dòng chữ nắn nót ghi tên người nhận là tôi, kỷ niệm xưa chợt ùa về...

Tôi và anh biết nhau tại tiệc sinh nhật của người bạn thân. Anh lớn hơn tôi 1 tuổi, cao ráo, điển trai, hiền lành và đang là sinh viên năm nhất tại Trường đại học Hàng hải với ước mơ trở thành thủy thủ tàu viễn dương để chu du năm châu, bốn biển. Còn tôi, khi ấy chỉ là cô bé nghèo đang theo học năm cuối cấp III, nhà ở vùng ven thành phố.

Tại buổi tiệc, thấy tôi ngồi co ro, lạc lõng ở góc phòng giữa tiếng nhạc xập xình, anh nhẹ nhàng bước đến làm quen. Trò chuyện hồi lâu, sau khi biết nhà tôi ở quận vùng ven nên anh ngỏ ý đưa tôi về nhà. Ngày ấy, bọn sinh viên, học sinh chúng tôi thường đi học bằng xe đạp, dù mang tiếng đưa tôi về nhà nhưng tôi và anh còng lưng tự đạp xe, ráng nhấn pê-đan ì ạch leo lên dốc cầu vừa cao vừa dài...

Sau hôm ấy, cứ mỗi buổi chiều tan học, ra khỏi cổng trường, tôi thường thấy anh đứng chờ ở bên kia đường để cùng nhau đạp xe đưa tôi về nhà. Tình yêu đầu đời của chúng tôi lớn dần theo những vòng quay của bánh xe, qua những chiếc cầu và những con đường đất đỏ. Một hôm, trên đường đưa tôi về nhà dưới cơn mưa phùn cuối hạ, anh bảo tôi rằng mai anh sẽ đi sang nước ngoài du học, tự dưng cả hai đứa đều im bặt trên đoạn đường dài, dưới ánh sáng vàng hiu hắt của đèn đường.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Khi đến trước cửa nhà, tôi mỉm cười chúc anh sớm mai lên đường du học được bình an và xin phép không có mặt tại phi trường để tiễn anh. Anh nắm chặt tay tôi hồi lâu rồi nhẹ nhàng nói nhỏ: “Đợi anh về em nhé!”. Còn tôi, với niềm xúc động dâng trào, không kịp gật đầu trả lời cho đến khi bóng anh mất hút trên đoạn đường vẫn tí tách mưa rơi.

Từ sau hôm chia tay ấy, cứ mỗi chiều cuối tuần, tôi lại bồn chồn mong ngóng bác đưa thư nhét qua song cửa sắt nhà tôi những phong thư dày cộp từ phương xa anh gửi về. Trong 8 đến 12 trang giấy, anh thường kể về cuộc sống nơi xứ lạ, nơi có tuyết trắng ngập tràn, nơi có những ngày tất bật chuẩn bị bài vở để theo kịp chương trình đang học và cả những nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà, bên cạnh nỗi nhớ về một cô bé mắt nai với mái tóc dài ngang lưng ngày ngày một mình đạp xe đi học.

Thời gian này, tôi đã đậu đại học. Trong những bức thư hồi âm cho anh, tôi thường huyên thuyên kể anh nghe về ngôi trường lẫn những người bạn mới, những khi đi thực tế xa nhà sống chung với dân làng ở các vùng miền núi, kèm theo nỗi nhớ nhà lẫn nhớ anh da diết. Vì muốn anh chuyên tâm học hành nên tôi thường kể cho anh nghe về những câu chuyện vui và tránh nói nhiều đến nỗi buồn, về những giọt nước mắt khi chỉ mình tôi đạp xe trở về mỗi khi tan học.

Thời gian vùn vụt trôi nhanh, chỉ còn khoảng 6 tháng nữa anh tốt nghiệp đại học thì anh nhận được hung tin rằng mẹ và cô em gái anh thương yêu nhất lần lượt qua đời, chỉ cách nhau vài ngày, do bạo bệnh. Có lẽ do quá đau buồn và còn quá trẻ để vượt qua sự mất mát to lớn này nên anh đã đóng kín mọi cánh cửa với thế giới bên ngoài từ dạo ấy.

Tôi đã không còn nhận được bất cứ lá thư nào của anh gửi về, dù rất nhiều lần tôi đã viết thư sang hỏi thăm lẫn an ủi anh. Và thế đó, mối tình tuổi ô mai của chúng tôi cũng dần chìm vào quên lãng. Sau này, nghe nói anh đã lập gia đình và định cư luôn bên ấy. Đôi lần anh có về thăm gia đình, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi chưa một lần gặp lại.

Giờ ngồi nhìn lại chiếc hộp đã hoen gỉ theo thời gian, tôi quyết định đem tất cả ra sau vườn đốt sạch, để rũ bỏ những kỷ niệm xưa giờ đã cũ. Những kỷ niệm với những lá thư ố vàng, với những dòng chữ nắn nót nay đã nhòe theo dấu thời gian, và vì chúng mà tôi đã từng buồn bã, thất vọng trong một thời gian dài của những ngày xa xưa ấy. Thôi, đã bỏ là bỏ đi hết, để tôi toàn tâm toàn ý với gia đình. 

Giao Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI