Bố đi chống dịch, chỉ nhìn con ra đời qua điện thoại

29/04/2020 - 11:45

PNO - Đã 2 tháng xa nhà, Tuyền làm nhiệm vụ trên biên giới nhưng vẫn thường xuyên liên lạc được với vợ con. Chỉ cần nghe các con ê a, anh đã thấy hạnh phúc.

Hai lần các con chào đời thì cả hai lần đại úy Phạm Văn Tuyền (đồn Biên Phòng Lộc Thành, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước) không được hưởng cảm giác nhận con từ tay các nữ hộ sinh.

Thương vợ thương con, nhưng anh chỉ biết liên lạc với vợ và nhìn con lớn lên từng ngày qua chiếc điện thoại.

Nỗi nhớ con gửi qua điện thoại (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nỗi nhớ con gửi qua điện thoại (Ảnh nhân vật cung cấp)

Con trai đầu ra đời khi anh Tuyền đang đi học xa nhà. Bố tốt nghiệp khi con trai ba tháng tuổi, nhưng chỉ bên con một thời gian ngắn ngủi, Tuyền phải lên đường.

Ở nhà, chị Ngân (vợ anh - giáo viên hợp đồng của một trường tiểu học tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) thường chỉ lên tấm ảnh cưới để được nghe con bập bẹ “ba ba”. Mỗi âm thanh con phát ra là niềm hạnh phúc vô bờ của cả gia đình, bởi bé mắc chứng chậm nói, tăng động giảm chú ý.

Bố Tuyền ơi, con bế được em rồi nè (Ảnh nhân vật cung cấp)
"Bố Tuyền ơi, con bế được em rồi nè" (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đơn vị đóng quân cách nhà gần 70 cây số, vài ba tháng anh Tuyền mới được về thăm nhà 3 ngày. Ít được gặp bố, nên bé Gold thường lảng trách. Đến bữa ăn, con không ngồi gần, bố đút không ăn vì “tưởng là người lạ”.

Biết chồng buồn, chị Ngân động viên: “Em là vợ bộ đội, can đảm có thừa, bố cứ vững tin”. Có hậu phương vững chắc, Tuyền yên tâm hơn để làm tròn nhiệm vụ được giao.

Để chồng yên tâm công tác, chị Ngân và Gold thường gửi cho bố những tấm hình vui tươi (Ảnh nhân vật cung cấp)
Để chồng yên tâm công tác, chị Ngân và bé Gold thường gửi cho bố những tấm hình vui tươi (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Tuyền được phân công trực tại chốt chống dịch trên biên giới cách đường biên Campuchia 350m. Công việc tuần tra ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép để vừa bảo vệ biên giới chủ quyền, vừa hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan nên anh và đồng đội luôn trong tư thế sẵn sàng.

Đại úy Tuyền (ngoài cùng bê phải) cùng các đồng đội tại chốt vùng biên(Ảnh nhân vật cung cấp)
Ban chỉ huy xuống chốt động viên tổ 3 đồn Biên Phòng Lộc Thành  (Ảnh nhân vật cung cấp, đại úy Tuyền ngoài cùng bên phải)

 Khi chồng trên trận chiến chống dịch bệnh và tội phạm, thì ở nhà vợ anh bước vào cuộc chiến đấu mới, đó là cuộc vượt cạn lần 2 vào ngày 4 /4 vừa qua. Lại một lần nữa vợ sinh nở mà không có chồng bên cạnh, Tuyền gửi trọn niềm tin vào các y bác sĩ cùng bà nội, bà ngoại của bé.

Chào bố, con là Jerry đây (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chào bố, con là Jerry đây (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lâu lâu, anh nghe mẹ vợ thông báo: “Vợ con vào phòng sanh 3 tiếng rồi nhưng vẫn chưa thấy gì”, "Bác sĩ đang tiêm thuốc kích sanh, hy vọng sinh thường", “Ngôi thai nằm ngang, sợ phải mổ”, “ Alo, mẹ gọi lại sau nhé, vợ con nó đau quá rồi”…

Những lúc ấy, Tuyền thấy thời gian trôi đi thật chậm, anh chỉ biết mím chặt môi nhủ thầm: “Em ơi, con ơi, ráng lên chút nữa”. 15 giờ ngày 4/4, Tuyền nhận được tin nhắn từ Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước: “Bé trai nặng 3400g đã chào đời và khỏe mạnh”, anh đã không kìm được nước mắt.

“Là vợ con lính biên phòng, mẹ con tôi đã quen cảnh vợ xa chồng, con xa bố”, vợ Tuyền chia sẻ. Để các con quen với hơi của bố cho đỡ xa cách ngày về,  đêm đêm chị Ngân lại lấy áo bố đắp cho con.

Bố ơi, nhìn con có giống bố không? (Ảnh nhân vật cung cấp)
"Bố ơi, nhìn con có giống bố không?" (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đã 2 tháng xa nhà, động lực của Tuyền là vẫn thường xuyên liên lạc được với vợ con. Chỉ cần nghe các con ê a, khóc cười, rồi đòi ăn, đòi bú, Tuyền ngập tràn hạnh phúc. Những đêm thiếu ngủ cùng sự khắc nghiệt của thời tiết và điều kiện thiếu nước sinh hoạt nơi núi rừng heo hút chẳng là gì khi nụ cười hồn nhiên của bé Gold và bàn tay nhỏ xíu của bé Jerry huơ lên như muốn nói: “Chúng con yêu bố”.

Nhà mình có thêm em Jerry, chỉ còn đợi bố về để đi chụp ảnh gia đình nữa thôi bố nhé (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nhà mình có thêm em Jerry, chỉ còn đợi bố về để đi chụp ảnh gia đình nữa thôi bố nhé (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về mong ước của mình, anh Tuyền cười: “Hy vọng 30/4 năm nay chúng ta đánh thắng và giải phóng nhân dân khỏi giặc COVID. Xong nhiệm vụ, mình sẽ về đi chợ nấu cho vợ con một bữa ăn thật ngon, rồi chở Gold đi mua sữa, đồ chơi và cả phao tắm mà lâu nay con ao ước”.

Có hậu phương vững chắc, các chiến sĩ biên phòng yên tâm công tác và vượt qua mọi khó khăn(Ảnh nhân vật cung cấp)
Có hậu phương vững chắc, các chiến sĩ biên phòng yên tâm công tác và vượt qua mọi khó khăn. Đêm xuống các anh đốt lửa để vừa giữ ấm vừa giữ tinh thần tỉnh táo (Ảnh nhân vật cung cấp)

Và cứ thế, khi bình binh lên hay sương đêm phủ trên những cung đường biên viễn, đại úy Tuyền và đồng đội lại sát cánh bên nhau, vững lòng vì phía sau họ là hậu phương kiên cường.

                               Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI