Bỏ dạy thêm hè đột ngột: Phụ huynh bị động "phút 89"

17/06/2016 - 09:01

PNO - Những ngày này, nhiều phụ huynh học sinh ở Q.Tân Bình, TP.HCM đang nháo nhào tìm chỗ gửi con vì bất ngờ nhận được thông báo từ các trường tiểu học, trung học cơ sở là sẽ không dạy thêm hè.

Bo day them he dot ngot: Phu huynh bi dong
Thông báo bỏ dạy hè đột ngột của trường THCS Ngô Sĩ Liên

Gian nan tìm chỗ gửi con

Chị Nguyệt Anh, có con học lớp 7 trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình) cho biết, vợ chồng chị đều bận công việc nên năm học nào cũng gửi con học hè. Hè năm nay cũng vẫn như cũ, đã nộp tiền học hè cho trường rồi, nhưng bất ngờ trường thông báo không dạy nữa, sẽ trả lại tiền vào ngày 16/6. Dự định đưa con đi du lịch rồi về học hè vào nửa cuối tháng Sáu của chị bỗng chốc bị “phá sản”. Tạm thời, gia đình chị hoãn kế hoạch đi du lịch, tập trung “truy tìm” các khóa hè chất lượng, học phí vừa phải để gửi con.

Tương tự, chị Thùy Trâm có con học cùng trường với con chị Nguyệt Anh cũng đang loay hoay chưa có phương án nào thay thế cho kế hoạch học hè của con đã bị hủy vào phút chót. “Con tôi mới 13 tuổi, để ở nhà hai tháng trời thật không yên tâm chút nào, chắc suốt ngày con tôi phải làm bạn với ti vi, máy tính bảng… Hiện tôi đang tìm trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở quận khác để gửi con tạm, nhưng vẫn không an lòng như khi gửi con ở trường với tổ chức bài bản, có thầy cô quen, bạn bè cũ. Hơn nữa, trung tâm chỉ nhận dạy theo tiết, theo môn chứ không giữ lại hai buổi như ở trường”, chị Trâm chia sẻ.

Anh Minh Đức, một PH ở Q.Tân Bình than: “Mấy ngày qua, vợ chồng tôi lo sốt vó vụ trường không tổ chức học hè. Phải “bói” cho ra chỗ học cho hai đứa nhỏ vì không thể bỏ ở nhà suốt hai tháng được. Khổ nỗi, các lớp dạy thêm chỉ dạy có hai tiếng, nơi nhiều nhất cũng chỉ giữ một buổi, không nơi nào vừa dạy học vừa tổ chức các hoạt động vui chơi như ở trường. Giờ vợ chồng tôi vẫn chưa tìm được chỗ cho con, cùng đường quá có lẽ phải rước ông bà từ quê vào trông hộ”. Cũng đang lâm vào thế kẹt trước quyết định đột ngột của các trường, dù đó là một chủ trương hợp lý, anh Lâm Thanh Hoài, PHHS trường tiểu học Lê Văn Sĩ (Q.Tân Bình) cho biết: “Mấy hôm nay tôi phải chạy tìm trung tâm có nhận trẻ bán trú hè để gửi hai con”.

Có quá vội vàng?

Ngày 8/6, Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình có văn bản về việc tổ chức các hoạt động trong hè, yêu cầu các trường tiểu học và THCS không được dạy thêm, học thêm cho HS dưới bất kỳ hình thức nào. Quận hiện có 27 trường tiểu học và 13 trường THCS đang giảng dạy hàng chục ngàn HS. Việc tất cả các trường đột ngột dừng dạy thêm hè khiến hàng loạt PH lao đao, khốn khổ “chạy” tìm một chỗ học hè cho con.

Việc tạo ra một mùa hè không học thêm, bổ ích cho HS là một chủ trương đúng, nhưng nếu trước đó địa phương chuẩn bị phương án thay thế cụ thể và PH được thông báo sớm để chuẩn bị thì sẽ không phát sinh tình hình rối loạn này. Quyết định của ngành giáo dục Q.Tân Bình, theo nhiều PH là quá vội vàng, khi trường đã có kế hoạch dạy hè và PH cũng đã đóng tiền học, sắp xếp việc nhà xong nên rơi vào thế bị động. Việc làm, sinh hoạt của rất nhiều gia đình đang xáo trộn không nhỏ vì đột ngột không có chỗ gửi con.

Q.Tân Bình đã nổ “phát pháo” đầu tiên trong việc dừng hoạt động dạy thêm - học thêm trong nhà trường, sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM ngày 7/6 về việc không dạy thêm - học thêm trong năm nay. Lý giải cho quyết định này, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình nói: “Chúng tôi muốn HS và giáo viên được nghỉ hè đúng nghĩa vì qua chín tháng học tập và giảng dạy đã mệt lắm rồi. Có thể quyết định đưa ra hơi đột ngột nhưng vẫn cần làm để trả lại mùa hè đúng nghĩa cho thầy và trò. Khi thực thi chủ trương này, lãnh đạo phòng cũng dự đoán sẽ có một bộ phận PH không đồng ý vì nhu cầu cho con học thêm là có thật”.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, ngành giáo dục có tính đến phương án hỗ trợ PH trong việc tạo điều kiện cho trẻ vui chơi dịp hè, ông Huy khẳng định: “Phòng đã lên phương án yêu cầu các trường tổ chức những hoạt động vui chơi, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống nhằm tạo điều kiện cho các em có sân chơi ngày hè để thay thế. Thay vì dạy thêm, các trường vẫn mở cửa đón HS đến đọc sách, vui chơi, tham gia các câu lạc bộ đội nhóm. Những PH có nhu cầu cho con học thêm thì đã có các trung tâm, cơ sở dạy thêm bên ngoài”.

Tuy nhiên, không phải PH nào cũng đủ điều kiện để gửi con vào các trung tâm bồi dưỡng văn hóa hoặc các khóa trại hè bên ngoài nhà trường nên vẫn trông chờ vào các khóa dạy thêm ngay trong trường

Nhiều quận huyện cũng ngừng dạy thêm hè

Không chỉ Q.Tân Bình, làn sóng lo lắng đã lan sang PH các địa bàn khác. Chị Lâm Huệ (Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp) băn khoăn: “Không biết các trường ở Gò Vấp có bỏ dạy thêm hè như Tân Bình không? Hai con tôi đang về nhà ngoại ở Nha Trang, vài hôm nữa là vào học hè, nếu trường không dạy thì chẳng biết phải gửi con ở đâu”. Lo lắng của chị Huệ cũng là mối quan tâm của nhiều gia đình có con đang học tiểu học, THCS ở TP.HCM. Lo lắng này đang trở thành sự thật khi nhiều quận huyện cũng không cho các trường dạy thêm hè.

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.6 cho biết: “Q.6 đã sẵn sàng mọi thứ cho việc cắt bỏ chương trình dạy hè trong trường, nhưng không tiến hành đơn lẻ như Q.Tân Bình. Chúng tôi đang chờ sự thống nhất từ các quận, huyện khác và tiếng nói chung của Sở GD- ĐT TP.HCM về vấn đề này rồi mới thực hiện. Cá nhân tôi ủng hộ việc bỏ hẳn chương trình dạy hè trong trường, để HS và giáo viên có được một mùa hè đúng nghĩa”

Đồng thuận với chủ trương xóa bỏ dạy thêm hè nếu điều đó không làm khó PH, tiến sĩ Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD- ĐT Q.11 cho biết: “Quận đã cho các trường khảo sát ý kiến và nhu cầu của PH về việc nên bỏ hay cho trẻ học thêm hè. Thực tế cho thấy, đa số PH cũng đồng tình với chủ trương nên bỏ học hè, số ít PH còn lại có nhu cầu có thể đăng ký cho con học thêm ở các trung tâm bên ngoài, chứ không quá căng thẳng. Chúng tôi không cho các trường dạy thêm hè để thu tiền, chỉ được phụ đạo HS yếu kém và bồi dưỡng HS giỏi nhưng không được thu tiền”.

Mục tiêu tạo mùa hè đúng nghĩa cho giáo viên, HS thật sự cần thiết nhưng thiết nghĩ, việc cấm dạy thêm phải được tiến hành song song với việc chuẩn bị đầy đủ sân chơi cho trẻ, cải cách tiền lương cho giáo viên và giảm tải chương trình. Khi những việc trên đều còn bỏ ngỏ thì việc cấm dạy thêm hè đột ngột chỉ là giải pháp phần ngọn.

Gia Tuệ - Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI