"Bộ đàn bà hay sao mà chui vô bếp?"

20/03/2021 - 08:48

PNO - Mới đây, người mẫu - diễn viên Xuân Lan đã có buổi “ba mặt một lời” với chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy và anh Lê Hoàng (đại diện BlueStone) về việc nhiều người mặc định rằng đàn ông nào vào bếp là “tính đàn bà”.

”Đàn ông tính đàn bà hay đàn ông biết sẻ chia”

Theo Xuân Lan, không biết tự bao giờ, người ta mặc định rằng người vợ tốt là người phải đặt việc chăm sóc chồng con là ưu tiên hàng đầu và mặc định luôn chuyện bếp núc là của người vợ.

Việc cho rằng những người đàn ông vào bếp là người “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”… đã khiến không ít ông chồng mặc nhiên xem việc nhà là của vợ, và bất kỳ hành động nào của đàn ông trong gian bếp nếu có, cũng được xem là… vĩ đại. Thật buồn cười khi người chồng nhặt rau, cắm cơm… là giúp vợ, là vợ phải nói lời cám ơn, trong khi anh chồng rõ ràng cùng ngồi ăn bữa cơm ấy. Nhận định về điều đó, anh Lê Hoàng - đại diện thương hiệu BlueStone - thẳng thắn chia sẻ: "Đó không phải là sẻ chia. Sẻ chia là sự chủ động, chỉ khi nào sẻ chia trở thành thói quen thì hạnh phúc mới viên mãn".Vì vậy, nhiều người  không ngần ngại buông lời nhận xét về những người đàn ông thích vào bếp là “có tính đàn bà”. “Cứ anh nào tệ, đánh đập phụ nữ hoặc “chia tay đòi quà”… là nhiều người lại phán “đồ đàn bà”. Rồi đàn ông vào bếp cũng kêu “đồ đàn bà”...”, Xuân Lan bức xúc.

Từ phải sang trái: anh Lê Hoàng(đại diện BlueStone),người mẫu - diễn viên Xuân Lan, chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy
Từ phải sang trái: anh Lê Hoàng(đại diện BlueStone), người mẫu - diễn viên Xuân Lan, chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy

Là phụ nữ, khi nói về điều này, người mẫu - diễn viên Xuân Lan nhìn nhận: “Có rất nhiều quý ông không nghĩ việc nhà thuộc phạm trù sẻ chia, mà phải là cái gì đó thật to tát. Trong khi, sự sẻ chia đúng nghĩa thường bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống”.

Quả thật, những việc nhỏ bé, vụn vặt mới hun đúc tình yêu và làm cho tình cảm gia đình thêm bền chặt.

Chị Lan Anh (34 tuổi, Q.Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Mỗi ngày đi làm về chồng mình đều tạt qua chợ mua đồ ăn, mình đi làm về sẽ nấu ăn, nấu xong chồng phụ rửa bát, nhờ vậy hai vợ chồng và các con luôn tranh thủ về sớm để ăn cơm nhà. Cơm nhà thành đặc sản "níu chân" các thành viên trong gia đình”. Với chị Lan Anh, những điều bình dị đó là niềm vui to lớn hơn bất kỳ điều gì khác.

Không phải ngẫu nhiên mà chương trình về bình đẳng giới của Liên Hiệp Quốc năm 2021 là “Mỗi người vì sự bình đẳng”, tập trung thay đổi từ những điều nhỏ nhặt mà mỗi cá nhân có thể tạo ra. Vậy nhưng, chúng ta quen nhìn những điều to lớn mà quên đi những điều tưởng chừng nhỏ nhưng vô cùng quan trọng.

Sẻ chia bắt đầu từ sự mở lòng

Mới đây, trên một diễn đàn của chị em với gần 300 ngàn thành viên, một anh chồng than thở: “Quẹt quẹt trên YouTube, trúng cái clip hướng dẫn món ăn thấy cũng hấp dẫn, bảo với cô ấy là chiều nay anh nấu món này thử xem. Nghe qua, cô ấy gạt phắt: “Thôi thôi, anh cứ để em. Anh vào bếp nấu ít nhưng bày nhiều, lại khổ công em dọn”.

Anh cho biết mình không phải là người khéo léo, nên thỉnh thoảng lại làm vỡ chén, đổ mắm… khi dọn rửa. “Thì đàn ông mà, chúng tôi vụng về bếp núc thật, nhưng muốn cùng vợ kẻ nấu người nướng, kẻ lau người rửa, như thế mới vui. Điều này cũng cho thấy, vẫn còn nhiều anh chồng tuyệt vời, không quan tâm chuyện đàn ông vào bếp là có “tính đàn bà” để san sẻ việc nhà với người phụ nữ yêu thương của mình. Thế nên, các chị em hãy “bao dung” hơn nếu chồng mình còn vụng về”, anh hài hước.

Lời than thở của anh khơi mào cho hàng loạt bình luận “vạch tội đàn bà”. Một anh chồng kể vui: “8/3 vừa rồi, muốn tạo bất ngờ, nên mình âm thầm chuẩn bị bữa tối lãng mạn. Kế hoạch bị “phanh phui” khi cô ấy từ phòng khách lướt xuống chỉ đạo: “Hình như anh để lửa nhiều quá, em nghe mùi cháy”, “Cà chua phải xắt múi cau mới đúng”… Bao nhiêu háo hức của tôi khi bước vào bếp trôi tuột”.

Quả thật, không ít chị em thừa nhận mình thiếu đi sự cởi mở với sự vụng về của chồng, quên đi rằng dẫu có thêm một chút công đoạn dọn dẹp thì sự song hành của cả hai trong gian bếp có thể đem lại nhiều thứ như:tiếng cười, sự thấu hiểu nhau…

Ở góc nhìn của nam giới, trao đổi thêm với báo Phụ Nữ TPHCM sau tọa đàm, anh Lê Hoàng cho biết, sự sẻ chia nếu chỉ có sự chủ động của phái nam là chưa đủ, mà cần sự cộng hưởng cởi mở của đối phương. Theo anh Hoàng, khi sự mở lòng gặp sự chủ động, sẻ chia ấy tự khắc sẽ trở thành thói quen hàng ngày. Và khi ấy, bất cứ ngày nào trong năm cũng sẽ là ngày đặc biệt.

Thực tế, sự sẻ chia trong đời sống gia đình còn bao hàm nhiều khía cạnh chứ không dừng lại ở việc nhà. “Sẻ chia trong đời sống gia đình còn ở nhiều góc như sẻ chia trách nhiệm giáo dục con cái và cả sẻ chia tài chính… Chỉ cần cán cân trách nhiệm rơi vào cảnh bên nặng bên nhẹ, tính bền vững của gia đình sẽ bị ảnh hưởng…”, anh Lê Hoàng đúc kết.

Hạnh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI