Vi phạm các quy định về an toàn hồ đập
Trực tiếp kiểm tra tại thuỷ điện Thượng Nhật vào chiều nay (17/11), ông Tô Xuân Bảo - Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công thương yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư thuỷ điện miền Trung Việt Nam bổ sung thêm 2 máy phát điện ở đập để xử lý khi sự cố xảy ra trong trường hợp mất điện.
|
Thủy điện Thượng Nhật nhìn từ phía thượng nguồn |
Trao đổi với đoàn kiểm tra, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông khẳng định, chủ đầu tư chưa dọn dẹp lòng hồ nhưng đã tích nước, phát điện khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; ở phía khu nhà điều hành có nguy cơ sạt lở rất lớn, cần khắc phục, ngoài ra công ty cũng chưa cắm cảnh báo ở hạ du đập.
"Bây giờ họ đã vậy rồi thì sau khi được tích nước không biết có phối hợp với huyện hay không?"- ông Phụng lo lắng.
Kết luận tại buổi họp, ông Tô Xuân Bảo yêu cầu chủ đầu tư, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế chuẩn bị các văn bản liên quan để ngày mai (18/11) đoàn tiếp tục có cuộc họp tại Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông Bảo khẳng định, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã không tuân thủ hoặc chưa tuân thủ các quy trình, quy định. Trong đó rõ nhất là việc không tuân thủ các quy định của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
|
Thời điểm đoàn Bộ Công thương đến kiểm tra vào chiều nay (17/11), 5 cửa van đều xả nước về hạ du |
"Theo Nghị định 114/2018 của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thì chúng tôi đã có thể xử phạt hành chính ngay. Còn về giấy phép hoạt động điện lực, nếu không duy trì các điều kiện theo quy định thì chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công thương thu hồi"- ông Bảo khẳng định.
Được biết, trong ngày 17/11 Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã lập biên bản về việc Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam vi phạm quy định về sử dụng nguồn tài nguyên nước theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
Công ty "chưa" bán điện thường xuyên?
|
Đường vào thủy điện Thượng Nhật có nhiều điểm sạt lở, phải lội qua khe suối |
Cũng tại buổi làm việc trên, đại diện Sở Công thương, UBND huyện Nam Đông đã đề nghị Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam cần phải giải quyết những vẫn đề tồn đọng trong công tác đền bù đối với những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này.
Cụ thể, ông Hồ Văn Bí cho rằng, Công ty CP Đầu tư thuỷ điện miền Trung Việt Nam có cam kết chi trả sớm cho hộ gia đình ông Bí số tiền 52.150.000 đồng nhưng đến nay không trả. Ngoài ra, còn có 4 hộ có diện tích phát sinh thêm nhưng công ty vẫn chưa ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để đo đạc diện tích này.
Hộ ông Hồ Văn Sỹ có 1 thửa đất 2.677,2m2 bị ảnh hưởng nhưng Công ty CP Đầu tư thuỷ điện miền Trung Việt Nam cho rằng đó là diện tích đất ven sông suối, phía công ty đề xuất hỗ trợ 5.350.000 đồng nhưng hộ gia đình không đồng ý.
Ngoài ra có 5 hộ dân khác ở xã Thượng Nhật bị ảnh hưởng do đường dây điện của công trình thủy điện Thượng Nhật đi qua nhưng công ty chưa có phương án đền bù...
|
Một góc thủy điện Thượng Nhật |
Trong khi đó, ông Lê Văn Khoa - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thuỷ điện miền Trung Việt Nam - giải thích rằng, toàn bộ 151 hộ tại khu vực lòng hồ và 94 hộ nằm trên đường dây điện đi qua đều đã được đền bù xong.
"Chúng tôi đã có văn bản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Nam Đông ngày 5/10/2020 xác nhận đã hoàn thành xong 100% theo phương án đền bù đã được phê duyệt. Theo phương án toàn bộ tiền đền bù cho dân là 23 tỷ, thực tế chi 25 tỷ giai đoạn 2 (khu vực lòng hồ, đường dây)", ông Khoa cho biết, đồng thời khẳng định trước và sau bão số 13 đều mở hết 5 cửa van và chấp hành các công lệnh của tỉnh.
|
Đoàn Bộ Công thương làm việc với đại diện Công ty CP Đầu tư thuỷ điện miền Trung Việt Nam - Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật |
Liên quan đến việc không chấp hành công lệnh của Bộ Công thương, UBND tỉnh, ông Khoa cho rằng trong thời điểm xuất hiện những cơn bão vừa qua, một số hạng mục sạt lở xuống lấp kênh xả nên thủy điện Thượng Nhật đóng 4 cửa van để nạo vét kênh xả. Nếu xử lý ở kênh xả không tốt sẽ dẫn đến nước trên hồ lớn tràn ngược vào nhà máy gây nguy hiểm, vì vậy bắt buộc phải giảm tốc độ nước lại để nạo vét, lưu thông dòng chảy cho tốt hơn.
Khi được hỏi về việc có thông tin cho rằng công ty đã ký hợp đồng bán điện cho Tổng công ty Điện lực miền Trung, ông Khoa nói rằng, công ty được cấp giấy phép hoạt động điện lực, có hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, công ty "chưa bán điện thường xuyên".
|
Đoàn kiểm tra tại khu vực các cửa van xả nước |
Mặc dù ông chủ thủy điện "tai tiếng" Thượng Nhật phân trần như vậy, nhưng trước đó, thực tế cho thấy thủy điện Thượng Nhật thời gian qua đã có dấu hiệu chống lệnh của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ Công thương, không mở hoàn toàn 5 van xả để phòng chống bão, lũ.
Thuận Hóa