Bộ Công thương nghiên cứu thành công máy trợ thở, có thể sản xuất hàng loạt

15/04/2020 - 17:04

PNO - Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa - Bộ Công thương đã sản xuất được 1 máy trợ thở bám sát các tiêu chuẩn quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn Việt Nam.

Qua hai tuần nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa - Bộ Công thương tuyên bố đã hoàn thành nghiên cứu chế tạo máy trợ thở không xâm nhập, sẵn sàng sản xuất hàng loạt để hỗ trợ điều trị COVID-19.

Theo nhóm nghiên cứu của Phân viện TPHCM, máy trợ thở tự động này có khả năng sản xuất số lượng lớn trong thời gian ngắn, giá rẻ, an toàn cho lực lượng y, bác sĩ dựa trên nghiên cứu một số mẫu máy có sẵn trên thị trường cũng như cấu hình máy của Viện công nghệ MIT (Hoa Kỳ) đã được công bố rộng rãi.

Máy thở hỗ trợ điều trị phòng chống COVID-19 của Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương vừa được công bố.
Máy thở hỗ trợ điều trị COVID-19 của Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học và Ywj động hoá thuộc Bộ Công thương vừa được công bố

Hoạt động của máy dựa vào một bóng Ambu - quả bóng thở bóp tay có thể được tìm thấy dễ dàng tại các bệnh viện, các nhà cung cấp thiết bị y tế tại thị trường Việt Nam hiện nay. Để tránh việc nhân viên y tế phải túc trực để bóp bóng thở, nhóm thiết kế đã tự động hóa máy bóp bóng Ambu bằng cơ cấu cơ, điện, điện tử cho phép chạy liên tục trong nhiều ngày và có khả năng bắt chước được kỹ thuật của các bác sĩ cấp cứu dựa trên thuật toán điều khiển thông minh theo quỹ đạo co bóp bóng được lập trình trước. 

Loại máy mới này cũng giải quyết được yêu cầu nhập liệu các thông số điều khiển nhanh và chính xác, đồng thời áp dụng được thuật toán điều khiển thông minh theo quĩ đạo định trước khi thực hiện co bóp bóng và có khả năng cảnh báo lỗi tự động, giao tiếp giám sát, điều khiển từ xa.

Ngoài ra, máy có một màn hình hiển thị tần số nhịp thở được điều khiển bằng tay thông qua các phím nhấn trên mặt máy hoặc điều khiển từ xa thông qua một App được cài đặt trên thiết bị Android hoặc iOS nhằm điều chỉnh lượng không khí và áp suất cho bệnh nhân để phù hợp với tình trạng bệnh của từng người. 

Việc máy có khả năng được điều khiển từ xa tạo nên sự an toàn cho lực lượng y tế chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Máy thở được tích hợp với ứng dụng giúp việc điều khiển trở nên thông minh, tiện lợi hơn.
Máy trợ thở được tích hợp với ứng dụng giúp việc điều khiển tiện lợi hơn

Tiến sĩ Trần Việt Thắng - Giám đốc Phân viện TPHCM - cho biết thêm, hiện Phân viện đã sản xuất được 1 cái máy trợ thở bám sát các tiêu chuẩn quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn Việt Nam ĐLVN 331:2017. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục tiếp theo như sở hữu trí tuệ, đăng ký đánh giá thử nghiệm, kiểm định máy với Bộ Y tế, lên phương án nguồn nguyên vật liệu để có thể nhanh chóng triển khai sản xuất đại trà khi sản phẩm đủ điều kiện thương mại, được phép lưu hành trên thị trường.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI