Bộ Công thương lại kiến nghị cho xuất khẩu gạo nhưng số lượng hạn chế

31/03/2020 - 05:28

PNO - Gửi kiến nghị cho phép các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng theo Bộ Công thương, lượng gạo xuất khẩu sẽ hạn chế kèm theo các điều kiện để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Theo báo cáo của Đoàn công tác Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ, năm 2020 lượng lúa (thóc) cả nước ước đạt 43,5 triệu tấn, trong đó sản lượng vụ đông xuân ước đạt 20,2 triệu tấn, một nửa lượng lúa này được sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 10,8 triệu tấn.

Bộ Công thương dẫn đánh giá từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), thiệt hại do hạn mặn với các diện tích lúa vụ Đông Xuân năm 2020 đang thu hoạch tại ĐBSCL là không đáng kể. Thậm chí vụ này các địa phương còn được mùa, sản lượng lúa gạo tại ĐBSCL dự kiến tương đương năm 2019.

Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm sau quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo theo kiến nghị của Bộ Công thương
Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm sau quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo theo kiến nghị của Bộ Công thương

Theo tính toán của Bộ NNPTNT, nhu cầu tiêu thụ trong nước năm nay khoảng 29,96 triệu tấn lúa. Trong đó nhu cầu của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn. Lượng lúa còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo.

Tính riêng vụ Đông Xuân đang thu hoạch tại ĐBSCL, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn, cộng với lượng gạo tồn đọng từ năm 2019  có khoảng 3,2 triệu tấn.

Báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tính đến cuối tháng 3, tổng lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,6 triệu tấn. Trong đó, từ nay đến tháng 5 phải giao gần 1,4 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của doanh nghiệp hội viên là 1,65 triệu tấn.

Nếu tính cả doanh nghiệp ngoài VFA báo cáo theo yêu cầu của Bộ Công thương thì tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,67 triệu tấn gạo. Lượng hiện có trong kho của doanh nghiệp là hơn 1,7 triệu tấn gạo và 144.000 tấn thóc (tương đương 75.000 tấn gạo).

Cách đây ít ngày, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PT-NT) nhận định, năm nay Việt Nam đủ khả năng xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo
Cách đây ít ngày, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PT-NT) nhận định, năm nay Việt Nam đủ khả năng xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo - Ảnh minh họa

Sau khi tham khảo ý kiến các tỉnh/thành vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp, VFA… Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng thực hiện kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt là tháng 4, tháng 5/2020.

Trước mắt, trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn, cuối tháng sẽ căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.

Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý số lượng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Dự trữ nhà nước khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao.

Bộ Công thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

Đồng thời đề xuất 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Những doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, khai báo không trung thực theo quy định Nghị định 107, Bộ Công thương đề nghị được thu hồi giấy phép xuất khẩu đã cấp.

Trong một thời gian ngắn, Bộ Công thương liên tục thay đổi quan điểm trong việc điều hành xuất khẩu gạo. Cụ thể, ngày 23/3 Bộ này đề nghị Chính phủ ngưng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5. Một ngày sau đó, chính Bộ Công thương đề nghị Chính phủ cho xuất khẩu gạo trở lại.

Ngày 26/3, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Đoàn công tác do Bộ Công thương dẫn đầu vào TPHCM họp với 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, VFA, lãnh đạo 14 tỉnh ĐBSCL để nắm rõ nguồn gạo trong nước. Sau cuộc họp này, ngày 28/3 Đoàn công tác Bộ Công thương gửi văn bản đề nghị Chính phủ cho xuất khẩu với số lượng 400.000 tấn trong tháng 4.

Hoàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI