Bộ Công Thương gửi công hàm đề nghị Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế

03/04/2025 - 22:13

PNO - Chiều ngày 3/4, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài - Bộ Công Thương đã thông tin về những quan điểm của Bộ Công Thương liên quan đến việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài, hàng hóa Việt Nam xuất vào Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa giá rẻ.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ chịu mức thuế đối ứng lên tới 46%
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu mức thuế đối ứng lên tới 46%

Mức thuế MFN (mức thuế suất áp dụng cho các nước trong Tổ chức Thương mại thế giới - WTO) trung bình mà Việt Nam áp đối với hàng hóa nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do đó, mức thuế đối ứng mà Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thiếu căn cứ khoa học và thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước.

Ông cho biết, theo Thông báo của Nhà trắng, các mức thuế đối ứng mà Mỹ áp với các đối tác thương mại nhằm khắc phục bất công thương mại toàn cầu, đưa sản xuất trở lại nước này và củng cố an ninh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Được biết, các mức thuế sẽ được duy trì cho tới khi Mỹ xác định được mối đe dọa do thâm hụt thương mại và sự thiếu công bằng trong thương mại được giải quyết, được khắc phục hoặc giảm nhẹ. Chính vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, giữa hai bên còn không gian để trao đổi, đàm phán, để đi tới một kết quả hai bên cùng có lợi.

“Sáng nay, ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên. Chúng tôi đang thu xếp một cuộc điện đàm giữa hai Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với các đồng nghiệp tại Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) trong thời gian sớm nhất”- ông thông tin.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của Bộ Công Thương, trong trường hợp Việt Nam - Mỹ không tìm được giải pháp tích cực thì việc áp thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, phía doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có đó là 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương.

Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hướng tới mở rộng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đồng thời chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại…

Việt Nam cần khẩn trương nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn từ Mỹ

Theo quan điểm của ông Michael Kokalari - CFA - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital, phản ứng ban đầu của các chuyên gia về đàm phán thương mại đều cho rằng cho rằng mức thuế đối ứng 46% sáng nay chỉ là điểm khởi đầu trong chiến lược đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump, và dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ diễn ra trong những tuần tới về vấn đề này. Tuy nhiên, ngay cả trong giới chuyên gia cũng chưa có sự đồng thuận về mức thuế cuối cùng mà Việt Nam có thể phải đối mặt. Với việc ông Trump đưa ra mức khởi điểm rất cao trong đàm phán, rất khó để hình dung rằng con số cuối cùng có thể thấp hơn 25% - và điều này sẽ là một yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.

Vì vậy, việc cần làm trong thời điểm hiện nay là Việt Nam cần khẩn trương nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn từ Mỹ. “Chúng tôi đã nghe từ các nguồn tin thứ cấp cho biết giới chức chính quyền Tổng thống Trump đánh giá cao các nỗ lực ban đầu của Việt Nam trong việc giảm thâm hụt thương mại song phương, nhưng họ sẽ không chấp nhận các lời hứa “sẽ mua trong tương lai” như trước đây”- ông thông tin.

Theo đó, bước đầu, thông tin tích cực trong ngành năng lượng khi Việt Nam sẽ nhanh chóng nhập khẩu khoảng 35 tỉ USD khí hóa lỏng (LNG) mỗi năm bằng cách sử dụng các tàu chứa khí hóa lỏng nổi (Floating Storage Regasification Units - FSRU) vì việc xây dựng các cảng LNG có thể sẽ mất nhiều năm.

Ông cho rằng, tâm điểm sắp tới sẽ là cách Việt Nam đối thoại với Mỹ và các đối tác thương mại lớn khác để giảm thiểu tác động ngắn hạn và dài hạn của mức thuế đối ứng này; đặc biệt Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ có chuyến công tác đến New York vào cuối tuần này.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI