Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ

28/07/2024 - 17:48

PNO - Bộ Công an vừa công bố dự thảo hồ sơ Luật Dẫn độ. Luật này dự kiến được tách ra một phần từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Theo thống kê của Bộ Công an, sau hơn 15 năm triển khai, công tác dẫn độ đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý 41 yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến; đã lập và chuyển 95 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ (ảnh minh họa)
Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ - Ảnh minh họa

Kết quả công tác dẫn độ đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tuy vậy, quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp và hoạt động dẫn độ cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Điển hình, luật hiện hành không có quy định về biện pháp “bắt khẩn cấp” trước khi nước yêu cầu đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế và trong nhiều điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết có quy định này, nhằm ngăn chặn ngay việc người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn nếu nước yêu cầu cam kết sẽ gửi yêu cầu dẫn độ chính thức trong thời gian sớm nhất có thể.

Luật cũng chưa có quy định về thủ tục dẫn độ đơn giản, chưa có quy định về giải quyết trường hợp nước ngoài xin quá cảnh người bị dẫn độ, các quy định liên quan đến cam kết không áp dụng án tử hình khi phía nước ngoài có yêu cầu…

Hay như quy định về hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không áp dụng cho hoạt động dẫn độ hóa lãnh sự.

Luật quy định về “việc áp dụng pháp luật nước ngoài chỉ được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhưng cùng đó lại có quy định cho phép áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong pháp luật quốc tế …

Vẫn theo Bộ Công an, một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp chưa dự báo được hết các vấn đề có thể phát sinh trên thực tế như: giải quyết trường hợp yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người mà yêu cầu dẫn độ được gửi đến sau khi tòa án có thẩm quyền đã thụ lý yêu cầu dẫn độ trước.

Cùng đó là việc giải quyết trường hợp người bị dẫn độ là công dân Việt Nam bị nước ngoài yêu cầu dẫn độ để thi hành án; giải quyết trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn khỏi Việt Nam trước khi có căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn; việc kết hợp thủ tục dẫn độ và thủ tục yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự …

Bộ Công an dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia có xu hướng xây dựng Luật Dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng. Liên hiệp quốc cũng đã thông qua luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước.

Bối cảnh đó đòi hỏi pháp luật về dẫn độ phải là khuôn khổ pháp luật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với thực tiễn và xu thế quốc tế, tạo thuận lợi tối đa cho hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài.

Việc xây dựng Luật Dẫn độ là yêu cầu cấp thiết khách quan, một mặt thực hiện chủ trương và đề xuất tách Luật Tương trợ tư pháp đã được phê duyệt, một mặt khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động tương trợ tư pháp nói chung và Luật Tương trợ tư pháp nói riêng, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI