Bố chồng mong mỏi về quê

13/10/2021 - 15:56

PNO - Khi chính sách giữ “vùng xanh” ở quê tôi còn chặt chẽ, đường về quê đối với bố chồng còn rất xa...

Với người các tỉnh đi làm ăn, hay vô tình “đi chơi”, “thăm con cháu” bị kẹt ở Hà Nội trong thời gian giãn cách đều mong ngóng ngày được về nhà. Bố chồng tôi không ngoại lệ.

họ đều chỉ một lòng mong ngóng ngày được “về nhà”
Họ đều chỉ một lòng mong ngóng ngày được “về nhà”

Bố bảo lần này đã ở chơi với gia đình tôi dài kỷ lục, nên giờ ông rất muốn về để xem nhà cửa thế nào. 

"Kỷ lục" mà bố chồng tôi nhắc tới là việc ông bị kẹt lại Hà Nội hơn hai tháng nay. Ông rất ngại việc cách ly tập trung, sợ lây nhiễm chéo trong môi trường quá đông người xa lạ, nên ông nhẫn nại ở lại Hà Nội chờ dịch bệnh lắng. 

Các anh chị bên chồng ở quê cho biết, điều kiện để công dân từ “vùng dịch” về tỉnh là phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả PCR trong 72 giờ. Nếu chưa tiêm đủ vắc xin sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày và tại nhà 7 ngày; lấy mẫu xét nghiệm PCR 3 lần theo hình thức tự chi trả. 

Bố chồng tôi chưa tiêm vắc xin do huyết áp cao và ít nhiều e ngại với việc tiêm, vì vậy đường về quê với ông còn dằng dặc.

Tất cả những trường hợp bị kẹt bất đắc dĩ, không thể về quê, dù ở lại được con cháu chăm sóc quan tâm chu đáo hay đói no tạm bợ đều mong ngóng ngày về nhà.

Mẹ chồng bạn tôi lên Hà Nội ở trông cháu, dự tính chỉ vài tháng, cho cháu cứng cáp rồi về quê với ông, với ruộng vườn cần bà chăm lo. Nhưng rồi dịch bùng lên, Hà Nội áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, rồi khi nới lỏng, bà vẫn chưa thể về nhà. Lúc trước thì do chưa có xe khách liên tỉnh, do ngại về tỉnh phải cách ly tập trung. Bà liên tục giục con cháu liên hệ với các nhà xe để có chiếc vé sớm nhất. 

Khi Hà Nội giãn cách, hàng đêm, trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận Xuân Mai - giáp ranh Hòa Bình để về các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, hay đoạn quốc lộ 6 lên Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, xuất hiện nhiều tốp lao động nghèo đi bộ về quê, đều bị kẹt lại. Họ được nhóm thiện nguyện địa phương lo chỗ ăn, ngủ cho đến khi tỉnh nhà cho phép họ được trở về, tất nhiên với đầy đủ các điều kiện phòng chống dịch…

Bố chồng tôi giờ không còn ngại tiêm vắc xin (Ảnh minh họa)
Bố chồng tôi giờ không còn ngại tiêm vắc xin (Ảnh minh họa)

Trước làn sóng người từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê vừa qua, có người trách "khi yên lành họ rời bỏ quê hương đi làm ăn nơi khác, đến khi có biến thì nằng nặc đòi trở về, đòi quê hương bao bọc". 

Có nhiều người đã phải nói lời xin lỗi với quê hương, khi họ buộc phải rời khỏi vùng làm ăn, nơi họ đã đến tìm kiếm cơ hội đổi đời, để trở về quê khi dịch dã. Trở về quê từ vùng dịch, đồng nghĩa với việc “đem nguy cơ” về cho quê nhà. Nhưng họ vẫn muốn trở về.

Trong dịch dã, an toàn hay biến động ở quê nhà, bên người thân vẫn hoàn toàn khác với một mình trơ trọi giữa miền đất lạ. 

Tâm lý đó có phải chăng cũng đúng với bố chồng tôi cùng những trường hợp bị kẹt bất đắc dĩ ở Hà Nội thời gian qua. Trở về, dẫu cách ly, dẫu phải trả phí xét nghiệm, hay dẫu phải hy sinh một số thói quen, cũng phải trở về.  

Những ngày này, nghe tin tàu xe hoạt động trở lại, điều kiện cách ly nới lỏng, bố chồng tôi nhận rất nhiều cuộc điện thoại của bạn bè, người thân ở quê, với chung một câu hỏi: “Bao giờ về?”.

Bố chồng tôi trả lời rằng, nhờ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nên huyết áp của ông đã ổn. Ông sẽ chủ động đến bệnh viện đăng ký tiêm vắc xin, để con đường về nhà gần hơn nữa.

Phạm Gia Hân (Hà Nội)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI