Bỏ chì giữ chài, tại sao không?

17/05/2013 - 20:05

PNO - PN - Sau nhiều năm tạo ra sóng gió và đến nay vẫn không ngớt sóng gió, bauxite Tây Nguyên đã ra mớ sản phẩm đầu tiên ở nhà máy thí điểm Tân Rai.

Mớ đầu tiên nhưng đang có 20.000 tấn alumin tồn đọng không ai mua. Nhà máy trả lương cầm hơi cho công nhân, đường vận chuyển được cải tạo ì ạch, có bán được hàng cũng chưa biết chở đường nào. Quan chức đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng là chủ dự án, tuyên bố “làm bauxite là năm ăn năm thua” đã về hưu. Những người kế tục đang mở bát. Họ chính thức thừa nhận làm bauxite đang lỗ. Nhưng là “lỗ kế hoạch”! Ý nói là đã sáng suốt biết trước cả rồi. Với lại, giá alumin bây giờ thế này nhưng bảy năm nữa sẽ thế kia, rồi sẽ lãi to. Đếm được mấy con cua đang nằm trong lỗ rồi, chưa đến thời điểm bắt lên đĩa mà thôi.

Đang là thời đại tin học, đâu còn phải đi xem bói để làm kinh tế. Trong khi ông chủ TKV khát nước, bỏ hàng chục ngàn tỷ đồng ra đầu tư trên cơ sở những con số khá mơ hồ thì các nhà khoa học và nhân sĩ trí thức đã kiến nghị (nói thân thiện là phản biện) hãy ngừng lại và sớm cảnh báo khá chính xác những gì đang xảy ra hôm nay ở Tân Rai. Nhiều vị cách mạng lão thành đề cập rất đúng đắn những hệ lụy trên các khía cạnh khác như an ninh, quốc phòng. Bộ Chính trị khóa trước cũng chỉ thị “có thắng mới đánh, có lời mới làm”. TKV có tai mà không nghe, có chỉ thị mà không nghiêm chỉnh chấp hành, chắc vì lao đã phóng, mới nên nỗi.

Bo chi giu chai, tai sao khong?

Khu thải bùn đỏ, nhà máy alumina Tân Rai. Ảnh của Vinacomin

Nhiều người, trong đó có cả người viết bài này thú thực là không biết gì về tính toán kinh tế, chỉ thấy nhức nhối một sự thật quá đơn giản, ngay cả đứa trẻ con cũng thấy: đưa vàng đi đổ sông Ngô, tưởng là thêm được bát cháo mà vẫn chịu lỗ mới đau! Vậy thì sao không chôn vàng dưới nền nhà chờ lúc được giá, có hơn không?

Chắc chắn các ông TKV không nghĩ như thế. Các ông ấy đếm cua trong lỗ và hoạt khẩu giải trình, kiên quyết không chịu dừng cỗ xe đang lao vào nơi vô định. Chuyện dừng lại hay tạm dừng hoặc cứ kiên quyết tiếp tục tiến lên, Quốc hội và Chính phủ sẽ bàn. Nên hay hư, những người quyết định sẽ chịu trách nhiệm với con cháu và lịch sử. Nhưng điều đáng làm chúng ta suy nghĩ ở đây là chuyện khác.

Hãy nhớ lại một chút về đề án 112 năm nào. Khi đề án “tin học hóa” này được triển khai, đã có nhiều ý kiến phản biện của một số trí thức tâm huyết. GS Phan Đình Diệu phát hiện ra ngay những thất bại nhỡn tiền. Phản ứng của ông rất đàng hoàng. Ông lấy tư cách một nhà khoa học, viết thư giọng khá gay gắt gửi Thủ tướng đương nhiệm, phân tích mọi cái thua và đề nghị ngừng ngay dự án (GS Phan Đình Diệu trả lời báo ANTĐ online thứ Hai, 17/9/2007). Khi đề án được triển khai vào TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà, lúc ấy là Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông cũng phản đối dữ dội và khẳng định: “Đề án 112 chắc chắn thất bại, nếu không đúng tôi sẽ rời ghế”. Cái chết của 112 đã được báo trước quyết liệt như thế.

Cái đau nhất, nếu cứ nhắm mắt làm liều là sẽ mất cả chì lẫn chài. Tạm ngừng “hai cái bauxite” thì mất mấy hòn chì tuy giá tới 6.900 tỷ thật nhưng giữ được chài, giữ được tài nguyên trọn vẹn cho tương lai, con cháu thấy chắc ăn mới moi lên; giữ được đất đai, môi trường cho mái nhà Tây Nguyên hùng vĩ, không phải lấy tiền thuế của dân bù lỗ “kế hoạch” khi chưa biết đến bao giờ mới dứt, giữ được lòng dân yên ổn. Thật khó tính được bằng tiền cái chài vô giá này. So với nó, mấy ngàn tỷ đồng lỡ dại bỏ ra, to thật, nhưng cũng chỉ là mấy hòn chì mà thôi. Mất chì mà giữ được chài, dân đau xót lắm, nhưng phải chăng đó là kế vẹn toàn nhất hiện nay?

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI