Ngày 28/3, ông Phạm Trọng Hổ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - xác nhận, các cơ quan chuyên môn của huyện đang thực hiện xác minh, kiểm tra những thông tin liên quan đến việc bò giao cho dân nghèo các xã Húc; Hướng Lộc và Ba Tầng có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, bò gầy, yếu và có con đã chết.
|
Bò cấp cho người dân các xã Hướng Lộc, Ba Tầng, Húc được dân phản ánh quá gầy |
Trước đó, ngày 16/3, UBND xã Hướng Lộc phối hợp với các phòng ban chuyên môn cấp huyện tổ chức nghiệm thu bò cái vàng sinh sản trước khi vận chuyển vào xã cấp cho các các hộ gia đình hưởng lợi từ dự án giảm nghèo bền vững 2023. Theo UBND xã Hướng Lộc, do vận chuyển bò giống có quãng đường dài từ Quảng Bình đến xã Hướng Lộc khoảng 275km nên có 1 con bò giống bị chết sau thời gian thời gian cấp bò là 1 ngày.
|
Bà con cho rằng bò giống ốm yếu này không có khả năng sinh sản |
Lãnh đạo xã Hướng Lộc cho hay, hộ có bò giống bị chết là hộ của gia đình ông Hồ Văn T. (trú thôn Ra Ty, xã Hướng Lộc). Sau khi bò chết, gia đình không trình báo cho chính quyền ngay mà mang đi xẻ thịt và bán được 3 triệu đồng.
Sau khi bò giống được giao chết thì doanh nghiệp chở lên một con bò khác đưa lại cho hộ ông Hồ Văn T. Tuy nhiên, theo phản ánh thì đây chỉ là con bê, không đủ điều kiện về cân nặng theo tiêu chuẩn. Ngoài ra, 19 con bò còn lại hầu hết bị người dân phản ánh là gầy và kén ăn, chỉ thích ăn bột.
|
Giống bò này kén ăn có, chỉ thích ăn bột - Ảnh: N.V |
Lãnh đạo xã Hướng Lộc cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc bò chết do sự cố bất khả kháng. Theo báo cáo của UBND xã Hướng Lộc, thực hiện quyết định của UBND huyện Hướng Hoá về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2023, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương), UBND xã Hướng Lộc tổ chức họp xét hộ gia đình hưởng lợi là 20 hộ nghèo.
|
Bò gầy xơ xác được cấp cho dân nghèo các xã vùng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Trị |
Trong đó, thôn Tà Xía 11 hộ và thôn Ra Ty 9 hộ được dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng - nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ "chăn nuôi bò vàng Việt Nam sinh sản". Tổng kinh phí cho dự án là 344.160.000 đồng với 20 con bò giống trọng lượng từ 130 - 150kg.
Sau khi tổ chức đầu thầu qua mạng thì doanh nghiệp trúng thầu cung ứng giống bò cho dự án là Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Tân Thành (trụ sở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) với giá đề nghị trúng thầu là 340.000.000 đồng. Sau đó, doanh nghiệp kể trên thực hiện giao 20 con bò giống cho chủ đầu tư là UBND xã Hướng Lộc vào ngày 16/3.
|
Theo Giấy chứng nhận kiểm dịch, chủ hàng là bà Đậu Thị Kim Phượng chứ không phải ông Nguyễn Văn Dụng như trong đơn dự thầu- Ảnh: N.V |
Cùng đợt kể trên, UBND xã Húc và xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa) cũng thực hiện giao bò giống sinh sản cho dân nghèo. Trong đó, xã Húc là 18 con và xã Ba Tầng là 61 con. Tất cả số bò đều do Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Tân Thành cung ứng.
Tuy nhiên, phần lớn số bò này đều bị phản ánh là gầy yếu và có dấu hiệu không đảm bảo sức khoẻ, chất lượng. Ông Hồ Văn Ka Rai - Chủ tịch UBND xã Húc - cho biết, trong số 18 con bò giao về xã thì có 1 con quá gầy yếu, còn 2 con còn lại thì hung dữ và theo kinh nghiệm nuôi bò của dân thì rất dễ chết. Do đó, người dân yêu cầu được đổi bò ngay sau khi được nhận.
|
Công văn chỉ đạo của huyện Hướng Hóa |
Trong đơn dự thầu của Công ty Tân Thành ghi rõ bò vàng giống được cung cấp từ hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dụng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng thực tế số bò giống được cung cấp cho người dân 2 xã Húc và Hướng Lộc có xuất xứ từ hộ kinh doanh Đậu Thị Kim Phượng, phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Bà Phượng thu mua bò từ hộ kinh doanh Phùng Văn Chung, ở thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Trong hồ sơ kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình thì việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho bò được căn cứ theo hồ sơ số 2882 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận và có mã thẻ tai của Ninh Thuận.
Dư luận đang thắc mắc nếu bò đi từ Quảng Bình sang Quảng Trị thì phải thực hiện tiêm phòng lại và bẩm mã thẻ tai của Quảng Bình. Trong trường hợp này, tại sao không giao bò trực tiếp từ Ninh Thuận về Quảng Trị mà lại phải đi vòng từ Ninh Thuận về Quảng Bình rồi mới giao ngược lại ra Quảng Trị?
Ngoài ra, trong hồ sơ của số bò cũng không có giấy xác nhận nguồn gốc, xuất xứ con bò giống của chính quyền địa phương theo quy định vì lô giống trên đưa từ nơi khác đến huyện Hướng Hóa...
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa khẳng định, nếu quy trình kiểm tra, chất lượng bò giống cấp cho người dân có vấn đề, sai phạm, huyện nhất định sẽ xử lý nghiêm.
Thuận Hóa