Gần đây, bọ biển (tên tiếng Anh là isopod) hấp trở thành món ăn gây chú ý sau khi một nhà hàng tại Đài Loan kết hợp với mì ramen (một món mì nổi tiếng của Nhật Bản). Mỗi tô mì ramen kèm theo bọ biển hấp có giá bán 1.480 Đài tệ (khoảng 1,2 triệu đồng/tô). Dù đắt đỏ nhưng món này chỉ dành cho khách quen, muốn ăn phải đăng ký trước vì bọ biển được cho là không dễ tìm.
|
Tô mì bọ biển tại Đài Loan có giá tới 1,2 triệu đồng nhưng vẫn được nhiều khách đặt ăn vì tò mò - Ảnh: Facebook/Ramen Boy. |
Ngay sau khi hình ảnh những tô mì kèm bọ biển thành trào lưu trên mạng xã hội, nhiều điểm kinh doanh hải sản tại TPHCM rao bán con vật này với giá khá rẻ, đánh vào tâm lý tò mò muốn ăn thử của nhiều thực khách.
N.B, một đầu mối cung cấp hải sản Vũng Tàu tại khu vực TP Thủ Đức, rao giá bọ biển sống trọng lượng 350 – 450gam chỉ 180.000 đồng/con, tương đương chỉ 360.000 – 540.000 đồng/kg.
S.L, một đầu mối nhận cung cấp hải sản khắp các quận, huyện tại TPHCM, bọ biển được bán theo con, khoảng 230.000 đồng/con (300 – 400gam/con); những con trên 400 – 500gam giá 280.000 đồng/con, trên 600 – 800gam giá 680.000 đồng/kg, còn trên 800gam đến hơn 1kg/con thì có giá 850.000 đồng/kg.
|
Bọ biển sống được rao trên một tài khoản Facebook cá nhân với giá 180.000 đồng/con (350 - 450gam/con). |
Bọ biển “ngộp” (chết) còn được những điểm bán này đại hạ giá chỉ còn 170.000 đồng/kg. Các điểm bán sẵn sàng hấp chín trước khi giao cho khách.
Liên hệ với các chủ hàng, hầu hết cho biết những ngày gần đây nhu cầu bọ biển rất lớn, hàng về đều hết ngay do khách đặt trước. Bọ biển chủ yếu đưa từ vùng biển các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận... về.
Tuy nhiên, giá bọ biển từ các đầu mối chỉ bán online với các điểm bán trực tiếp chênh lệch rất lớn. Tại cửa hàng, nhà hàng hải sản trên địa bàn TPHCM, bọ biển trọng lượng lớn (khoảng 2kg) giá bán gần 2,6 - 4 triệu đồng/kg; loại 1kg/con sẽ có giá 1,35 triệu đồng/kg, loại từ 800gam trở lên giá 1,25 triệu đồng/kg....
Ông Nguyễn Đông Hy – Giám đốc Công ty TNHH Kim Đông Hy – cho biết, bọ biển đã có mặt trên thị trường từ vài chục năm nay, hầu hết có nguồn gốc từ các vùng biển Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa. Từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm bọ biển xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên giá bọ biển không hề rẻ, ngay cả đúng mùa cũng trên 1 triệu đồng/kg (loại 600gam/con), nhưng nếu trái mùa có giá từ 1,7 – 1,8 triệu đồng/kg (loại 600gam/con), con trọng lượng càng lớn thì giá càng cao do loài này không nuôi được mà chỉ đánh bắt được trên biển, sản lượng đánh bắt được ngày càng ít đi, thịt bọ biển được đánh giá là ngon hơn các loại hải sản khác.
Theo ông Nguyễn Đông Hy, hiện thu nhập của người dân giảm, nhu cầu ăn hải sản nói chung cũng giảm gần phân nửa so với các năm trước. Với bọ biển, sức mua không còn cao như trước, một số điểm bán hay chạy quảng cáo, chế biến món ăn từ bọ biển cho mới lạ hơn hoặc thuê các tiktoker, youtuber nổi tiếng đánh giá về bọ biển để tạo thành cơn sốt. Hiện nay, tâm lý thực khách hay ăn theo đánh giá trên mạng xã hội nên bọ biển đang sốt trở lại.
Thực tế thì sau khi nhà hàng tại Đài Loan đăng hình ảnh về mì ramen bọ biển, nhiều người đổ xô ăn món này thì một số học giả của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã bày tỏ lo ngại về tác động sinh thái tiểm ẩn đằng sau. Các tàu đánh cá có thể sử dụng lưới giã cào (một hình thức đánh bắt bị cấm do tận diệt nguồn thủy sản) để đánh bắt bọ biển. Bên cạnh đó họ cũng lo ngại về sức khỏe khi ăn bọ biển do nguyên liệu bọ biển rất ít được sử dụng rộng rãi trong nấu ăn so với các loài hải sản khác.
“Nếu bọ biển còn sống mà có giá rẻ thì đó có thể là bọ biển bán ế, nhốt lâu từ 4-7 ngày khiến con bọ bị ốm, thịt không còn ngọt và chắc giống bọ biển mới đánh bắt từ biển về. Riêng với bọ biển “ngộp” giá rẻ, khách hàng không nên mua vì không giống các loại cá, thịt bọ biển khi chết rất nhanh phân hủy, thịt bị bủn, thậm chí là không còn thịt mà chỉ còn khung xương”- ông Nguyễn Đông Hy nói.
Một chủ cửa hàng hải sản khác chia sẻ thêm, khách mua bọ biển online (trực tuyến) cần lưu ý với dịch vụ "nhận hấp chín bọ biển trước khi giao". Bởi sẽ không rõ bọ biển trước khi hấp là hàng còn sống hay là hàng đông lạnh. Khi ăn vào miệng, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt bọ biển tươi sống hay hàng đông lạnh, song lúc này khách đã thanh toán tiền, đã ăn vào miệng thì rất khó khiếu nại chất lượng với các điểm bán.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng - nguyên Trưởng Khoa Công nghệ Thực phẩm trường Đại học Hoa Sen, Phó chủ tịch Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM – cho biết, khi ăn bất kỳ loại hải sản nào, tùy theo cơ địa mà người dùng đều có nguy cơ bị ngộ độc. Ví dụ như loại hải sản có mai, vỏ như ngao, sò, trai, cua, ghẹ, tôm, …do chúng ăn các loại tảo biển có độc nên cũng có khả năng gây độc nếu không được nấu chín kỹ. Riêng bọ biển thì còn ít tài liệu nói đến, người dùng cũng nên cân nhắc vì không ít nhà thám hiểm, các nhà nghiên cứu tại nước ngoài phát hiện bọ biển là loại chuyên ăn xác chết động vật, kể cả xác cá sấu. “Hải sản có mai vỏ nói chung, trong đó có bọ biển, khi chết thì các loại vi khuẩn trong thịt sinh sôi rất nhanh, histidine (một axit amin tham gia tổng hợp protein) chuyển hóa thành histamine (chất gây dị ứng) gây ngộ độc với cơ thể người" - tiến sĩ Phan Thế Đồng cảnh báo.
Thanh Hoa