Bỏ áp trần giá sữa: Vui và lo

17/06/2016 - 09:39

PNO - Trước đây, khi áp giá trần, chẳng phải chúng ta cũng đã đặt ra tiêu chí đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên sao? Rồi khi DN minh bạch kê khai giá thì kết quả thế nào ai cũng nhìn thấy.

Nếu việc bỏ giá trần sữa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi chính thức được áp dụng vào 1/7/2016 thì chắc chắn các doanh nghiệp (DN) rất mừng, nhưng người tiêu dùng (NTD) vẫn còn kỳ vọng những hiệu ứng tích cực hơn về giá, về chất lượng…

Trước hết, đứng ở góc độ cạnh tranh, đây được đánh giá là biện pháp cần thiết vì khi giá trần được dỡ bỏ, thị trường sữa sẽ phát triển lành mạnh và sòng phẳng hơn vì khi đó DN sữa chỉ phải kê khai giá và được quyền tự quyết định giá bán. DN sẽ không cần phải tìm cách “lách” cơ quan chức năng như khi còn áp giá trần. Lúc này, sản phẩm sữa có giá cao thấp cũng là cuộc đua để giành thị phần của các hãng sữa. Thị trường sữa sẽ “phẳng” hơn với nhiều thương hiệu và sự lựa chọn của NTD sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của các thương hiệu sữa….

Bo ap tran gia sua: Vui va lo
Giá sữa của VN cũng thuộc hàng “top” so với các nước trong khu vực khiến người tiêu dùng luôn thiệt thòi

Thực tế những năm qua, thị trường sữa luôn trong tình trạng loạn giá, giá sữa bán lẻ đến tay người dùng luôn cao hơn giá nhập rất nhiều; giá sữa của VN cũng thuộc hàng “top” so với các nước trong khu vực khiến người tiêu dùng luôn thiệt thòi. Khi đó, việc áp dụng giá trần sữa trẻ em là biện pháp nhằm để “kềm” giá. Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện, biện pháp này đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đã có khoảng 800 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi được công bố giá trần, nhưng có bao nhiêu sản phẩm sữa hạ giá, hay chỉ luôn thấy thông báo tăng giá, trong khi giá nguyên liệu thế giới liên tục giảm.

Giờ đây, bỏ áp giá trần sữa, nghĩa là chúng ta lại trở về xuất phát điểm và vẫn còn có gì đó bất an nếu căn cứ vào sự khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Việc bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi cần đảm bảo cạnh tranh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN, Nhà nước và NTD. Các DN cũng phải đảm bảo sự minh bạch và cần chứng minh điều đó”. Trước đây, khi áp giá trần, chẳng phải chúng ta cũng đã đặt ra tiêu chí đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên sao? Rồi khi DN minh bạch kê khai giá thì kết quả thế nào ai cũng nhìn thấy.

Như vậy, vấn đề đặt ra khi dỡ bỏ giá trần là liệu giá sữa có cạnh tranh minh bạch, có xảy ra tình trạng độc quyền nhóm, bàn tay của cơ quan quản lý sẽ “thò” đến đâu để đảm bảo việc giám sát? Vì thế, một chuyên gia kinh tế đã cho rằng, cách quản lý cơ học của cơ quan nhà nước là không phù hợp mà cần một cơ chế quản lý năng động, thực tế và chuyên môn hơn. Có chuyên môn thì mới chỉ ra được vấn đề khi DN cố tình làm giá, khiến DN “tâm phục khẩu phục”.

Cụ thể, mặt hàng sữa vẫn thuộc diện đăng ký kê khai giá, nên chúng ta cần có đủ thông tin về giá nhập khẩu, chi phí sản xuất… và muốn vậy, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hải quan, cơ quan thuế… Mặt khác, sự minh bạch còn phải nằm ở đội ngũ giám sát có tâm có tầm trong lĩnh vực này, để có thể phân tích các khoản sát với chi phí thực tế.

Về phía DN, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cho rằng, đã đến lúc cần thực hiện theo quy luật kinh tế thị trường bằng cán cân cung cầu. Nếu các nguồn cung bắt tay nhau vì lợi ích nhóm thì chúng ta đã có công cụ kiềm chế là Luật Cạnh tranh. Mặt khác, Nhà nước cần có những tác động đến cung cầu để tránh tình trạng độc quyền, khuyến khích mở rộng cho DN tham gia phân phối, mới có thể quản lý từ gốc.

Tóm lại, giá sữa có tiếp tục nhảy múa hay không là tùy thuộc vào cách quản lý của Nhà nước, làm sao “cởi” nhưng vẫn có chính sách “buộc” để tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, cho người tiêu dùng có thể chọn được sữa rẻ và chất lượng.

Đ.P.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI