Bộ ảnh “Những cái vẫy tay tạm biệt”: Ta còn gặp cha mẹ được bao lần nữa...

21/11/2024 - 06:18

PNO - Mỗi khi con gái rời nhà, cha mẹ bà lại đứng trước cửa vẫy tay tạm biệt. Người con quyết định ghi lại những khoảnh khắc này.

Mới đây, hàng loạt các fanpage Việt Nam đăng lại bộ ảnh “Những cái vẫy tay tạm biệt”, thu hút hàng ngàn lượt tương tác. Bộ ảnh này khá nổi tiếng ở Mỹ, tác giả là nhiếp ảnh gia Deanna Dikeman (hiện 70 tuổi, sống tại Kansas, Mỹ) chụp trong suốt 27 năm.

Chuyện bắt đầu vào năm 1990, cha mẹ của bà Daenna đã ngoài 70 tuổi, họ bán ngôi nhà cũ và chuyển đến nhà mới. Bà Deanna sống ở nơi khác, nhưng thường về thăm cha mẹ. Mỗi khi con gái rời nhà, cha mẹ bà lại đứng trước cửa, vẫy tay tạm biệt. Vào một ngày tháng 8/1991, bà Deanna quyết định ghi lại những khoảnh khắc này.

Những cái vẫy tay chào bắt đầu được chụp vào những năm 1990s
Những cái vẫy tay chào bắt đầu được chụp vào những năm 1990

Lần cuối cùng cha bà Deanna xuất hiện trong ảnh là tháng 8/2009. Sau đó, bà Deanna tiếp tục ghi lại hình ảnh vẫy tay chào của mẹ.

Năm 2017, bà cụ chuyển vào viện dưỡng lão và qua đời cùng năm. Cũng vào năm 2017, Deanna đã chụp một bức ảnh toàn cảnh ngôi nhà nhưng không còn cái vẫy tay tạm biệt nào nữa.

Khi không còn chồng, mẹ của bà Denna vẫn cố gắng tươi cười chào con cháu
Khi không còn chồng, mẹ của bà Denna vẫn gắng tươi cười chào con cháu
Ánh mắt người mẹ đượm buồn, xa xăm
Ánh mắt người mẹ đượm buồn, xa xăm
Những bức ảnh dừng lại vào năm 2017 khi không còn cái vẫy tay chào của ai nữa
Bộ ảnh dừng lại vào năm 2017, khi tác giả không còn chụp được cái vẫy tay chào của ai nữa

“Ai rồi cũng sẽ bước qua đoạn đường này, một khoảnh khắc phải đối mặt, vì không ai chống lại được”; “Tự nhiên thấy tấm hình bà mẹ còn một mình cái khóc ngang. Nhìn tủi thân quá trời luôn!”; “Nước mắt tôi rơi. Thương quá là thương. Thương nhất tấm hình cuối cùng”… Rất nhiều người đã chia sẻ cảm giác trống vắng khi xem bộ ảnh.

Cái cảm giác sớm muộn rồi sẽ phải trải qua, hoặc thực tế đã trải qua - đó là nỗi buồn, nỗi khắc khoải mà chúng ta chỉ có thể đối mặt bằng cách chấp nhận. Chấp nhận rằng một ngày, cha mẹ mình sẽ lần lượt ra đi, chỉ còn mình trơ trọi trên cuộc đời, không có ai che chở và yêu thương mình nhiều đến vậy nữa. Dù có bao nhiêu tuổi đi nữa, nỗi nhớ cha, nhớ mẹ vẫn như một đứa trẻ mới lên 3.

Dân mạng tương tác nhiều, bày tỏ sự xúc động lớn dưới bộ ảnh
Dân mạng tương tác, bày tỏ sự xúc động khi xem bộ ảnh

Trong tác phẩm điện ảnh “The Father”, ông cụ bị Anthony mắc chứng Alzheimer, không thể nhớ đến những thành tựu từng đạt được, ông chỉ còn nỗi sợ hãi cô đơn. Ông nghĩ về đứa con gái đã mất, sợ cô con gái còn lại sẽ bỏ rơi mình. Ông yếu đuối, mong manh như đứa trẻ chỉ ước được gặp lại mẹ. “Tôi muốn mẹ. Tôi muốn mẹ đưa tôi về nhà”, dường như cái khát khao của ông cụ nói lên tất cả nỗi lòng của tất cả những người con, dù họ bao nhiêu tuổi đi nữa.

Mẹ tôi năm nay 65 tuổi, mỗi lần tôi hỏi bà còn mong muốn làm điều gì trong cuộc đời, bà đều nói: “Mẹ ước được gặp lại ông bà!”. Tôi thường cố nói lớn tiếng để gạt cái mong muốn đó đi, nhưng thi thoảng vẫn thấy những dòng trạng thái trên trang Facebook của mẹ, đôi khi bà đăng giữa đêm khuya “Con nhớ mẹ!”.

Chị gái tôi bảo mẹ lẩm cẩm rồi, hãy nhắc mẹ đừng viết linh tinh trên mạng nữa, nhưng tôi không biết làm thế nào để ngăn cấm mẹ với nỗi khắc khoải đó. Đâu phải ai cũng còn mẹ để gặp cho vơi nỗi nhớ?

Ảnh lấy từ tác phẩm điện ảnh The Father
Ảnh lấy từ tác phẩm điện ảnh "The Father"

Mỗi lần về quê hay từ quê ra Hà Nội, gia đình tôi thường chọn đi đêm để tiết kiệm thời gian. Ngủ một giấc trên xe, sáng ra có mặt ở nơi cần đến, nhờ vậy vợ chồng tôi sẽ có thêm thời gian để đi làm, các con có thời gian chơi cùng ông bà. Nhưng cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ sẽ phải thức khuya nếu muốn tiễn con cháu. Dù các con yêu cầu ông bà ở nhà ngủ sớm ông bà vẫn không chịu, nhất quyết đưa con cháu ra điểm lên xe.

“Ngủ thì lúc nào chẳng được, gặp con cháu thì được mấy bữa nữa”, mẹ chồng tôi từng nói. Tôi rất sợ phải nghĩ đến những câu hỏi như “được mấy bữa”, “được mấy lần”. Tôi không dám tính toán được nếu cuộc sống bận rộn mưu sinh, con cái học hành, mỗi năm chỉ về nhà khoảng 2-3 lần, tôi sẽ còn được gặp lại cha mẹ tôi bao nhiêu lần. Nhưng hóa ra, cả cha mẹ, trong những cái vẫy tay chào cũng chất chứa nỗi sợ đó.

Trở lại với bộ ảnh của bà Deanna ở Mỹ, ánh mắt của cha mẹ trong những bức ảnh chuyển dần từ vui vẻ, hạnh phúc cho đến khi thoáng buồn hay ngậm ngùi càng chạm sâu vào trái tim của người xem. Những khoảnh khắc lùi dần đến hiện tại như một lời nhắc nhở về giá trị của thời gian, có những giây phút tưởng chừng như đơn giản nhưng có lúc lại trở nên vô giá. Vậy nên, hãy tranh thủ dành cho cha mẹ sự quan tâm và thật nhiều lần gặp gỡ nếu còn có thể.

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI