Bỏ 1 triệu đồng mua được 10 triệu đồng tiền giả

04/06/2017 - 00:15

PNO - “Chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng, bạn sẽ có ngay 10 triệu đồng để “xài” thoải mái”, lời rao dễ dàng thu hút sự quan tâm của bất kỳ người dùng nào nhìn thấy mỗi khi truy cập internet.

Chỉ cần gõ từ khóa “buôn bán tiền giả”, trên nhiều trang mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook lập tức xuất hiện hàng loạt trang rao bán tiền giả với tỉ lệ quy đổi tiền thật giả từ 1 ăn 5 đến 1 ăn 10.

Bán tiền giả như bán rau

Trên mạng xã hội Facebook của L.T.V. (TP.HCM) cho biết, V. hiện đang sở hữu nhiều loại tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng. Giá bán tiền giả là một triệu tiền thật = 10 triệu tiền giả. Người mua chỉ cần để lại tên, địa chỉ nhận hàng cụ thể và số điện thoại, kèm theo đó là đặt cọc tiền 30% bằng thẻ cào Viettel là sẽ có người giao hàng tận tay.

Còn trang của M.L.N. đăng thông tin cho biết lượng tiền giả của mình nhìn rất đẹp, người mua nhiều đến mức không kịp bán, khách đặt sớm sẽ giao trong ngày.

Có trang mạng còn đưa lời rao hết sức cao thượng, kiểu như: "Tiền của tôi chỉ dành cho những người khó khăn, nghèo khổ, nợ nần không lối thoát…”. Phương châm của chủ nhân trang mạng này cũng rất rõ ràng: “Buôn bán tiền giả, trao hàng tận tay, giao hàng tận nhà”. Người rao còn “nhiệt tình” truyền bí kíp rằng: “Tiền giả hiện tại chỉ có máy soi mới phát hiện được chứ mắt thường không thể thấy được”.

Hầu hết các trang bán tiền giả đều khẳng định: tiền giả giống thật từ 97% trở lên. Cách thức giao dịch chủ yếu là người mua đặt cọc 20-50% tiền thật để mua tiền giả bằng cách chuyển khoản ngân hàng hoặc gửi mã số thẻ cào điện thoại. Sau đó, người bán sẽ giao trực tiếp hoặc gửi bưu điện, gửi xe khách nếu người mua ở xa.

Bo 1 trieu dong mua duoc 10 trieu dong tien gia
Rao bán tiền giả xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.

Qua ghi nhận, nhiều người khi nhắn tin, gọi điện thoại đặt mua hoặc bình luận trực tiếp vào dòng trạng thái của trang bán tiền giả đã phản hồi sau khi gửi mã số thẻ cào, chuyển tiền... thì chủ trang… im ru.

Cũng có trang còn nhờ cả người khác lên viết khen người bán bán hàng uy tín, giao hàng chất lượng nhằm mục đích “mồi chài” những người nhẹ dạ cả tin. Còn lại thông thường những trang này chỉ yêu cầu người mua gửi mã số thẻ cào điện thoại mệnh giá từ 100.000 đồng trở lên để đặt cọc rồi… lặn mất tăm.

Mua hay bán đều bị xử lý hình sự

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những kẻ đăng các hình ảnh hấp dẫn cùng những lời quảng cáo "có cánh" về mua bán tiền giả chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm đánh vào lòng tham của người dùng. Nhiều người đã từng bị sập bẫy nhưng đành cam chịu, không dám trình báo công an vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.

Trong khi đó, theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an (C50), việc rao bán tiền giả trên mạng thời gian gần đây hoạt động khá công khai. Ngoài các giao dịch là thật, còn lại là lừa đảo. Sau khi nhận tiền của người mua, các đối tượng lừa đảo “lặn” mất. Nếu hành vi bị phát hiện, cả người bán lẫn người mua đều bị xử lý nghiêm.

Bo 1 trieu dong mua duoc 10 trieu dong tien gia
Những chiêu trò lừa đảo nhằm đánh vào lòng tham của con người.

Theo điều 180, Bộ luật Hình sự năm 1999 thì hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả. Tùy theo số tiền, mức phạt có thể lên tới hình phạt tù chung thân. Trường hợp rao bán tiền giả chỉ là thủ đoạn để chiếm đoạt tiền, nếu gây thiệt hại từ hai triệu đồng trở lên, người này sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự.

Đại diện một ngân hàng khuyến cáo, người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả.

Thảo Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI