Blogger Nguyễn Hữu Quỳnh Hương: "Sống xanh rồi mới sống nhanh"

09/09/2020 - 14:31

PNO - Điểm lại mới thấy, xu hướng sống xanh ở xứ mình dường như đang được dẫn dắt chủ yếu bởi những người phụ nữ. Họ trân trọng trái đất, cân nhắc với từng món rác thải, ân cần lựa chọn từng loại thực phẩm tự nhiên… Xã hội vô tình có những đại sứ lan tỏa tình yêu thiên nhiên trong mỗi gia đình.

20 tuổi, Quỳnh Hương bắt đầu ý thức về việc “sống bớt rác”, thay đổi những giá trị của bản thân. Bây giờ ở tuổi 23, cô trở thành blogger truyền cảm hứng sống xanh cho cả trẻ nhỏ lẫn người lớn tuổi. Mọi thứ Quỳnh Hương đang làm bây giờ đều là những lựa chọn vì môi trường, cố gắng sống sao để ít “tổn hại đến trái đất” nhất. 

Bạn đã dùng bao nhiêu túi ni-lông trong một ngày?

Ba năm trước, khi còn là sinh viên Trường đại học Ngoại thương, Quỳnh Hương đã luôn trăn trở với những câu hỏi: “Mình là ai? Mình thật sự muốn điều gì? Nên làm gì tiếp tục với cuộc đời mình?”.

Cô gọi đó là “khủng hoảng tuổi 20” khi lỡ chọn học chuyên ngành kinh tế đối ngoại mà bản thân không yêu thích, không thẩm thấu nổi.

Rồi một chuyến đi Triêm Tây (Quảng Nam) tham gia dự án về môi trường đã làm thay đổi mọi lựa chọn của cô gái trẻ. “Lúc đầu, tôi chỉ thấy vui khi được đi, nghe, được bày tỏ trăn trở về những vấn đề môi trường. Ngày đầu tiên gặp chúng tôi, người dẫn chương trình đã hỏi một câu: “Trên đường đến đây, các bạn đã sử dụng bao nhiêu túi ni-lông?”.

Câu hỏi khiến tôi giật mình. Những mong muốn sống xanh hay góp phần bảo vệ môi trường đều bắt đầu từ những chuyện tưởng chừng rất nhỏ như thế.

dsgfg
Nhiều người từng có cảm giác áp lực khi nghe cô gái này tuyên truyền sống xanh 

Chỉ một hành trình di chuyển từ TP.HCM ra Triêm Tây, chúng tôi đã dùng đến hai mươi mấy túi ni-lông. Tất cả đều thải ra môi trường, thời gian chờ đợi để được phân hủy không biết đến khi nào…”.

Từ cái “giật mình” hôm ấy, khi trở về TP.HCM, Quỳnh Hương như trở thành một người khác. “Những giá trị sống gần như bị thay đổi quá đột ngột. Trong bảy ngày tham gia diễn đàn Thanh niên và Phát triển bền vững VYS, gặp được nhiều người thú vị, được nghe những câu chuyện hay và truyền cảm hứng sống xanh của họ, tôi thấy mình như đã trả lời được những câu hỏi cho chính mình. Rằng tôi muốn trở thành ai và sẽ làm gì.

Vậy là tôi bắt đầu không dùng túi ni-lông, ly nhựa, chỉ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cực đoan đến mức thời gian ấy nhiều bạn bè… không muốn chơi với tôi nữa, vì lúc nào gặp tôi, họ cũng bị áp lực về những “tuyên truyền” sống xanh của tôi” - Quỳnh Hương nhớ lại. 

Đó cũng là khoảng thời gian không dễ dàng gì với chính bản thân Quỳnh Hương. Hạn chế tối đa việc sử dụng vật liệu tổn hại đến môi trường cũng có nghĩa là giới hạn đến mức tối thiểu những nhu cầu của bản thân. Mỗi khi muốn mua sản phẩm nào, cô lại phải trả lời một loạt câu hỏi: Tôi có thật sự cần? Nếu có, tôi có thể tự tạo ra sản phẩm này không? Nếu không, tôi có thể xin từ ai hoặc tái sử dụng từ một thứ gì khác không? Khi mua sản phẩm này, tôi đã và sẽ tiêu tốn thêm bao nhiêu năng lượng? Trong quá trình sử dụng sản phẩm này, có phát sinh thêm những chất gây hại cho môi trường sống của loài khác hay không?...

Trả lời được tất cả rồi, có khi cô cũng không mua nữa. Thậm chí nhiều lần quên mang theo bình nước, cô phải đấu tranh tư tưởng rồi quyết định nhịn khát luôn vì không muốn thải rác nhựa.

“Cũng chỉ thời gian đầu thôi, khi mọi thứ đã trở thành thói quen thì những câu hỏi ấy không còn đáng ngại nữa. Thực hành sống xanh, tôi cảm thấy mình đang đối thoại được với bản thân, hiểu rõ những nhu cầu của chính mình, và giờ thì thật sự thoải mái” - Quỳnh Hương chia sẻ.

Ba năm thực hành sống bớt rác (less waste), cô đã cho ra mắt cuốn sách Sống xanh rồi mới sống nhanh (bút danh Mình Là Hũ, nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành vào quý I/2020).

gtht
Cuốn sách nhẹ nhàng về đề tài sống xanh của Quỳnh Hương

Ai cũng có thể là người truyền cảm hứng

Người ở khu chợ hẻm 10, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đều nhớ cô gái nhỏ, đeo kính cận, mỗi ngày đi chợ đều từ chối bịch ni-lông. Lúc nào cô cũng mang theo túi vải đựng rau củ hoặc cà-mên đựng thức ăn.

Tháng 6/2019, Quỳnh Hương thực hiện một “chiến dịch” nho nhỏ tại khu chợ gần nhà mình. Cô Linh, cô Hà, cô Bảo Hương… - những người bán rau -  cùng hưởng ứng tinh thần “bán rau không bán bịch ni-lông”.

Những tấm biển dễ thương được trưng tại các hàng rau một dạo được báo chí đăng tải, bà con hẻm 10 cũng hưởng ứng rần rần: “Từ nay shop tui hạn chế sử dụng túi ni-lông, nên: 1. Chủ động mang túi. 2. Nhà gần thì cầm tay. 3. Bà con có túi ni-lông cũ, sạch thì mang tới đây, tui sẽ sử dụng lại. Cả xóm bớt rác cho con nít được nhờ”.

Quỳnh Hương cùng cô Hương trong chiến dịch “bán rau không bán túi ni-lông” tại chợ Hẻm 10
Quỳnh Hương cùng cô Hương trong chiến dịch “bán rau không bán túi ni-lông” tại chợ Hẻm 10

Mô hình truyền cảm hứng ấy được nhân rộng, mỗi người góp một phần vào việc gìn giữ môi trường xanh sạch. Sau hoạt động ấy, nhiều người hỏi cô sẽ tiếp tục thực hiện tiếp ở bao nhiêu khu chợ. Nhưng Quỳnh Hương bảo cô chia sẻ ý tưởng để mỗi người đều có thể cùng thực hiện. Ai cũng có thể trở thành người truyền cảm hứng trong tinh thần “sống bớt rác”, bảo vệ môi trường. Nhiều em nhỏ, bạn trẻ nhắn tin cho Hương kể rằng, đã cùng hưởng ứng hoạt động, thực hiện mô hình ấy cho những gian hàng của gia đình. Thậm chí nhiều bà con tiểu thương ở những khu chợ khác cũng đã bắt chước làm theo. 

fdgghn
Không dùng túi ni-lông khi đi chợ, có quá khó không?

“Lúc trước tôi hay thuyết phục bạn bè bằng lời nói, rằng chúng ta nên thế này, không nên thế kia. Nhưng giờ tôi đã nhận ra rằng, chẳng ai muốn nghe những lời nói trực tiếp như thế. Bản thân mình chỉ có thể hành động, những gì mình làm nếu truyền được tinh thần, cảm hứng tích cực để người khác cùng làm là tốt nhất. Còn nếu không thì… thôi. Khi nói không với rác thải nhựa, cũng không có nghĩa là chúng ta đã làm được điều gì đó to tát với môi trường. Sống bớt rác là một trong rất nhiều lựa chọn sống của mỗi người” - Quỳnh Hương tâm sự.

Đối với cô, những việc như hạn chế mua đồ mới, mua đủ số lượng cần thiết, tái sử dụng đồ cũ, không lãng phí thức ăn… là nỗ lực ít ỏi của mỗi cá nhân trong việc “tiết kiệm tài nguyên”. Nếu chỉ một hay vài mươi người thay đổi thì chẳng có gì đáng kể, nhưng một hay vài ngàn, vài triệu người đều lựa chọn thì kết quả sẽ rất khác.

Đó là lý do mà việc sống xanh/sống bớt rác không phải chờ đến những chiến dịch, những lời kêu gọi, mà cần sự nhận diện từ bên trong của mỗi người, cùng ý thức góp phần bảo vệ môi trường, thì ai cũng có thể trở thành một người truyền cảm hứng cho cộng đồng. 

Sống xanh là quay về với chính mình

Nguyễn Hữu Quỳnh Hương trở thành blogger về sống xanh và phát triển bản thân, từng là giáo viên giảng dạy về sống xanh cho các em nhỏ ở trường quốc tế cũng nhờ vào lựa chọn “sống xanh”. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương nhưng Hương bảo bằng đại học không liên quan gì đến lựa chọn sự nghiệp của mình. 

Công việc hiện tại cô đang làm cũng liên quan đến môi trường: tổ chức những chuyến vào rừng trải nghiệm cho các em nhỏ, tham gia những dự án trồng rừng ở khắp các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Hương vừa trở về từ chuyến trồng rừng ở Thanh Hóa.

dvfbvgf
Cô gái trẻ đã thay đổi tích cực về hình thức và tinh thần từ khi thực hành sống xanh

“Khoảnh khắc nhìn cái cây đầu tiên do chính mình trồng xuống khu rừng, tôi thật sự rất xúc động. Cái cây ấy vừa được ươm sự sống, nhưng chặng dài phía trước nó còn phải trải qua biết bao vấn đề, mưa bão, nắng hạn hay sâu bệnh rồi lớn lên… Có thể tôi cũng không có dịp “gặp” lại những cái cây mình đã trồng, nhưng cứ nghĩ đến trăm năm sau con cháu tôi, thế hệ sau tìm đến những khu rừng có thể nhìn ngắm, tận hưởng bóng mát là thấy mọi điều thật đẹp, thật kỳ diệu” - Quỳnh Hương bày tỏ. 

Những chuyến đi kết tinh thành trải nghiệm, kiến thức quý giá về cây, về rừng, thiên nhiên và vạn vật. Quỳnh Hương nói cô sẽ tiếp tục viết về những hành trình ý nghĩa này. Trước mắt sẽ là bộ truyện tranh chủ đề sống xanh dành cho trẻ từ 4-8 tuổi.

Trong tương lai, Hương định hướng theo đuổi việc học thạc sĩ và quay về quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu của mình để tạo ra một không gian học tập, vui chơi kết nối với thiên nhiên cho các bạn nhỏ địa phương. Sống xanh và tiếp tục gieo mầm cho một thế hệ, thực hiện giấc mộng giáo dục và góp phần bảo vệ môi trường sống mà cô vẫn luôn nghĩ về. 

“Mọi người đừng quá khắt khe hay đặt áp lực lên bản thân khi bắt đầu chọn lối sống xanh. Hãy cứ nghĩ đơn giản đó là sống cho mình, hướng về bên trong và đối thoại với chính mình. Trả lời được những câu hỏi về nhu cầu của bản thân, tự khắc sẽ có những lựa chọn tốt. Khó khăn nhất của việc thực hành sống xanh, theo tôi chỉ là sự đấu tranh với chính mình” - Quỳnh Hương chia sẻ.

Bây giờ mỗi ngày cô đều dậy sớm nấu ăn, mang theo lên văn phòng làm việc. “Vật bất ly thân” lúc nào cũng có chiếc túi vải to, bình nước. Không chỉ “nói không” với rác thải nhựa, Hương còn “say no” với thức ăn nhanh, đồ nhập khẩu, thay vào đó là lựa chọn thực phẩm theo mùa. “Đừng nghĩ mình sẽ thay đổi được người khác hay giúp ích gì cho môi trường, chỉ cần nghĩ sống xanh là cho chính mình thôi. Tôi đã giảm được 20kg nhờ sống xanh rồi đấy” - Quỳnh Hương cười. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI