Khi tôi cầm muỗng định khuấy ly latte của mình, cô nói: “Chị làm thế là vô tình phá hỏng latte art và công sức của người barista đã đổ latte art rất khéo cho chị đấy”. Tôi khựng lại và thấy mình lập tức bị thu hút bởi cô gái này. Cô không nói nhiều về mình nhưng vẫn cho thấy sự am hiểu đến tường tận những gì mình muốn khám phá.
Cô từng viết trong cuốn sách đã xuất bản khá lâu: "Vì cuộc đời là những chuyến đi. Vì tuổi trẻ đâu có bao nhiêu, nên phải đi và sống, sống cho hết những tháng năm tuổi trẻ sẽ không bao giờ trở lại nữa".
Cô sinh năm 1987, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nổi tiếng, sẽ thành tác giả sách. Cô viết blog, cô viết sách chỉ là để ghi lại và chia sẻ những hành trình cảm xúc của mình. Cô là Đinh Hằng.
Ngay lúc này, có lẽ Hằng đang tận hưởng tuổi trẻ của mình ở Úc, lang thang khắp Sydney, ăn những món mình thích, đi dạo và uống cà phê. Hằng từng nhảy dù từ độ cao 1.500 feet, để được đối diện với sinh tử, để biết thế nào là cảm giác rơi tự do.
Cô cũng đã đi lặn biển, ngắm cá mập, khám phá những rặng san hô hùng vĩ ở Great Barrier Reef. Những quang cảnh và cảm giác ấy, mấy ai đã từng trải qua trong đời.
Hằng đi không phải để đến một điểm, “check-in” một cái ghi dấu cho đời mình, để chụp một tấm hình cho bạn bè biết mình từng đến nơi này nơi kia; mà là đến bằng một trái tim mở rộng, cảm nhận thế giới bằng chính mình.
Tôi chợt hỏi, có khi nào Hằng nghĩ mình sẽ đẹp hơn nữa không; Hằng hỏi ngược lại tôi: “Chị thấy em không đẹp sao?”. Tôi hỏi và đang nghĩ về vẻ đẹp của phụ nữ theo những định nghĩa thông thường nhất là về da, về tóc, về vóc dáng... Nhưng với Hằng, cái đẹp dường như nằm ngoài định nghĩa ấy. Cô hừng hực sức sống của tuổi trẻ, của khao khát trải nghiệm, của những kiếm tìm.
Nhìn Hằng, có thể nhiều bạn gái sẽ ước ao mình có được thần thái ấy, tinh thần ấy, cuộc sống ấy. Vẻ đẹp của một người dám khẳng định mình, biết mình sẽ sống thế nào. Vẻ đẹp của người phụ nữ dám nói dám làm, biết cách đương đầu. Vẻ đẹp của người tự tin vào bản thân, không bận tâm xem quanh mình người khác đang nghĩ gì. Có được thần thái ấy, chính là lúc chúng ta đẹp nhất.
Tôi nói, tôi đã đọc rất kỹ trang cá nhân của Hằng, bấm nút theo dõi cô, háo hức với những gì cô chia sẻ. Lâu lắm rồi tôi mới bắt gặp mình có những cảm giác ấy, vì những gì Hằng bày biện ra trên trang cá nhân, không phải khoe khoang với nhân gian mình đã làm được những gì, mà là chia sẻ câu chuyện về những nơi cô đã đi qua bằng chính đôi chân mình, những cảm nhận mà không phải ai cũng có được trong đời.
Hằng nói, cô cũng như mọi phụ nữ khác, đều từng được nhồi vào đầu những định kiến về việc người phụ nữ phải có những tiêu chuẩn nào, phải hy sinh ra sao, phải đạt được “thành tựu” lớn nhất cuộc đời là lấy được một tấm chồng. Lấy chồng xong xem như chấm hết.
Hằng cũng từng rất phụ nữ như thế, từng thấy mình ở rất gần cái chết khi bị bỏ lại trước ngưỡng cửa hôn nhân. Hằng đã trải qua một hành trình dài trước khi “lột xác” trở thành Hằng của hôm nay. Không dài dòng về những ngày tháng ấy, cô chỉ đúc kết, mình là người chưa bao giờ để đời mình đi theo những kế hoạch đã được lập trình sẵn như thế.
Nói về Hằng, nếu chỉ đề cập đến những chuyến đi thì có lẽ chưa đủ. Tôi hỏi Hằng, có phải “đi chỉ để đến thôi?”; cô đáp ngay: “Ý nghĩa của việc đi không phải ở điểm đến, mà là ở hành trình, là những trải nghiệm trên quãng đường đi”.
Hằng không dùng hình ảnh của mình để tô điểm cho chính mình mà gửi gắm nhiệt huyết tuổi trẻ vào đó. Thông điệp của Hằng đơn giản là “Hãy sống đi. Cuộc sống này ngắn lắm”. Hãy luôn sống những ngày tuổi trẻ thật đẹp.
Hãy cứ vui từng khoảnh khắc trong đời mình. Hằng là thế, không tuyên ngôn sáo rỗng mà tất cả đều cụ thể, rõ ràng. Trước tiên hãy biết sống cho mình. Sống đúng, sống tốt, yêu thương và đối xử với bản thân tử tế nhất có thể, để thấy đồng tiền mình làm ra được tiêu xài một cách xứng đáng.
Với chính cuộc sống của mình mà còn hà khắc, thì làm sao đủ rộng lòng để chia sẻ với cộng đồng? Hằng chưa khi nào thấy mình phải sống, phải làm sao cho đẹp lòng đám đông, chỉ cứ thế mà sống cuộc đời của chính mình, trải nghiệm và tận hưởng những gì mình có được. Cứ sống cho mình trước đã, nhưng những hoạt động thiện nguyện, những chương trình gây quỹ Hằng thực hiện thành công đủ khiến nhiều người thán phục.
Châm ngôn sống của Hằng có thể khiến đám đông dị ứng; nhưng với Hằng thì đám đông làm phần việc của họ, Hằng làm phần việc của Hằng. Đừng ích kỷ với bản thân vì đám đông mà hãy sống trước hết là vì mình. Mai kia, giả sử đám đông bỗng dưng biến mất, ta sẽ còn lại gì? Tôi hỏi. Mình vẫn thế thôi! Hằng đáp.
Thực tế, Hằng chưa bao giờ sống vì đám đông, chưa bao giờ dùng những chuyến đi của mình để làm đẹp cho mình. Nên, có hay không có đám đông cô vẫn là cô, ăn món mình thích, làm điều mình muốn đúng theo con người mình nhất. Nên, chẳng có gì để e ngại. Nên, hạn chế tối đa thời gian dành cho đám đông. Hằng nói chuyện thẳng thừng và sống cũng như cách mình nói. Cô viết sao, sống vậy.
"...Mỗi khi ngồi ở quán cà phê Ritual trên đường Valencia, nhấp vị latte rang xay vừa độ ánh lên màu nâu hổ phách, tôi vẫn thường tự hỏi nếu là họa sĩ, tôi sẽ chọn màu gì để vẽ San Francisco? Đó có thể là màu cam ánh đỏ của cầu Cổng Vàng, màu trắng đục của những dải sương mù bay la đà trên thành phố, màu xanh biếc của biển và trời xô vào nhau ở cuối chân trời. Nhưng dù chọn màu gì, San Francisco trong tôi luôn là màu xanh của đôi mắt người tôi yêu đến mê mải". Đọc đoạn này của Hằng, tôi có cảm giác cô đang dùng chữ để vẽ tranh và nhận ra mình cũng đang xao xác bởi những sắc màu ấy. Những nơi Hằng đi qua như đã tạc vào tâm thức của cô, nên chỉ bằng những câu từ đơn giản, cô vẽ lại hành trình đời mình, những cảm xúc của mình, những khó khăn mình đã vượt qua, hết sức tự nhiên.
|
|
|
|
Lần đầu gặp Hằng, tôi từng tự hỏi: ”Đây có phải là một cô gái sống bất cần không?”. Câu trả lời sau đó là không! Hằng dịu dàng một cách rất riêng và đặc biệt. Hằng ấm áp và biết làm lan tỏa sự ấm áp ấy, cũng theo một cách nào đó rất riêng. Sức sống hừng hực từ cô tạo cảm hứng cho những ai từng biết cô, dõi theo cô. Chỉ riêng tinh thần: “Đời người là hữu hạn. Hãy vui khi còn có thể, hãy sống khi còn có thể và hãy tận hưởng khi còn có thể…” đã là một tinh thần sống đáng được sẻ chia. Bởi, dám sống bằng đời mình là điều đã mấy người làm được?
Đoàn Tâm