BlackPink xoá cảnh nhạy cảm trong MV: Trông người mà ngẫm đến ta

09/10/2020 - 17:25

PNO - MV "Lovesick Girls" của BlackPink phải cắt bỏ cảnh thành viên Jennie mặc trang phục giống y tá do phản ứng từ dư luận và Liên đoàn Nhân viên y tế Hàn Quốc.

Công ty YG Entertainment (cơ quan quản lý BlackPink) cho biết: “Chúng tôi quyết định xóa tất cả cảnh liên quan đến trang phục y tá trong MV Lovesick Girls của BlackPink. Nhân đây, chúng tôi sẽ xem xét những trách nhiệm nặng nề đặt ra trước mắt. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi đã không thể lường trước cảnh quay gây ra cuộc tranh cãi”.        

Nhiều khán giả ủng hộ, hoan nghênh trước quyết định kịp thời của YG Entertainment, vì hiện tại, lực lượng y tế đang có nhiều đóng góp trong công cuộc phòng, chống COVID-19 và hình ảnh của họ càng phải được tôn trọng.

Đây không phải lần đầu tiên một MV đã phát hành của Hàn Quốc phải xoá bỏ cảnh quay trước phản ứng của dư luận. Điều này cho thấy trách nghiệm của nghệ sĩ với cộng đồng, và quyền lực của khán giả với ngành giải trí ở xứ kim chi.

YG Entertainment xoá cảnh Jennie mặc đồ y tá trong MV mới của BlackPink
YG Entertainment xoá cảnh Jennie mặc đồ nhân viên y tá trong MV mới của BlackPink

Nhưng những điều tương tự tại Việt Nam lại được ứng xử ngược lại hoàn toàn. Năm 2019, hàng loạt MV, phim ngắn có cảnh nóng, bạo lực ra mắt khiến dư luận xôn xao như Nếu ngày ấy (Soobin Hoàng Sơn), Mời anh vào team em (Chi Pu), Thập Tam Muội (Thu Trang, Tiến Luật), Vi cá tiền truyện (Quách Ngọc Tuyên)… Các đơn vị báo chí liên tục cảnh báo về khả năng gây nguy hại của trào lưu này đối với khán giả Việt, nhất là với nhóm khán giả trẻ, đối tượng chính tiếp cận sản phẩm của nghệ sĩ; đặc biệt trong bối cảnh bạo lực gia tăng ở học đường, đời sống… và tác động tiêu cực của những văn hoá phẩm không lành mạnh là có thật.

Sau một thời gian im ắng, năm nay, những MV có nhiều hình ảnh bạo lực lại tiếp tục ra đời, thậm chí với mức độ mạnh hơn trước, chẳng hạn hành vi bạo lực xuất hiện nhiều lần, hoặc hành động mang tính ghê rợn, kinh sợ trong MV của Khắc Việt, Đàm Vĩnh Hưng, Noo Phước Thịnh.

Nếu tại Hàn Quốc, giải trí đã trở thành một nền công nghiệp, trong đó khán giả trực tiếp nuôi sống nghệ sĩ, thì ở Việt Nam, phần lớn khán giả vẫn đang thưởng thức nghệ thuật miễn phí, đặc biệt là với nhóm khán giả trẻ. Điều đó khiến sự ảnh hưởng của khán giả đối với nghệ sĩ cũng trở nên nhẹ ký hơn. 

MV của Khắc Việt tràn ngập cảnh bạo lực
MV của Khắc Việt tràn ngập cảnh bạo lực

Mang danh phục vụ công chúng nhưng thực tế có thể thấy MV, phim ngắn của nhiều nghệ sĩ Việt đang thực hiện theo kiểu “cho gì ăn nấy” trong quan hệ với khán giả. Cũng chính vì được "cho", nên thực khách cũng không có quyền đòi hỏi. Vì thế, không ít sản phẩm nhận phản hồi tiêu cực của dư luận nhưng nghệ sĩ, nhà sản xuất (NSX), đơn vị quản lý vẫn làm ngơ, hoặc chỉ chỉnh sửa khi bị YouTube sàng lọc vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. 

Khán giả Việt nhạy cảm nhưng mau quên, dễ tha thứ. Chi Pu từng bị tẩy chay rất nặng nề sau khi ra mắt Mời anh vào team em, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, sự việc trôi vào quên lãng. Khi cô ra sản phẩm mới, khán giả vẫn nghe và đón nhận. Điều này không chỉ diễn ra với Chi Pu mà với hầu hết nghệ sĩ Việt. Phải chăng, chính điều này khiến nghệ sĩ càng xem nhẹ khán giả lẫn trách nhiệm với cộng đồng?

Tại Việt Nam, chưa một nghệ sĩ nào đánh mất sự nghiệp vì bị khán giả tẩy chay, phản đối, nhưng ở Hàn Quốc, điều này diễn ra thường xuyên. Khi vướng phải scandal, nghệ sĩ Hàn gần như không còn đường lui, chỉ một số ít may mắn, chính văn hoá ứng xử nghiêm khắc với nghệ thuật của khán giả khiến họ hình thành quyền lực với nền giải trí. Còn với khán giả Việt, dường như quyền lực này không được biết đến.

Chi Pu từng bị chỉ trích khi ra MV có nhiều cảnh gợi dục, nhưng sau đó khán giả vẫn quên và tiếp tục đón nhận cô
Chi Pu từng bị chỉ trích khi ra MV có nhiều cảnh gợi dục, nhưng sau đó khán giả vẫn quên và tiếp tục đón nhận cô

Nhìn rộng hơn, giữa nghệ sĩ và khán giả Việt vẫn chưa tạo được môi trường đối thoại văn minh khi xảy ra vấn đề. Khán giả chưa có văn hoá góp ý văn minh (thường dùng từ ngữ nặng nề, thậm chí lăng mạ), nghệ sĩ cũng phản ứng khá tiêu cực. 

Gần đây, nam ca - nhạc sĩ Châu Đăng Khoa gây xôn xao khi đăng dòng trạng thái gọi khán giả là quỷ. Anh cho rằng bị chửi trên mạng đã quen nhưng nếu gặp ngoài đời có thể xảy ra bạo lực. Trong câu chuyện này, cả hai bên đều ứng xử không đúng. Với rất nhiều scandal xảy ra, nghệ sĩ và khán giả Việt luôn chọn cách phản ứng tiêu cực "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại".

Nền giải trí Việt đang từng bước chuyên nghiệp hoá. Kỹ thuật, chuyên môn có thể được đầu tư trong một thời gian ngắn nhưng lỗ hổng về văn hóa vẫn là một câu chuyện dài, không thể hình thành trong ngày một ngày hai nếu không sửa chữa, vun bồi ngay từ sớm.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI