Người Mỹ có truyền thống tặng quà cho nhau trong dịp Giáng sinh bất kể theo tôn giáo nào. Trong năm có những ngày lễ hội khác có thể tặng quà, nhưng tập trung nhất và "khó thoát" nhất vẫn là dịp Giáng sinh ngay trước thềm Năm mới.
Trước kia, theo phép lịch sự, bạn phải nhớ cắt bỏ cái miếng giấy (tag) ghi giá bán của món quà trước khi đóng gói chu đáo, vừa đẹp, vừa chỉn chu. Còn ít năm sau này, thời thế nó khác, bạn phải chu đáo không chỉ giữ nguyên cái giá hàng mà còn phải kèm theo luôn cái hóa đơn mua hàng để sau này, người được tặng nếu không thích hay dư xài có thể đem ra cửa hàng trả lại lấy tiền.
|
Black Friday từ lâu đã được coi là ngày mua sắm điên cuồng nhất trong năm với giá bán được giảm thấp chưa từng có. |
Ở Mỹ, hầu hết cửa hàng lớn nhỏ đều có chính sách cho đổi trả hàng lấy lại đúng số tiền đã bỏ ra mua. Thường thì có quy định một thời hạn nào đó, nhưng cũng có khi cho vô tư, chừng nào chán thì cứ đem đi trả lại. Trước kia, sau những dịp lễ hội có tặng quà, ở những phiên chợ trời hay những cuộc bán hàng xôn tại nhà (như yard sale, garage sale,…) lủ khủ những món quà tặng dư xài. Còn sau này, các cửa hàng lãnh đủ hậu quả: trước ngày lễ thì các kệ hàng sạch bách hàng, sau lễ ít ngày thì hàng hóa lũ lượt quay lại quầy trả hàng.
Thường thì những người có điều kiện tài chính đã mua sẵn quà Giáng sinh từ mấy tháng trước rồi – hễ có dịp khuyến mãi hay kiếm được món hàng ưng ý là mua để dành.
Và ngày Black Friday với giá thấp nhất trong năm là cơ hội cho mọi người không chỉ mua sắm đồ dùng cho mình mà còn mua quà cho dịp Giáng sinh sắp tới.
Điều này giải thích vì sao người ta rần rần kéo nhau đi mua sắm vào ngày Black Friday, cho dù đã mệt đứ đừ, say bí tỉ trong ngày lễ Tạ ơn vốn có tiệc tùng gia đình với món gà tây nướng, quay truyền thống (mỗi năm ở Mỹ có khoảng 46 triệu con gà tây "hy sinh" nội trong dịp lễ Tạ ơn này).
|
Các cửa hàng chen chúc người trong ngày Black Friday. |
Black Friday từ lâu đã được coi là ngày mua sắm điên cuồng nhất trong năm với giá bán được giảm thấp chưa từng có. Thường thì các cửa hàng bán lẻ bắt đầu mở cửa cho ngày Black Friday từ 6 giờ sáng. Nhưng những năm gần đây, có lẽ do cạnh tranh, có những nơi mở cửa sớm hơn 1 hay 2 giờ. Thậm chí, có nhiều người mua hàng Black Friday ngay từ khuya, lúc vừa bước sang ngày thứ Sáu. Và dĩ nhiên, người ta phải đến từ rất sớm để xếp hàng chờ giờ mở cửa là à-lát-sô xông vào càn quét.
Các cửa hàng chen chúc người trong ngày Black Friday với những chiếc xe đẩy hàng chất ngồn ngộn các món hàng. Đây là cơ hội để người ta sắm những món đồ gia dụng lớn và có giá cao như TV, tủ lạnh, máy giặt,… Thậm chí tôi có người bạn từng mua cả xe hơi trong dịp này với giá “mềm mại”. Riêng bà con người Việt mình thì coi Black Friday là ngày thu gom hàng chuẩn bị "cộ" thùng mẹ thùng con về quê nhà làm quà trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Trong những năm gần đây, khi thương mại điện tử phát triển, các cửa hàng online cũng tổ chức mua sắm Black Friday rất xôm tụ. Chẳng hạn như cửa hàng Amazon trong Black Friday 2017 này đã đưa ra vô số "kèo" cực thơm cho khách hàng không chỉ ở Mỹ mà cả trên khắp thế giới vào mua sắm. Ngay từ đầu tháng 11/2017, khi đang lang thang ở Mỹ, tôi đã nhận được vô số những tin nhắn, e-mail chào hàng giá rẻ cho Black Friday sớm.
Nhiều cửa hàng, siêu thị cũng bắt đầu giảm giá lai rai thấy mê. Những chiếc TV hàng hiệu to đùng từ 65 inch trở lên đời mới 2017 được chào bán với giá chỉ bằng phân nửa, thậm chí hơn 1 phần 3 so với giá ở Việt Nam.
|
Tác giả tại khu bán TV giá rẻ "vượt trội" so với Việt Nam trong một cửa hàng Costco ở Mỹ hồi thượng tuần tháng 11/2017. |
Các chuỗi siêu thị lớn lớn như Target, BestBuy,… chào bán những chiếc smartphone đỉnh của Samsung (Galaxy Note 8, S8 và S8 Plus) với giá trong dịp Black Friday giảm tới 300 USD so với giá bình thường.
Nhà mạng T-Mobile năm nay tung ra chiêu mua 1 smartphone (kể cả iPhone 8, Galaxy Note 8) tặng 1 chiếc smartphone có giá trị tương đương hay rẻ hơn thông qua chính sách rebate (thối lại tiền). Cũng T-Mobile chào bán smartphone Moto Z2 Force với giá chỉ có 375 USD (giảm một nửa so với giá gốc 750 USD).
Theo trang The Balance, có khoảng 30% doanh số bán lẻ của nền kinh tế Mỹ thu được trong thời gian chỉ từ giữa ngày Black Friday tới ngày Giáng sinh. Tỷ lệ này cao tới 40% ở một số ngành hàng đặc biệt, như nữ trang.
Trong năm 2016, có 137 triệu người ở Mỹ đổ xô đi mua sắm trong dịp cuối tuần Black Friday dài 4 ngày (tăng so với 102 triệu người của năm trước). Riêng trong ngày chính nhựt Black Friday có tới 101,7 triệu người chen chúc nhau đi mua sắm (tăng so với 74 triệu người của năm 2015).
Theo số liệu của Liên đoàn Bán lẻ Mỹ (NRF), tổng số tiền mà người Mỹ chi tiêu mua hàng trong mùa mua sắm cuối năm (bao gồm 2 tháng 11 và 12) của năm 2016 là 655,8 tỷ USD (trung bình mỗi người chi 935,8 USD), tăng 3,6% so với năm trước. Ước tính năm 2017 này sẽ đạt doanh thu tới 682 tỷ USD.
Riêng trong ngày Black Friday năm 2015, doanh thu tại cửa hàng đạt 67,5 tỷ USD và trên online đạt 2,9 tỷ USD, bình quân mỗi người chi 403,35 USD.
Mùa mua sắm cuối năm tấp nập tới mức các cửa hàng không đủ nhân lực phải thuê thêm. Ước tính trong mùa này năm 2017, số lao động thời vụ mà các cửa hàng bán lẽ phải thuê thêm dao động từ 500.000 tới 550.000 người. Năm 2013 đạt kỷ lục tới 764.750 lao động thời vụ. Nhờ vậy mà có thêm công ăn việc làm cho người dân.
Như đã nói ở trên, nền kinh tế thị trường cần phải được kích cầu tiêu thụ để đẩy mạnh sản xuất. Những dịp như ngày Black Friday phục vụ đa mục đích: dụ người tiêu dùng móc hầu bao ra mua sắm vừa có đồ xài trong cuộc sống, vừa giúp các nhà kinh doanh tiêu thụ được hàng hóa, vừa tạo nhu cầu cho các hãng sản xuất hàng hóa.
Các hãng có sản xuất tốt thì người lao động mới được trả lương cao. Người lao động rủng rỉnh tiền thì mới đi mua sắm hàng hóa. Quả là cái vòng tròn khép kín và nhân quả của một nền kinh tế khỏe khoắn.
Phạm Hồng Phước