'Bịt' lỗ hổng pháp luật về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em

27/09/2019 - 07:01

PNO - Nhiều vướng mắc, lỗ hổng về quy trình tố tụng hình sự đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã được nêu ra và kiến nghị “bịt” lại.

Ngày 26/9, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phối hợp với Dự án Jica Nhật Bản tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn TP.HCM”. Nhiều vướng mắc, lỗ hổng về quy trình tố tụng hình sự đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã được nêu ra và kiến nghị “bịt” lại. 

Tội phạm xâm hại trẻ em tăng

Thời gian qua, cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhưng đáng lo ngại là tình trạng xâm hại trẻ em (XHTE) vẫn tồn tại, trong đó xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) ngày càng diễn biến phức tạp, tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm, gây bức xúc trong dư luận và để lại nhiều hậu quả cho bản thân nạn nhân, gia đình và xã hội.  

'Bit' lo hong phap luat ve phong chong xam hai tinh duc tre em
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn TP.HCM” (ngày 26/9)

Theo bà Hà Thị Bích Thu - Phó trưởng phòng thực hành quyền công tố,kiểm sát điều tra và xét xử sơ thẩm án về trật tự xã hội (Phòng 2), Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM - trong hơn 3 năm từ năm 2016 đến hết tháng 6/2019, cơ quan điều tra hai cấp của thành phố đã khởi tố 340 vụ với 241 bị can về các tội xâm hại tình dục (XHTD) thì có tới 310 vụ (220 bị can) là XHTDTE (chiếm 91,17% về số vụ và 90,28% về số bị can). Trong năm 2018 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2019 tình hình có dấu hiệu tăng mạnh, cho thấy tội phạm XHTDTE diễn biến phức tạp. Trong 310 vụ XHTDTE nói trên, số trẻ em gái bị xâm hại đa số ở độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi: chiếm 68,18%, từ 10 - 13 tuổi: 20%, từ 7 - 10 tuổi: 9,09%, từ 3 - 7 tuổi: 2,73%.  

Có thể thấy, trong 310 vụ án XHTDTE do cơ quan điều tra hai cấp khởi tố, tội phạm XHTE tập trung ở những địa bàn dân cư có nhiều phòng trọ, nhiều người nhập cư, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình thiếu sự quan tâm đến trẻ nhỏ. Một số quận, huyện có số lượng án thụ lý cao như Bình Chánh: 29 vụ, Bình Tân: 24 vụ, Củ Chi, Thủ Đức: 23 vụ.  

Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng XHTE gia tăng. Đầu tiên, trẻ em ngày càng phát triển sớm về tâm sinh lý, nhưng việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để nhận biết và phòng tránh những hành vi XHTD trong gia đình, nhà trường vẫn còn hạn chế. Một số gia đình, do người lớn mải mê công việc làm ăn hoặc cha mẹ bất hòa, ly hôn, thiếu quản lý con cái nên các em thiếu thốn tình cảm, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, lợi dụng.

Một vụ việc điển hình là vào tháng 5/2018, thông qua mạng xã hội Zalo, cháu T.T.K.T., 10 tuổi, quen biết và qua lại với Huỳnh Ngọc Quốc, 29 tuổi - một đối tượng đã có tiền án 13 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em và 18 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Sau một tháng làm quen và qua lại, cả hai hẹn nhau thuê nhà nghỉ tại Q.Bình Tân để quan hệ tình dục. T. bị gia đình phát hiện khi cháu uống thuốc ngừa thai và để vỏ thuốc trên bàn. Huỳnh Ngọc Quốc bị truy tố và nhận mức án 14 năm 6 tháng tù về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. 

Các cơ quan tố tụng và bảo vệ quyền trẻ em đều cho rằng, khi bị XHTD trẻ sẽ bị tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập xã hội, đặc biệt là tổn thương về sức khỏe thể chất, bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh hay tiếng nói của kẻ xâm hại…). Ngày 8/3/2018, Võ Văn Mến, ngụ ở huyện Bình Chánh, đã dùng vũ lực để khống chế, hiếp dâm cháu T.T.H.N., 14 tuổi. Mến sau đó bị kết án 10 năm tù, nhưng đến nay nạn nhân N. vẫn bị rối loạn sau sang chấn, hạn chế trong nhận thức và điều khiển hành vi.

Cơ quan điều tra “ngán” án xâm hại

Ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ phòng PC02, Công an TP.HCM - cho biết, những cán bộ điều tra thường “ngán” án xâm hại hơn các vụ án cướp của, giết người... Khó khăn đầu tiên là việc thu thập vật chứng của vụ án thường chậm, không còn dấu vết tinh trùng, tế bào nam… do khi nạn nhân tố cáo thì vụ việc đã xảy ra quá lâu.

Khó khăn thứ hai là gia đình nạn nhân thường không tố cáo, mà bưng bít, che giấu. Nếu bị hại có thai, gia đình thường không cho cơ quan chức năng điều tra. Sau khi trẻ sinh con, hoặc đem đi cho, hoặc đưa con đi tạm lánh, hoặc tự thỏa thuận với gia đình kẻ xâm hại… Không thỏa thuận được mới chịu làm đơn tố cáo.

Với các vụ án mà kẻ xâm hại là người nhà thì nhiều gia đình chọn giải pháp “đóng cửa bảo nhau”. Có trường hợp cha dượng quan hệ tình dục với con riêng của vợ rồi dọa sẽ đánh cả hai mẹ con. Để giữ gia đình êm ấm, nạn nhân một mình chịu đựng, đến khi cha dượng và mẹ chia tay thì mới kể ra. Nhưng lúc đó sự việc 
đã rồi. 

Ngoài việc thu thập chứng cứ gặp khó khăn, thẩm phán Đặng Thị Bích Loan - Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, Tòa án nhân dân TP.HCM - cho biết, một khó khăn nữa xuất phát từ chính bị hại là trẻ em. Do nhận thức còn hạn chế, việc lấy lời khai, thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra và tòa án gặp nhiều khó khăn. Bị hại trong các vụ án XHTE không những chịu tổn thương về mặt thể chất mà còn bị ảnh hưởng sâu sắc về tâm lý dẫn đến sợ sệt, xấu hổ, làm cho việc khai báo không rõ ràng, không thống nhất, thiếu chính xác, gây khó khăn cho tòa trong việc thu thập, đánh giá, xem xét chứng cứ.

“Trong quá trình giải quyết, có 48 trường hợp tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, 12 trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra từ 2 lần và 5 trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại trên 2 lần. Việc trả hồ sơ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ chưa đủ cơ sở để đưa vụ án ra xét xử, hay chưa đủ để tòa đưa ra phán quyết cuối cùng” - bà Loan co biết. 

Theo các đại biểu, Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định rõ ràng thế nào là hành vi XHTD, thế nào là “giao cấu”; thế nào là “hành vi quan hệ tình dục khác”; thế nào là hành vi “dâm ô”, “khiêu dâm”, “trình diễn khiêu dâm”, thế nào là “người đang lệ thuộc mình”, “đang trong tình trạng quẫn bách” (điều 145, 146, 147)… Sự “chưa rõ ràng” này ảnh hưởng đến việc định tội để truy tố người phạm tội. Khó khăn khác là biện pháp tạm giam chỉ áp dụng với một số trường hợp cụ thể nên dư luận hiểu sai và không đồng tình; các nghi can ở ngoài dễ thay đổi lời khai, hoặc mua chuộc, thậm chí đe dọa, gây áp lực với phía bị hại, hoặc có thể tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là tiếp tục phạm tội với chính bị hại (điển hình là nghi can - bị hại có quan hệ yêu đương).

Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi - Vụ trưởng Vụ 14, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - cho biết, ngày 20/9 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nghị quyết hướng dẫn những “rắc rối” nói trên. Theo bà Chi, đây là một nghị quyết khó khăn, vì ở lĩnh vực nhạy cảm “nói đã khó, viết ra càng khó hơn”.  Ngoài việc đưa ra khái niệm, giải thích từ ngữ: thế nào là XHTD, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, thế nào là dụng cụ tình dục… Nghị quyết đã xây dựng tình tiết định tội như: hành vi giao cấu với người trên 10 tuổi và người dưới 10 tuổi (trẻ em chưa dậy thì); hành vi quan hệ tình dục khác (miệng, hậu môn); dâm ô; trình diễn khiêu dâm… Đồng thời cũng hướng dẫn tình tiết định khung, mức độ phạm tội: tính chất loạn luân, phạm tội 2 lần trở lên… 

“Hiện nay, nghị quyết đang được gửi qua các cơ quan hữu quan rà soát về mặt kỹ thuật cuối cùng trước khi thi hành” - bà Chi cho biết. 

UBND TP.HCM đang dự thảo Quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại và XHTD trên địa bàn thành phố. Đây cũng là địa phương trong cả nước xây dựng riêng quy trình này.

Theo dự thảo, khi nghi ngờ, phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại, mọi tổ chức, cá nhân phải lập tức báo sự việc cho một trong các nơi là UBND phường/xã/thị trấn, công an, cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp, hoặc đường dây nóng: 111, 113, 1900 54 55 59.

Trong vòng 2 giờ sau khi nhận tin, cán bộ phải báo cáo kiểm chứng thông tin. Chủ tịch UBND phường/xã cấp giấy giới thiệu, đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị khẩn cấp, đồng thời thông báo cho công an. Từ lúc nhận được thông báo của bệnh viện, trong vòng 8 giờ, chủ tịch UBND phường/xã phải kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm chứng cứ đến công an. Nhận được kiến nghị này, trong 3 ngày cơ quan phường/xã phải gửi hồ sơ đến cấp huyện. Chậm nhất 12 giờ sau đó, công an huyện phải ra quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân. Tiếp đó công an huyện gửi hồ sơ vụ việc cho viện kiểm sát xem xét. Tất cả thông tin liên quan đến nạn nhân và gia đình được bảo mật…

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI