Cỏ lau thép trong chiến dịch Hồ Chí Minh là tên triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (202 Võ Thị Sáu, quận 3). Hơn 150 hình ảnh tư liệu và hiện vật được trưng bày, theo các cụm chủ đề: Chính trị - Phụ vận, Vũ trang chiến đấu, giao liên-tình báo-điệp báo và Phục vụ chiến đấu.
|
Đoàn quân giải phóng trên Quốc lộ 1, từ Nha Trang tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam - Ảnh tại triển lãm |
Thành công của chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng đánh dấu kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc Việt Nam - nhờ vào sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đấu tranh quân sự và sự nổi dậy của quần chúng. Một trong những yếu tố góp phần vào thắng lợi của chiến dịch là vai trò của quần chúng tham gia khởi nghĩa tại chỗ, hậu cần, vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho bộ đội vào giải phóng Sài Gòn.
Nhiệm vụ ấy đặt lên vai các mẹ, các chị - những người phụ nữ kiên cường. Họ bám trụ trong nội đô thực hiện công tác hậu cần, tiếp tế lương thực, thuốc men, vận động binh lính trong hàng ngũ chính quyền Sài Gòn buông súng. Họ nuôi giấu cán bộ ở vùng ven, làm nhiệm vụ giao liên, dẫn đường cho những cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
|
Tổ giao liên của lực lượng giao liên T4, hoạt động từ năm 1960-1975 - Ảnh tại triển lãm |
Thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như vậy, nhưng di vật/kỷ vật mà các mẹ, các chị để lại là những vật dụng rất thô sơ, giản dị. Chiếc đèn chông của mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hương (1924-2009) dùng thắp sáng và làm ám hiệu cho bộ đội, chiếc giỏ đi chợ của bà Thái Thường Huê (Năm Già) sử dụng trong suốt những năm 1968-1975 cho công tác giao liên, ngụy trang bên trên là nếp, khoai còn bên dưới là súng ngắn, đạn và chất nổ.
Má Chính (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Giao, 1904-1993) dùng chiếc cuốc thô sơ đào 30 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ trong vườn nhà, suốt từ chiến dịch Mậu Thân 1968 đến chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, má Chính là một trong những người đã tích cực tổ chức và dẫn đầu nhiều cuộc đấu tranh chính trị với địch, buộc địch phải thực hiện yêu sách của nhân dân.
|
Chiếc giỏ giao liên của mẹ - Ảnh tư liệu tại triển lãm |
Có khi, chiếc bình đựng trầu cũng được các mẹ tận dụng làm phương tiện ngụy trang trên đường liên lạc bí mật. Trong những hiện vật đang được trưng bày tại triển lãm còn có chiếc rựa chặt cây của bà Mai Thị Hồng (Mai Thị Bảy, Bảy Đen - nguyên trưởng trại E quân y Long An). Bà là chiến sĩ biệt động dẫn đường cho bộ đội đánh vào nội đô Sài Gòn trong cả hai cuộc tổng tiến công từ Mậu Thân 1968 đến chiến dịch Hồ Chí Minh.
Những người phụ nữ trong hình ảnh tư liệu của bảo tàng, có người còn sống nhưng rất nhiều người đã mất. Các mẹ, các chị để lại cho đời sau những câu chuyện kể từ những hiện vật quý giá: từ chiếc máy đánh chữ, khay y tế, tấm võng dù, mùng đến ly nước, bát để ăn cơm... dùng trong chiến dịch. Những người phụ nữ kiên cường với áo bà ba và khăn rằn đã có mặt trên hầu hết mọi mặt trận, là đầu mối giao liên quan trọng và là những người dẫn đường cho quân giải phóng.
|
Chiếc máy đánh chữ của bà Nguyễn Thị Phương, bà sử dụng đánh máy các văn bản, chỉ thị mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Phân khu 6 |
"Cán bộ giao liên đem chỉ thị, nghị quyết của lãnh đạo về các cơ sở, vận chuyển truyền đơn, tài liệu mật, đưa đón cán bộ đi công tác qua các vùng địch chiếm đóng, dẫn đường cho bộ đội tiến đánh vào hậu phương địch... Họ sáng tạo hàng trăm cách giấu tài liệu bí mật, có khi hoạt động ngay trong lòng địch, trước mắt địch mà chúng không hề hay biết" - nhà văn Trầm Hương từng viết trong bài Phụ nữ miền Nam và huyết mạch giao liên. Các mẹ, các chị đã dùng chính những vật dụng giản dị hàng ngày như chiếc giỏ đi chợ, bình dựng trầu... mà che mắt kẻ thù.
Hàng trăm ngàn người phụ nữ (trong số hơn hai triệu người trong "đội quân tóc dài" của miền Nam) đã tham gia và góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Họ không chỉ làm công tác hậu cần, binh vận mà còn tham gia vào lực lượng tuyến đầu.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (sinh năm 1951) chính là người ngồi trên xe tăng dẫn đường cho đồng chí Nguyễn Huy Hiệu - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, sư đoàn 320B (Quân đoàn 1) đánh chiếm các mục tiêu của địch ở thị trấn Lái Thiêu, Bình Dương và tiến về cửa ngõ phía bắc Sài Gòn trong ngày 30/4/1975. Tham gia vào lực lượng dẫn đường cho quân giải phóng ngày ấy còn có bà Huỳnh Thị Lang, Đặng Thị Tăng, Lại Thị Kim Túy...
|
Má Chính - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Giao |
Triển lãm chuyên đề Cỏ lau thép trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là sự tri ân của thế hệ hôm nay, ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, biệt động, đặc công, bộ đội chủ lực và du kích cùng các cơ sở cách mạng của đồng bào yêu nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ trong chiến dịch. Triển lãm cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Triển lãm mở cửa đến ngày 30/9/2021.
Lục Diệp