Bình tĩnh trước biến thể phụ JN.1 của COVID-19

26/01/2024 - 06:20

PNO - Biến thể phụ JN.1 có thể lây lan nhanh hơn các biến thể cũ, vì vậy số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này làm bệnh nặng hơn so với những biến thể khác.

Sở Y tế TPHCM cho biết: nhóm giám sát bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã giải mã trình tự gen các ca bệnh điều trị tại đây.

Kết quả cho thấy trong 16 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 được phát hiện từ tháng 12/2023 có 12 bệnh nhân nhiễm JN.1 (biến thể phụ của Omicron).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), JN.1 là một biến thể phụ từ biến thể BA.2.86 của Omicron, có những đặc điểm kháng nguyên mới cho phép vi rút dễ dàng tấn công vào hệ miễn dịch, dễ lây truyền hơn, do đó đã nhanh chóng chiếm ưu thế trong các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh toàn cầu. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron. Dù vậy, WHO vẫn đang theo dõi 5 biến thể cần quan tâm (VOI) gồm: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86 và JN.1.

Trước biến thể phụ này, ngành y tế TPHCM khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, thực hiện tốt các hướng dẫn phòng, chống bệnh từ chuyên gia y tế. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - cho biết: từ khi có thông tin về biến chủng mới ở một số nước trên thế giới, bệnh viện đã chủ động trong các giải pháp thu dung, điều trị. Vì vậy, các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đang được kiểm soát tốt.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng Trường đại học Y Dược TPHCM - biến thể phụ JN.1 có thể lây lan nhanh hơn các biến thể cũ, vì vậy số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này làm bệnh nặng hơn so với những biến thể khác. Với người đã tiêm đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19 thì nguy cơ tiến triển nặng rất thấp.

Không riêng JN.1, đa số biến chủng hiện nay của bệnh COVID-19 có triệu chứng bệnh tương tự nhau, như sốt, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi, rát họng, ho, đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, mất mùi… Mức độ nặng hay nhẹ của bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng của hệ miễn dịch, bệnh nền…, khó có thể kết luận biến chủng nào nguy hiểm hơn. 

Trong bối cảnh tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, người dân đi lại, về quê sẽ tăng lên, nguy cơ số ca bệnh cũng sẽ tăng. Để phòng bệnh, mọi người nên tiêm đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19, nhất là với người trên 65 tuổi, người có bệnh nền… Nên hạn chế đến nơi đông người, khi ra đường phải đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên bằng xà bông, dung dịch sát khuẩn; che mũi, miệng khi hắt hơi; khi về nhà, vệ sinh, súc họng sạch sẽ. Trường hợp có dấu hiệu bệnh, hạn chế tiếp xúc với các thành viên trong gia đình, nếu cần thiết người bệnh có thể đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.

Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ ngày 18 đến hết ngày 22/1, các bệnh viện của thành phố tiếp nhận 94 ca COVID-19 điều trị nội trú. Bệnh nhân sinh sống tại TPHCM và một số tỉnh, thành khác. Trong đó, có 17 ca bệnh nặng phải thở ô xy, không có ca tử vong do COVID-19. Tất cả ca bệnh nặng đều là người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền nặng) và chưa tiêm chủng đủ các mũi vắc xin COVID-19.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI