Bình tĩnh... mua kem chống nắng

21/04/2024 - 07:18

PNO - Thời tiết cả nước những ngày qua vô cùng oi bức, nắng nóng chói chang. Nắm bắt được nhu cầu bảo vệ làn da của người dân trước ánh nắng mặt trời, thị trường sản phẩm chống nắng trở nên sôi động, nhiều sản phẩm được quảng cáo và rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng thiếu tỉnh táo, mua phải các sản phẩm là hàng lậu, hàng nhái, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Ham hàng hiệu giảm giá để rước phải hàng nhái

Chị Trần Thanh Thảo (26 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) là nhân viên bán thời gian tại một quán cà phê, thường xuyên phải chạy xe máy giữa trưa nắng để đến nơi làm việc. Đây là thời điểm nhiệt độ ngoài trời ở mức đỉnh điểm, ánh nắng gắt nhất và chỉ số tia UV cao nhất. Dù chị đã đeo khẩu trang và mặc áo dài tay che chắn kín mít nhưng những phần da lộ ra như bàn tay và cổ vẫn bị nắng chiếu gây kích ứng đỏ ửng, ngứa ngáy rồi sạm thâm. Chị được bạn bè khuyên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da. Người bạn còn giới thiệu một chỗ chuyên bán mỹ phẩm xách tay ngoại nhập. Theo lời quảng cáo, đây là các sản phẩm được canh mua lúc giảm giá sâu nên khá rẻ.

Chị Thảo đã vào trang bán hàng đó xem thử. Khi thấy một tuýp kem chống nắng 50ml thương hiệu của Pháp được giảm giá từ 1 triệu đồng chỉ còn 500.000 đồng, chị ưng ngay. Chị Thảo đã biết tới thương hiệu mỹ phẩm này từ lâu nhưng giá thành sản phẩm chính hãng tại các cửa hàng trong nước khá mắc đối với một người làm công việc bán thời gian có thu nhập chưa tới 10 triệu đồng như chị.

Trước khi đặt mua, chị Thảo còn cẩn thận vào đọc các bình luận nhận xét chất lượng sản phẩm, thấy nhiều ý kiến khen ngợi. Yên tâm, chị quyết định mua về dùng. Sau 2 tuần sử dụng sản phẩm, chị cảm giác dùng như không dùng. Da vẫn bị kích ứng đỏ, ngứa sau mỗi lần đi nắng về. Lúc này, chị hoang mang không rõ mỹ phẩm xài không hợp hay do đã mua phải hàng nhái. Sản phẩm được giao tới tay chị Thảo không có hộp giấy hay tem dán niêm phong. Thứ chị nhận chỉ là tuýp kem nhựa màu trắng. Chị khá lo lắng, e rằng kem chống nắng của mình chỉ có vỏ nhựa là thật, còn ruột đã bị “phù phép”. Quay lại trang bán hàng xách tay kia, xem kỹ các bình luận nhận xét chất lượng sản phẩm, chị phát hiện các bình luận toàn dùng nick ảo.

Mua kem chống nắng trên mạng rước nhầm kem trộn

Trường hợp khác là chị Phạm Thị Hạnh (38 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM). Chị Hạnh cũng tin tưởng và mua kem chống nắng dạng hàng xách tay được rao bán trên mạng xã hội với giá ưu đãi combo 5 tuýp giá 100.000 đồng (mỗi tuýp 30ml).

Người bán hàng quảng cáo rằng đây là sản phẩm uy tín của Hàn Quốc, dùng xong da không chỉ được bảo vệ khỏi tác hại của ánh nắng mà còn trắng sáng, mịn màng, thay luôn phấn trang điểm. Chị Hạnh đặt mua combo 5 tuýp, mới thoa kem vài ngày đã thấy hiệu quả như lời quảng cáo. Đi đâu mọi người cũng khen dạo này da chị mịn màng, trắng đẹp. Mọi thứ vẫn ổn cho tới khi chị ngưng dùng. Từ lúc đó, mặt chị bỗng dưng nổi mụn li ti và mẩn đỏ, ngứa ngáy. Tuy nhiên, khi chị tiếp tục bôi loại kem này, da sẽ dịu ngay.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đang khám cho trường hợp bị kích ứng da - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đang khám cho trường hợp bị kích ứng da - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Cảm thấy mình bị phụ thuộc vào sản phẩm, chị Hạnh đi khám chuyên khoa da liễu. Bác sĩ cho biết các dấu hiệu phản ứng trên da của chị rất giống các trường hợp dùng phải kem trộn có chứa corticoid. Khi ngưng dùng kem chứa corticoid, da của bệnh nhân sẽ bùng phát mụn. Nếu người bệnh tiếp tục dùng kem thì lúc đầu nhìn da có vẻ đẹp hơn nhưng thực tế làn da đang bị hủy hoại dần từ bên trong, trở nên mỏng, lộ cả mạch máu, lâu dần sẽ bị nám. Làn da nghiện corticoid trở nên nhạy cảm và rất khó thích nghi với những sản phẩm chăm sóc, điều trị sau đó.

Tương tự, chị Nguyễn Kiều Thu (32 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ rằng mình đã đặt mua tuýp kem chống nắng trên một trang thương mại điện tử. Chị cảm giác sản phẩm vừa mua khác biệt với sản phẩm mình từng mua tại cửa hàng chính hãng. Màu sắc vỏ tuýp kem nhợt nhạt hơn. Sản phẩm không có tem dán ở nắp cũng như vỏ hộp giấy. Chị liên hệ hỏi người bán thì được giải thích đây là hàng tách từ bộ mỹ phẩm lớn nên không đủ bao bì. Cảm giác mình bị lừa, có đôi co thêm cũng chỉ mất thời gian, chị Thu đành ngậm bồ hòn làm ngọt, đành bỏ sản phẩm chứ không dám dùng.

Lợi bất cập hại nếu phải xài hàng nhái

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cảnh báo, dùng phải kem chống nắng không rõ nguồn gốc sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thứ nhất, các loại mỹ phẩm không đạt chất lượng dễ gây kích ứng làn da, chưa kể trong loại kem đó có thể còn chứa các chất hóa học vượt ngưỡng quy định về độ an toàn cho sức khỏe… Tiếp đến, khi không sử dụng kem chống nắng, chúng ta biết da mình chưa được bảo vệ nên tìm cách che chắn cẩn thận và tránh ra đường vào những lúc oi bức. Nhưng, lúc xài kem chống nắng là hàng nhái, hàng kém chất lượng mà không biết, chúng ta lại mang tâm lý chủ quan rằng mình đang được bảo vệ, tự tin, vô tư tiếp xúc với ánh nắng. Chính điều này khiến làn da bị tác động nặng nề hơn từ tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Như vậy, dùng kem chống nắng kém chất lượng lại có hại hơn cả không dùng.

Cần dùng kem chống nắng có nguồn gốc rõ ràng, đội nón rộng vành và che chắn cẩn thận để bảo vệ làn da trước tác hại của tia UV - Ảnh minh họa: Internet
Cần dùng kem chống nắng có nguồn gốc rõ ràng, đội nón rộng vành và che chắn cẩn thận để bảo vệ làn da trước tác hại của tia UV - Ảnh minh họa: Internet

Kem chống nắng bao gồm các hoạt chất bảo vệ da chống tia UV (UVA và UVB) và các hoạt chất chống ô xy hóa. UVB làm da cháy nắng, UVA liên quan tới ung thư da, phá hoại, làm da lão hóa nhanh. Tia UVA xuất hiện cả lúc trời râm mát nên đừng nghĩ rằng trời không nắng thì không cần chống nắng. Tia UVA thường được ví như kẻ giết người thầm lặng vì chúng ta không cảm nhận được tác động của loại tia này trên làn da như tia UVB (với tia UVB, ta còn biết được do da bị kích ứng, bị bỏng nắng, đỏ rát, sạm đen).

Đối với kem chống nắng, bạn cũng cần biết lựa chọn sản phẩm chính hãng, uy tín và phù hợp với làn da của mình. Bên cạnh đó, nếu hay hoạt động ngoài trời, bạn cần chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF cao hơn người thường xuyên làm việc văn phòng. Đa số kem chống nắng có quy định về thời gian phải bôi dặm lại sau mỗi 2-3 giờ để duy trì hiệu quả bảo vệ. Sản phẩm chống nắng có nhiều hình thức như dạng kem bôi, dạng xịt, dạng viên uống.

Để bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời thì chỉ sử dụng kem chống nắng là chưa đủ. Chị em cần đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang và mặc áo chống nắng khi ra ngoài. Cần lưu ý rằng không phải tất cả các loại khẩu trang và áo khoác đều có tác dụng chống nắng (chống tia UV). Các sản phẩm may mặc có tác dụng chống nắng sẽ ghi chú trên mác đính kèm chỉ số UPF.

Nếu UPF là 50+ thì tác dụng chống nắng cao, bảo vệ lên tới 97%... Nếu không có ghi chú về các chỉ số này có nghĩa sản phẩm đó không có khả năng chống nắng. Màu sắc của trang phục chống nắng cũng vô cùng quan trọng. Màu sắc áo chống nắng tối, trầm sẽ cản tia UV tốt hơn màu sáng nhưng lại hấp thụ nhiệt nhiều hơn. Do đó, khi lựa chọn đồ chống nắng tối màu, cần chú trọng chất liệu thoáng mát.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI