Bình tĩnh khi thấy con chậm nói, không giao tiếp

26/11/2022 - 06:41

PNO - Thấy con chậm nói, ít phản ứng, không giao tiếp…, nhiều bà mẹ lên mạng tìm thông tin rồi hoảng hốt cho rằng con mình bị tự kỷ.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên đang tư vấn cho một bà mẹ có con trai gặp vấn đề về giao tiếp ẢNH: P.A.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên đang tư vấn cho một bà mẹ có con trai gặp vấn đề về giao tiếp - Ảnh: P.A.

Sai lầm khi cứ nghĩ đến tự kỷ

Từ khi tìm hiểu trên mạng các biểu hiện khác thường của bé T.T.K.L. (3 tuổi, ở Đồng Nai), chị Nguyễn Thị Thanh (34 tuổi, mẹ của bé) ăn ngủ không yên vì cho rằng bé L. mắc chứng tự kỷ. Chị đưa con đến các trung tâm khuyết tật, thậm chí bệnh viện chuyên khoa tâm thần với hy vọng bé L. được điều trị.

Chị Thanh nói: “Các phản xạ của con tôi đều không lanh lẹ như những bạn cùng tuổi khác. Bé ít nói, ép mãi mới gật hay lắc đầu. Đi học bé ăn rất chậm, có khi chỉ uống sữa. Ở nhà hoàn toàn không nói chuyện, tiếp xúc với ông bà. Lúc tôi bắt buộc phải nói thì khóc ré lên, tự cào cấu mình. Các bác sĩ nói con tôi bị chậm nói, rối loạn cảm xúc hành vi nhưng tôi lên mạng tìm hiểu thì tôi nghĩ bé bị tự kỷ nhẹ”.

Thậm chí, chị còn tìm cách đo điện não cho bé L., nhưng bác sĩ khẳng định sức khỏe bé L. bình thường và khuyên chị nên cho bé thăm khám chuyên gia về tâm lý. Tại đây, bé được chẩn đoán phát triển chậm về ngôn ngữ, nhận thức và giao tiếp xã hội, người thân trong gia đình cần phối hợp với các chuyên gia tâm lý để hỗ trợ điều trị cho bé.

Tương tự, sau khi đưa con trai (6 tuổi) đi khắp nơi chữa… tự kỷ, chị Trần Đoàn Quỳnh Như (29 tuổi, ở Thanh Hóa) mới chấp nhận con mình bị phát triển chậm.  Không chỉ trong giao tiếp, bé gặp nhiều khó khăn khi đến trường, không thể hòa nhập cùng bạn bè, tiếp thu bài kém. Cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần liên hệ với chị bởi hầu như bé chỉ thích làm việc riêng thay vì lắng nghe mọi người xung quanh.

Chị Như chia sẻ: “Tôi nghĩ con bị tự kỷ nhẹ vì bé chỉ không nói được thôi nhưng cũng có phản ứng khi tôi gọi mặc dù hơi chậm. Vì vậy, tôi luôn hy vọng có thể chữa tự kỷ sớm cho con nên nghe ở đâu chữa được tự kỷ tôi đều đến. Thế mà vừa rồi đi khám tâm lý, bác sĩ nói con tôi chỉ bị phát triển chậm, nhưng đã quá trễ để can thiệp”.

Theo chuyên gia tâm lý, để “kéo” bé trai về đúng tuổi của mình, ngoài các liệu pháp can thiệp, người thân đóng vai trò rất quan trọng. Nhất là phải thật sự kiên nhẫn bởi có thể mất đến hơn 6 tháng mới nhận thấy được sự tiến bộ của con.

Đừng để quá muộn

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho biết, gần đây số lượng trẻ phát triển chậm được đưa đến bệnh viện tăng lên, chiếm khoảng hơn 70% tổng số lượt khám hằng ngày tại khoa. Trong đó, khoảng 10% trẻ chậm phát triển do bệnh lý thực thể (tổn thương hoặc dị tật bẩm sinh hệ thần kinh), 20% trẻ từ 4-6 tuổi, còn lại phần lớn là trẻ từ 4 tuổi trở xuống và không có các vấn đề thực thể đi kèm.

May mắn, đa số trẻ đến khám bị chậm nói vẫn còn cơ hội khắc phục. Tuy nhiên, vẫn có trẻ khó khăn trong cả vấn đề về ngôn ngữ và nhận thức. Có trẻ cùng lúc gặp nhiều trở ngại trong hầu hết kỹ năng như vận động, ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp xã hội… gây ảnh hưởng trong học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Theo thạc sĩ Hải Uyên, có rất nhiều nguyên nhân gây nên sự chậm phát triển bao gồm yếu tố bẩm sinh như các khiếm khuyết của hệ thần kinh và yếu tố môi trường bao gồm trẻ ít được tiếp xúc, thường đối diện với căng thẳng, bạo lực, trẻ gặp biến cố gia đình, ít được yêu thương, chăm sóc đầy đủ, áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ…

Tùy theo vấn đề trẻ gặp phải, người thân cần bên cạnh giúp trẻ vượt qua. Đặc biệt can thiệp sớm trước 3 tuổi trẻ sẽ có nhiều cải thiện, bắt kịp với những trẻ khác, nếu gia đình phát hiện quá trễ khi trẻ đã quá 6 tuổi thì rất khó khăn. Nhất là giai đoạn trẻ vào lớp Một, từ chậm nói, trẻ thường gặp trở ngại từng phần như tiếp thu bài giảng, giao tiếp với bạn bè, diễn đạt cảm xúc… ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ.

Đối với trẻ chậm nói do ít có sự giao tiếp như được gửi đi giữ trẻ trong một thời gian dài thay vì đến trường mầm non; ở nhà cùng ông bà, người giúp việc, ít được nói chuyện nên gặp các vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp. Từ đó, trẻ gặp khó khăn trong việc nghe, phản xạ theo lời nói, thậm chí không có nhu cầu thể hiện cảm xúc, hành động tương tác của mình.

Trường hợp này, cha mẹ, người thân cần tích cực tiếp xúc, chơi các hoạt động tương tác hai chiều, trò chuyện cùng con để trẻ phát triển ngôn ngữ, khuyến khích trẻ nói, khen ngợi khi trẻ trả lời đúng… Nếu được, hãy gửi trẻ đến các lớp mẫu giáo để trẻ tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa sẽ có sự tiến bộ nhanh hơn.

“Còn khi trẻ gặp nhiều vấn đề cùng lúc, gia đình nên phối hợp với bác sĩ, chuyên viên tâm lý, giáo viên mầm non và giáo viên can thiệp giáo dục đặc biệt… thay vì liên tục đưa trẻ đến nhiều nơi sẽ kéo dài thời gian can thiệp ở trẻ. Có phụ huynh còn cho rằng nên cho trẻ uống thuốc bổ não, cho trẻ đo điện não, chụp CT đầu để… tìm khiếm khuyết, điều này vô tình trì hoãn “thời gian vàng” trong can thiệp các rối loạn của trẻ”, thạc sĩ Hải Uyên nói thêm. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI