Bình tĩnh cùng con vào lớp

08/09/2017 - 15:23

PNO - Khi phê phán, chỉ trích, chúng ta hầu như không giúp gì thêm cho trẻ ngoài việc làm cho cái nhìn của trẻ méo mó đi.

Khi phê phán, chỉ trích, chúng ta hầu như không giúp gì thêm cho trẻ ngoài việc làm cho cái nhìn của trẻ méo mó đi. Điều quan trọng là lòng tin của trẻ với thầy cô, như với những người dẫn đường, đã bị đánh mất.

Binh tinh cung con vao lop
 

Con đi học, các cha mẹ cũng cùng đi học. Không chỉ là buổi sáng đưa con đến lớp, buổi chiều đón về, bố mẹ còn cùng chia sẻ những câu chuyện của con, chuyện trường mới, thầy cô và bạn mới. Cứ tưởng chỉ có con trẻ mới ngỡ ngàng trước những thay đổi mới mẻ của năm học, nhưng không, cả các cha mẹ nhiều khi cũng không giữ được bình tĩnh trước những thay đổi này. 

Chị Nguyên, phụ huynh có con vào lớp 1, bức xúc chia sẻ trên facebook của mình chuyện con trai đi học được hai tuần đã bị cô giáo dùng thước kẻ đánh vào tay vì viết xấu, viết sai nét.

Không biết cây thước kẻ bao lớn, đánh bé đau tới cỡ nào, nhưng có bao nhiêu phẫn nộ trong lòng, chị trút ra ào ạt, nào là đã quy định không cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, nào là nguyên tắc giáo dục không được dùng bạo lực với trẻ, nào là tương lai nền giáo dục của chúng ta sẽ ra sao, nào là giáo viên kiểu gì mà… Chuyện nhỏ thôi, nhưng những lo lắng thì đã mang tầm vĩ mô.

Và lo lắng ấy ngay lập tức được nhiều phụ huynh khác tán thành, chia sẻ trong tập quán hành xử phổ biến của mạng xã hội: nhiều cha mẹ cùng tham gia chỉ trích, chê bai cách dạy của giáo viên, nhà trường.

Với trẻ học bán trú, những gối nằm và gối ôm, những chiếc chiếu, chiếc khăn, khu vực ngủ trưa… của con được các mẹ săm soi kỹ lưỡng, như thể bọn trẻ vừa mới bước ra từ một khu vực vô trùng. Còn nhớ ở một trường tiểu học, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, các nhà giáo dục không chuyên đã vô cùng thất vọng khi giường ngủ trưa của trẻ chỉ là mặt bàn học lật ra, không phải là chăn êm nệm ấm gì.

Các mẹ chỉ yên yên khi hỏi con về giờ ngủ trưa và biết bọn trẻ cũng thích những chiếc “phản” ấy, thích tám chuyện với nhau, chẳng đứa nào phàn nàn về chuyện không có một cái giường đúng nghĩa. 

Cứ theo những gì chia sẻ trên mạng, thì phụ huynh này đòi gặp và chất vấn giáo viên, phụ huynh kia đòi chuyển trường cho con, phụ huynh khác nữa gọi điện thoại đòi giáo viên cam kết không được tái diễn... Thay vì giải quyết câu chuyện của cái thước kẻ, các bậc phụ huynh đã lật lại tất cả quá khứ, thời thơ ấu đi học của mình, và gán cho cái thước kẻ một lịch sử bạo lực, tàn ác.

Nhiều đứa trẻ đã ảnh hưởng từ mẹ, thay vì đau một chút rồi sẽ qua nhanh, chúng trở nên khó bảo, đối đầu với thầy cô, ngày càng phản kháng tiêu cực và sâu sắc hơn, bất hợp tác với thầy cô, và đau luôn nỗi đau được mẹ truyền lại. Câu chuyện mà trẻ kể với cha mẹ có thể có những “điều chỉnh” nhất định bằng ngôn ngữ của trẻ, bằng mắt nhìn của trẻ, nếu chỉ nghe con, thì cha mẹ khác gì một đứa trẻ lớn xác.

Lớp học có ngữ cảnh riêng, có không khí riêng, hãy để câu chuyện ở trên lớp được diễn ra trong đúng ngữ cảnh của nó, đừng nhấn nhá, phân tích, bạn chỉ làm cho trẻ đau hơn mà thôi. 

Đừng dạy con chê bai nhà trường, thầy cô sớm quá. Ngay cả “tư duy phê bình”, “tư duy phản biện”, người lớn chúng ta cũng chỉ mang ra dùng một cách phổ biến khi đã… về hưu thôi mà. Khi phê phán, chỉ trích, chúng ta hầu như không giúp gì thêm được cho trẻ ngoài việc làm cho cái nhìn của trẻ méo mó đi.

Điều quan trọng là lòng tin với thầy cô, như với những người dẫn đường, đã bị đánh mất. Bạn có thể bình tĩnh trao đổi với giáo viên, với nhà trường, nhưng trước mặt con đừng vội vàng phủ định vai trò của thầy cô trong những ngày đầu con đến lớp. Công bằng mà nói, trẻ con không kể chuyện trên lớp để “tố cáo” thầy cô của mình, nhưng bằng cách chỉ trích thầy cô, các cha mẹ đã vô tình biến con mình thành kẻ tố cáo ấy. 

Phụ huynh hôm nay gửi con vào trường với một kế hoạch nuôi dạy con chặt chẽ và đầy kỳ vọng, cũng dễ hiểu vì sao các cha mẹ bức xúc khi kế hoạch ngay từ đầu đã diễn ra không theo dự định của mình.

Hãy bình tĩnh, bạn đang áp đặt quá nhiều thứ lên đứa trẻ của mình, ngay cả cách nhìn nhận, đánh giá trường lớp theo kiểu của người lớn cũng là một thứ áp đặt. Trẻ cần được lắng nghe và trưởng thành, những vấp váp, thử thách trong môi trường giáo dục cũng là một bài học, để trẻ có thể chung sống với những người khác mình.

Khi thấy cha mẹ về cùng phe với mình, con trẻ sẽ thấy mình mạnh hơn trong việc… đối đầu với thầy cô, trường lớp. Liệu bạn có mong muốn điều này xảy ra? 

Hồng Thúy

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI