Con hẻm của tôi sắp kể có lẽ không đủ xưa để nói về chuyện của một thời và cũng không quá hiện đại làm diện mạo cho tương lai. Dường như mọi thứ chỉ có thể gói gọn trong ba chữ “bình thường thôi”. Nhưng tôi cam đoan, đó là một con hẻm rất Sài Gòn, bạn không thể tham quan nó mà chỉ có thể sống cùng và rồi không thể rời xa.
Chỉ là bình thường thôi
Cái sự bình thường của hẻm tôi thể hiện ngay từ tên gọi. Hẻm 30, gọn lỏn, không chút gợi hình, gợi thanh. Chẳng đẹp mộng mơ theo kiểu “hoa vàng trước ngõ” mà cũng chẳng lạnh lùng theo kiểu “nỗi buồn cư xá”, hẻm cứ là hẻm, chẳng thèm mang theo chút khái niệm mỹ thuật nào.
Thôi thì, cứ tạm hình dung thế này, đó là con hẻm dài hơn 80m, rộng chừng 5m, chạy thẳng một hàng suýt nữa là tăm tắp nếu không có vài căn nhà “ham hố” lấn ra đường dăm tấc để làm sân, làm mái hiên.
Những căn nhà cấp 4, những căn nhà lầu chen vai nhau san sát, không chừa một milimet đất nào để thở. Căn nào cũng khiêm tốn, cũng bình thường nhưng chẳng nhà nào giống nhà nào. Ðường được đổ bê tông hơn chục năm nên giờ cũng xuất hiện ổ gà lỗ chỗ như áo thêu hoa li ti. Nằm trong một khu vực được dựng lên theo kiểu bàn cờ nên ngày còn nhỏ chúng tôi đã được dạy, cứ quẹo mãi một hướng là trở về chỗ cũ. Cứ thế, bọn con nít chúng tôi tha hồ rong chơi mà không sợ lạc.
Tôi sinh ra thì đã có hẻm rồi. Nghe nói, khi cha tôi cất tiếng khóc thì hẻm cũng nằm ở đây rồi. Theo cách phân chia trước giải phóng thì đây là một hẻm vùng ven đô và rất phức tạp. Còn trước đó thế nào thì chẳng ai nhớ được nữa.
Như bao nơi khác của Sài Gòn, hẻm chỉ trơ tường gạch. Giỏi lắm thì có vài chậu xanh xanh rẻ tiền, dễ trồng đặt trước nhà cho gọi là “tôi yêu những gì đến tự nhiên”. Cuối hẻm là nhà tôi, cạnh bên nhà bác Nhã có cây mận sum sê, cống hiến cho chúng tôi tiết mục trèo hái mỗi ngày.
Rồi cây mận cũng bị chặt bỏ để nhà bác Nhã lát sân, lợp mái. Ngày chặt cây, lũ chúng tôi cứ giương mắt ếch nhìn, đợi tàn cây hạ xuống liền nhào vào nhặt trái xanh còn sót trên cành, chẳng có chút ngân ngấn buồn vì mất người bạn tuổi thơ. Còn mẹ tôi mừng ra mặt, từ giờ hết khó ngủ vì nghe mận rụng lùng bùng trên mái tôn và khỏi mỏi tay quét lá mỗi buổi chiều đầy gió.
Mãi đến sau này, khi tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, tôi mới tiếc nuối cây mận ấy vì phát hiện một mùi hương rất thân thuộc mà không thể gọi tên. Thì ra, đó là mùi hoa mận, thoang thoảng nhưng vương vấn mãi.
Bao dung như lòng hẻm rộng
Theo mấy cô bác lớn tuổi, hẻm tôi toàn dân tứ xứ đổ về chạy nạn. Mãi đến sau khi hòa bình lập lại thì mọi thứ mới cố định, người trong hẻm hết phập phồng lo sợ, nhận chốn này là quê hương.
Những khuôn mặt lam lũ, chân chất miền lục tỉnh Nam bộ bắt đầu sống gắn kết với những gia đình gốc Bắc di cư. Ở đó còn có người Hoa từ Triều Châu, Quảng Ðông, Phúc Kiến đến quây quần cùng nhau tạo thành một con hẻm mà không thể gọi tên bằng bất kỳ thuộc tính nào của số dân cư ngụ. Muộn màng hơn, khi tôi vào trung học, những tiếng nói trọ trẹ miền Trung cũng xuất hiện. Thành phần nghề nghiệp cũng “tả pín lù” không kém. Khác biệt vậy, nhưng khi đã sống ở đây thì tất cả nhanh chóng chỉ còn là dân hẻm 30.
Mà ngộ lắm, người ở hẻm cứ thích ra đường hơn ở trong nhà. Nhiều khi không có chuyện gì cũng ở trần, mặc quần đùi đứng lơ ngơ trước hẻm. Chẳng thấy lúc nào hẻm vắng người, ngay cả khi cao điểm cả thế giới đang quần quật làm việc duy trì hành tinh này.
Này thì, bà Nhàn, cô Nai lôi ghế bố ra trước cửa nhà chờ người đi chợ về để hỏi chuyện mắm, muối, dưa, cà cho qua nhanh buổi sáng. Bàn cờ tướng của cha tôi và mấy ông bạn già hiếm khi vắng người. Cái tiệm sửa xe giữa hẻm lúc nào cũng khói, cũng bụi mà bọn thanh niên ở đó suốt. Cuối tuần, hẻm càng xôm tụ hơn với mấy cái bàn nhậu kê giữa đường, tiếng đũa gõ bàn hòa cùng tiếng guitar bập bùng với những bản bolero hát hoài không chán. Rồi còn một bầy con nít lúc nào cũng chạy lăng quăng đến chóng cả mặt. Tốp này vừa trổ mã, cặp kè thì có một đoàn thiếu nhi khác loi choi ngoài đường.
Mẹ tôi cứ ca cẩm chuyện cha ở suốt ngoài đường. Anh em chúng tôi cũng không khá gì hơn, hễ mẹ ngó lơ là chạy ngay ra đường. Trong nhà vừa nóng vừa bị mẹ bắt chúi mũi vào mấy quyển vở thì vui sao nổi. Ra đường có cả một lũ bạn bè tha hồ bắn bi, tạt lon, thả diều.
Nhắc đến đây mới nhớ, ngày xưa ở hẻm chỉ có vài cọng dây điện lơ thơ nên còn khoảng trống cho diều bay lên. Chứ giờ dày đặc các thể loại dây nhợ thì chim sẻ lỡ sổ lồng bay lên còn vướng nói chi là diều.
Ðó là chưa kể, một năm ở hẻm biết bao nhiêu thứ hấp dẫn diễn ra. Tết đến là cuộc đua giữa các nồi bánh chưng, bánh tét, bánh tổ bày ra giữa hẻm. Mồng 5 tháng 5 sẽ là giờ tranh tài quyết liệt giữa cơm rượu kiểu Nam, kiểu Bắc; giữa bánh ú, bánh trạng. No nê với ẩm thực quê hương mình người ơi. Tháng Bảy âm lịch thì có trò giật cô hồn náo động suốt những buổi trưa hè. Rằm tháng Tám, khi đoàn rước đèn của bọn trẻ con tan đi là đến lượt những bàn thờ cúng trăng, thắp đèn của người Hoa bày ra. Con hẻm bỗng yên tĩnh với đèn, trăng và mùi nguyệt quế nồng nàn, biến đêm tháng Tám thành một cơn mộng.
Muốn học văn hóa của xứ mình, có lẽ chỉ cần đến hẻm.
Ðời là vạn tình thương*
“Hồn nhiên như người ở hẻm”, tôi chẳng nhớ nổi ai đã nói với mình hay là đọc đâu đó như thế. Tôi luôn có cảm giác mọi thứ trong hẻm chỉ được tính cho hiện tại. Còn chuyện ngược về quá khứ hay tính xa hơn một tí thì “để sau đi con” - nguyên văn ba tôi hay nói.
Như chuyện sự tích cái hẻm có lẽ chỉ mình tôi quan tâm, chứ điều mọi người quan tâm nhất là “cái hẻm giờ ngon rồi, có giá nhất khu này”. Nhớ hôm nào, thấy nhà chú Khách dỡ mái ngói thay tôn lạnh, tôi tiếc nuối với cảnh rêu phong. “Trời ơi, mục nát hết rồi con ơi. Ho mạnh một cái là sụm ngay”, chú than trời.
Ngay cả chuyện ngôi chùa gần hẻm cất mới theo kiểu nhà phố và có cả thang máy, thoạt nghe thấy có vẻ lạc quẻ, thậm chí nếu đưa lên mạng thì thế nào cũng nhận được gạch đá tơi bời. Nhưng cư dân trong hẻm tôi lại hồ hởi đón tin đó, vậy là có chỗ rộng rãi để thờ cúng, khỏi chen chúc cho mệt. Mấy bà già là mừng nhất, khỏi mắc công leo thang bộ lên chánh điện nhức cả chân. Giờ ngẫm lại, thấy sao cũng được, miễn cô dì chú bác thảnh thơi.
|
|
Dĩ nhiên sự hồn nhiên này thỉnh thoảng cũng trở thành kiểu “xả láng sáng về sớm”. Nhớ hồi rộ lên phong trào đầu máy chiếu, gia đình tôi cũng thuộc loại khá trong hẻm mà chỉ dám thuê băng xem những ngày cuối tuần, rất nhỏ giọt. Trong khi đó nhà dì Thủy bán bánh bèo, chạy ăn từng bữa nhưng mỗi lần thuê phim là cả chục cuốn, coi tối ngày sáng đêm. Dì còn hào phóng mở cửa cho cả hẻm vào xem, ngồi xếp lớp rất vui, lúc về thì cãi nhau chí chóe vì người này mang lộn dép của người kia, có khi mất luôn. Rồi đến khi chủ nợ rượt thì dì trốn đâu đó vài ngày, xin khất nợ, đi bán trở lại và dĩ nhiên lại tiếp tục luyện phim...
Mọi thứ đến trong hẻm chẳng có gì là cầu kỳ. Xuân đến trong hẻm cũng bằng một dấu hiệu rất đơn giản là đội vệ sinh công cộng của quận xuống móc cống. Cả một năm chỉ vệ sinh một lần nên riết thành dấu hiệu của Tết. Qua rằm tháng chạp chưa thấy mấy người áo xanh chui xuống cống hì hục thì thế nào bà Xíu bán quán cà phê cuối hẻm cũng lèm bèm: “Mấy ông đó chưa xuống sao tao ăn Tết giờ?”.
Hẻm tôi có cái tục lạ là ngày 30 Tết năm nào cũng có chuyện, không đòi nợ đánh nhau thì vợ chồng cũng bù lu, bù loa, đập đồ tưng bừng thay pháo Tết. Dường như, mọi thứ cứ vỡ òa cho ứng với câu ông bà xưa: “giàu nghèo 30 Tết mới hay”. Rồi dăm ngày Tết qua lại thấy í ới nhau đi chùa Bà Bình Dương trong đêm 14 tháng Giêng hay hùn xe đi trả lễ chùa bà Châu Ðốc.
Còn bao nhiêu thứ tuyệt vời khác ở hẻm để khiến người ta yêu và gắn bó mà không cần lý do. Nếu liệt kê được chắc họ không phải là người ở hẻm rồi.
Khi viết lại những dòng này thì con hẻm đang trở nên chật hẹp vì cái cao ốc vừa mọc lên phía bên kia hẻm. Giờ bước ra khỏi nhà, tầm mắt của tôi không còn là khoảng trời xanh cao rộng. Nghe đâu còn thêm vài tòa nhà cao khác nữa chuẩn bị vươn lên. Thế là chẳng bao lâu nữa, hẻm sẽ thành một giếng trời thoi thóp thở giữa rừng cao ốc vây quanh. Bỗng thấy lo sợ. Nhưng cũng đành thôi, bàn tay tôi quá nhỏ, làm sao níu!
Vũ Dzoãn Đoàn
* Trích lời bài hát "Ngàn năm mây bay" của nhạc sĩ Nguyễn Hiền