Bình thường mới và cơ hội vàng cho người già bệnh mạn tính

27/10/2021 - 07:08

PNO - Trong những ngày TPHCM đang dần trở lại cuộc sống bình thường, trên nhiều tuyến đường và tại các công viên, người dân bao gồm cả người lớn tuổi đã quay trở lại tập thể dục vào buổi sáng sớm và chiều tối. Trong hơn ba tháng không vận động nhiều do giãn cách xã hội, nhiều người lớn tuổi cảm thấy mệt mỏi và sức khỏe cũng bị ảnh hưởng.

Bệnh tăng do ở nhà quá lâu

Bà Thanh (74 tuổi, ở quận Tân Phú) chia sẻ bà cảm thấy khó chịu và mệt mỏi vì ở nhà suốt. Huyết áp bà cứ tăng trong thời gian giãn cách xã hội trong khi trước đó, bà chưa hề bị tăng huyết áp. Bà có bệnh đái tháo đường.

“Bây giờ, mỗi sáng, tôi đi bộ ra công viên gần nhà để tập thể dục, phơi nắng và hít thở không khí. Tôi cảm thấy thoải mái hơn và khỏe hơn. Tôi đã được tiêm hai mũi vắc xin nên cũng yên tâm khi đi ra ngoài”, bà cho biết. 

Thể dục thể thao giúp cải thiện chức năng, tăng cơ hội giao tiếp xã hội, cảm giác hạnh phúc và có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ - ẢNH: GIA NHI
Thể dục thể thao giúp cải thiện chức năng, tăng cơ hội giao tiếp xã hội, cảm giác hạnh phúc và có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ - Ảnh: Gia Nhi

Trong khi đó, ông Tân (70 tuổi, ở quận Tân Bình) đã bắt đầu đi bộ lại trên vài con đường xung quanh chung cư mình đang ở trong mấy ngày nay. Ông cho biết mình mắc bệnh đái tháo đường, bác sĩ khuyên nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày. Ba tháng qua, ông cảm thấy khó chịu hơn vì không ra ngoài đi bộ được, còn tập trong nhà thì chật chội. Ông Tân nói: “Bây giờ, ra ngoài đi bộ, tôi cảm thấy người khỏe khoắn hơn”.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Bích Trâm, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Quận 11, trong thời gian giãn cách xã hội, người lớn tuổi bị hạn chế trong tập luyện thể dục, vận động, làm tăng nguy cơ tiến triển không tốt các bệnh mạn tính, điển hình là bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Luyện tập thể dục có tác dụng như một loại thuốc giúp ổn định nhịp tim và hạ huyết áp (khi nghỉ ngơi và cả khi tập thể dục), do đó khi không tập thể dục, nhịp tim và huyết áp có thể không ổn định. Ngưng tập thể dục sẽ khó kiểm soát cân nặng tác động tiêu cực tới tim mạch. Thân hình vượt quá số cân nặng bình thường sẽ gây căng thẳng và áp lực cho tim. Nó là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim và đột quỵ. 

Đối với bệnh đái tháo đường, biến chứng hàng đầu của bệnh này là nhóm bệnh lý tim mạch, do đó người bệnh sẽ chịu ảnh hưởng như nhóm bệnh tim mạch vừa nêu trên. Ngoài ra, khi ngưng tập thể dục, cơ thể sẽ giảm nhạy cảm với insulin, các tế bào sẽ không sử dụng tốt và hiệu quả insulin. Đây là một loại hoóc-môn giúp vận chuyển đường vào trong tế bào và giúp làm giảm đường trong máu. Điều này có nghĩa là các tế bào giảm khả năng sử dụng insulin để hấp thụ đường từ máu dùng làm năng lượng cho cơ thể. Do đó làm tăng đường trong máu. 

Tăng cường vận động để có giấc ngủ ngon 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Đào, Phó chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, chia sẻ: Bên cạnh yếu tố hút thuốc lá, di truyền, tuổi tác, thì ít vận động, thừa cân cũng là yếu tố nguy cơ phát triển mảng xơ vữa gây nên xơ vữa động mạch dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh động mạch ngoại biên.

Chúng ta phải kiểm soát lối sống bao gồm chế độ ăn lành mạnh và vận động thể lực để tác động đến các chuyển hóa. Đây là một trong những cách để kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường loại 2 nhằm phòng ngừa và quản lý biến chứng tim mạch. 

Thay đổi lối sống cần được tiến hành ngay từ đầu khi bệnh nhân được phát hiện hoặc có nguy cơ mắc đái tháo đường. Đây được xem là yếu tố then chốt trong điều trị và quản lý bệnh, đặc biệt đối với người bệnh đái tháo đường kèm bệnh lý tim mạch; là phương pháp điều trị không dùng thuốc xuyên suốt thời gian điều trị lâu dài của bệnh nhân.

Trong đó, bệnh nhân cần hoạt động thể lực với cường độ trung bình đến mạnh khoảng 150 phút/tuần nhưng không nên nghỉ quá hai ngày liên tiếp, tập sức đối kháng khoảng 2 - 3 buổi/tập và tập cách ngày.

Với người lớn tuổi, tập luyện sự linh hoạt và thăng bằng khoảng 2 - 3 lần/tuần, tuy nhiên cũng cần phòng tránh té ngã ở người lớn tuổi. Lưu ý tình trạng tim mạch hoặc biến chứng mắt. Vì vậy, cần sự tư vấn của bác sĩ trong việc lựa chọn loại hình vận động thể lực cho bệnh nhân. 

Bác sĩ Lê Thị Bích Trâm cho biết thêm, tập luyện thể dục thể thao có lợi cho mọi lứa tuổi. Lợi ích của hoạt động thể lực ở người cao tuổi rất nhiều và sẽ cao hơn những rủi ro có thể gặp phải (ví dụ như ngã, đứt dây chằng, co kéo cơ). Những lợi ích bao gồm giảm tỷ lệ tử vong, ngay cả đối với người hút thuốc lá hay béo phì. Duy trì sức mạnh cơ, khả năng hoạt động thể chất, mật độ xương, góp phần làm tăng khả năng vận động và hoạt động độc lập, giảm nguy cơ béo phì.

Hoạt động thể dục thể thao giúp phòng ngừa, điều trị các rối loạn tim mạch (bao gồm hồi phục sau nhồi máu cơ tim cấp), đái tháo đường, loãng xương, ung thư đại tràng, rối loạn tâm thần (đặc biệt là rối loạn cảm xúc); ngăn ngừa ngã, chấn thương do ngã bằng cách tăng cường sức mạnh cơ, khả năng thăng bằng, phối hợp động tác, chức năng khớp và sự dẻo dai.

Thể dục thể thao giúp cải thiện chức năng, tăng cơ hội giao tiếp xã hội, cảm giác hạnh phúc và có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ. 

Người lớn tuổi cần có chế độ luyện tập phù hợp

Các chuyên gia đưa ra khuyến nghị, hoạt động thể chất mang lại hiệu quả khi đạt được tối thiểu các tiêu chuẩn sau đây: Ít nhất hai tiếng rưỡi hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh mỗi tuần như: đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, bơi lội, chạy bộ. Tập thể dục từ hai đến ba buổi đối kháng mỗi tuần giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp như các động tác nâng tạ tay hoặc tập chống đẩy.

Không nên ngồi liên tục quá 30 phút trong ngày. Kết hợp các bài tập linh hoạt như thói quen hay sở thích của riêng mình.

Người lớn tuổi cần có chế độ tập luyện phù hợp như đi bộ (hay đi dạo chơi), tập dưỡng sinh, tập thể hình, yoga, bơi lội và đạp xe đạp tại chỗ.

Bác sĩ Lê Thị Bích Trâm cũng lưu ý người đi tập thể dục nên tuân thủ khoảng cách và đeo khẩu trang trong lúc tập luyện để đảm bảo phòng dịch COVID-19.

Gia Nhi 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI