"Bình thường mới" ở trạng thái nào?

30/09/2021 - 07:46

PNO - Dự kiến trong vài ngày tới, TPHCM sẽ có một chỉ thị hoàn mới theo phương hướng Chính phủ đề ra “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và phục hồi kinh tế.

Trong những ngày này, chắc chắn người dân TPHCM đang rất trông chờ những “kịch bản” nào, tiêu chí nào sẽ được áp dụng cho mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội để TPHCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bước vào “bình thường mới”. 

Công nhân nhà máy Công ty cổ phần quốc tế Trung Dũng (Bình Dương) vẫn đang cầm cự áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” hơn hai tháng nay và đang rất mong mọi thứ bình thường trở lại. Ảnh: Quốc Ngọc
Công nhân nhà máy Công ty cổ phần quốc tế Trung Dũng (Bình Dương) vẫn đang cầm cự áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” hơn 2 tháng nay và đang rất mong mọi thứ bình thường trở lại - Ảnh: Quốc Ngọc

Người dân các tỉnh thì đang trông ngóng được trở lại TPHCM, nơi họ có thể tiếp tục cống hiến, góp sức vào nền kinh tế lớn nhất nước.

Người dân càng quan tâm hơn bởi thông tin được “tiết lộ” từ PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM trong buổi gặp gỡ trực tuyến với các doanh nghiệp thành phố vào cuối tuần trước.

Chúng ta khấp khởi với “tin vui”, thành phố sẽ tháo dỡ dần tất cả rào chắn, dây văng, vòng kẽm trước ngày 30/9 để bước vào đầu tháng 10, thành phố sẽ có hướng đi mới. Nhằm bảo đảm an toàn trong tình hình COVID-19 vẫn khó lường, thành phố chủ trương duy trì 12 chốt trạm tại các cửa ngõ ra vào và 39 chốt tại các địa bàn giáp ranh các tỉnh. Nhiều người đặt câu hỏi để trở lại TPHCM, cần những điều kiện gì?

Trong một dự thảo về tổ chức giao thông từ ngày 1/10, đối với các chốt trạm cửa ngõ TPHCM, mới chỉ nhắc đến việc kiểm soát các phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở công nhân, chuyên gia và một số yêu cầu đối với người dân từ các tỉnh đến thành phố cho nhu cầu khám chữa bệnh hoặc đi, đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Câu hỏi hiện còn bỏ ngõ và chỉ có thể biết đích xác khi có công bố chính thức một chỉ thị với các biện pháp mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và mở cửa kinh tế cho TPHCM.

Tuy nhiên, với tính cấp bách trong nhiệm vụ “đầu tàu kinh tế” của TPHCM, nhiều chuyên gia đã đưa ra những lưu ý quan trọng khi dự thảo cho các chỉ thị, kế hoạch phục hồi sắp tới. Trong đó, có hai vấn đề lớn cần tránh lặp lại. Thứ nhất, đó là các tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh không mở đường cho những hành vi gây khó khăn, tạo ra “giấy phép con”, cản trở các hoạt động kinh tế, xã hội. Thứ hai, cần tránh mỗi nơi áp dụng một kiểu như câu chuyện gây bức xúc trong thời gian giãn cách “thế nào là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”?

Thực tế hiện nay, việc đi lại giữa các địa phương đang có sự thiếu thống nhất khá lớn. Các điều kiện nào là vắc xin, thẻ xanh thẻ vàng, xét nghiệm âm tính, khai báo y tế… mỗi nơi mỗi khác và nó đang khiến người dân rối bời.

Có thể thấy, trước mắt đó là vấn đề thiếu hụt lao động cho TPHCM trong những ngày sắp tới. Trong một lần trao đổi với tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright), ông cho rằng các hoạt động kinh tế vào thời gian đầu sau 30/9 cũng chỉ phục hồi ở một mức độ nào đó, chưa thể hoàn toàn 100% được.

Vì vậy, theo ông, nếu hồi phục ở mức 50% chẳng hạn, việc tìm kiếm lao động tại chỗ ở giai đoạn này không phải là vấn đề khó, bởi lực lượng lao động phổ thông vốn không tốn quá nhiều thời gian để chuyển đổi. Họ có thể đã chuyển sang làm shipper sau khi mất việc do COVID-19 và bây giờ nếu doanh nghiệp có nhu cầu, có thể quay lại dễ dàng.

Nhưng sau giai đoạn này, lực lượng lao động từ các tỉnh phải bàn tới. Cái khó là thay vì đưa ra tiêu chí và tốn khá nhiều chi phí để đáp ứng như các yêu cầu xét nghiệm, chúng ta nên quy về cách tốt nhất là mục tiêu phủ vắc xin cho toàn bộ TPHCM và vùng phụ cận. Kế đó là chính sách cho người lao động đủ hai mũi tiêm chủng theo thứ tự ưu tiên mà tham gia hoạt động kinh tế, xã hội.

Ở đây vấn đề quan trọng là chúng ta buộc phải quay về nền kinh tế vốn đang rất sôi động vài tháng trước. Nguyên lý thị trường lại không có địa giới hành chính bởi một doanh nghiệp luôn gắn liền với chuỗi cung ứng. Tất cả các vấn đề cần phải tính toán kỹ, không thể đơn thuần gói gọn trong một địa bàn hay tỉnh thành nào đó. Các chính sách cần để hồi phục thành công nên phù hợp với vai trò, vị thế của TPHCM đã thực sự là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du, trong tất cả quyết sách của mình, Nhà nước cần làm sao để các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt các hoạt động thị trường, được trở về mức bình thường nhất có thể. Đó là điều vô cùng quan trọng cho “bình thường mới”. Tâm trạng chờ đợi chỉ thị để bước vào một định hướng mới cho tương lai kể từ tháng 10 này cũng đang hướng về sự bình thường nhất đó.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI