Bình thường mới là học cách sống chung với dịch

01/07/2021 - 06:25

PNO - Bằng việc tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị và trách nhiệm xã hội, trong tương lai gần, phản ứng của chúng ta đối với COVID-19 có thể chủ động hơn so với bây giờ, trong một trạng thái “bình thường mới”.

Đại dịch không hồi kết

Đã 18 tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu, và mọi người dần cảm thấy mệt mỏi. Tất cả đều đang đặt câu hỏi: Đại dịch sẽ kết thúc khi nào và như thế nào? Thế giới vẫn đang tiếp tục nỗ lực để kiểm soát biến thể Delta đáng lo ngại của COVID-19. Với khả năng lây truyền cao của biến thể này, sẽ rất khó để giảm ca nhiễm mới xuống mức 0.

Thay vào đó, các quốc gia đang áp dụng một chiến lược phòng vệ tích cực - tạo ra một mạng lưới rộng để khoanh vùng những người nhiễm hoặc tiếp xúc mầm bệnh và xét nghiệm hàng chục ngàn người mỗi ngày. Mục đích là để giảm thiểu nguy cơ hình thành các cụm lây nhiễm lớn.

Những giới hạn mới đối với việc đi lại và sinh hoạt hằng ngày được đặt ra ở khắp nơi, từ Úc, Bangladesh đến Nam Phi và Đức. Hôm 27/6, Nam Phi gia hạn lệnh giới nghiêm hằng đêm và ban hành lệnh cấm tụ tập, bán rượu… trong 14 ngày. Ở Bangladesh, chính phủ ngừng tất cả các phương tiện giao thông công cộng bắt đầu từ 28/6.

Các nhà chức trách Thái Lan tuyên bố lệnh phong tỏa có giới hạn, kéo dài một tháng ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Malaysia kéo dài thời gian giãn cách xã hội trên toàn quốc, vốn dự kiến nới lỏng hôm 28/6.

Israel - một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới - cũng chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 trong những tuần gần đây, buộc nhà chức trách khôi phục lệnh đeo khẩu trang trong nhà sau hai tuần nới lỏng. Trước sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo người đã tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đeo khẩu trang và giãn cách xã hội cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện trên toàn cầu.

Một con phố mua sắm ở Jerusalem, Israel tấp nập người qua lại khi các hạn chế giãn cách được dỡ bỏ từ ngày 20/6
Một con phố mua sắm ở Jerusalem, Israel tấp nập người qua lại khi các hạn chế giãn cách được dỡ bỏ từ ngày 20/6

Tin tốt là vắc xin COVID-19 làm suy giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện và tử vong. Ba nghiên cứu khoa học vừa công bố hôm 28/6 cung cấp bằng chứng mới cho thấy những loại vắc xin được sử dụng rộng rãi tiếp tục bảo vệ con người chống lại SARS-CoV-2 trong thời gian dài, có thể trong nhiều năm và sẽ được điều chỉnh để tăng cường hệ thống miễn dịch nếu cần.

Trong khi đó, một nghiên cứu trên tạp chí Nature cho thấy hầu hết những người được chủng ngừa đầy đủ bằng vắc xin mRNA (Pfizer, Moderna) có thể không cần mũi tiêm nhắc, miễn là vi-rút và các biến thể của nó không tiến hóa nhiều. 

Chủ động sống chung với dịch

Chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn COVID-19, nhưng có thể biến đại dịch thành một vấn đề ít đe dọa hơn, như bệnh cúm hoặc thủy đậu, và tiếp tục cuộc sống bình thường. Biện pháp hàng đầu chính là tiêm chủng.

Kinh nghiệm của Israel cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm ở những người được tiêm chủng thấp hơn 30 lần so với những người không được tiêm chủng, và tỷ lệ nhập viện ở nhóm tiêm chủng cũng thấp hơn mười lần.

Thứ hai là tiếp tục xét nghiệm và truy vết, nhưng trọng tâm cần thay đổi theo diễn biến. Quốc gia cần kiểm tra nghiêm ngặt đường biên giới để xác định ca nghi nhiễm, đặc biệt là với các biến thể đáng quan tâm. Trong nước, xét nghiệm không chỉ nhằm khoanh vùng, cách ly những người tiếp xúc với mầm bệnh hay đã nhiễm bệnh.

Thay vào đó, xét nghiệm giúp đảm bảo rằng các sự kiện, hoạt động xã hội và các chuyến đi nước ngoài có thể diễn ra một cách an toàn; cũng như để giảm nguy cơ lây truyền, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương. 

Thứ ba, các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn đang chạy đua nghiên cứu các phương pháp điều trị COVID-19. Mới đây, Việt Nam đã tổng hợp thành công thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm dùng để kháng vi-rút SARS-CoV-2.

Cuối cùng, liệu chúng ta có thể sống chung với COVID-19 hay không còn phụ thuộc vào ý thức của người dân. Nếu mọi người thực hành vệ sinh cá nhân tốt, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ thấp hơn. Nếu tất cả đều tự giác tránh xa đám đông khi cảm thấy không khỏe, khả năng lây truyền bệnh sẽ giảm. Khi mỗi người dân cùng gánh trên vai sức nặng của đại dịch, sát cánh bên cạnh lực lượng ở tuyến đầu thì xã hội của chúng ta sẽ an toàn hơn rất nhiều. 

Linh La (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI