Bình Thuận công bố tình huống khẩn cấp vì hạn hán

07/05/2020 - 15:05

Trước tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng, ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Bình Thuận thời tiết nắng nóng kéo dài và không có mưa, làm nhiệt độ tăng cao, dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt, nguồn nước ngầm cũng bị suy giảm mạnh. Các giếng khoan, giếng đào hầu hết đều trong tình trạng cạn nước, có nhiều khu vực không còn nước hoặc bị nhiễm mặn.

Các địa phương trong tỉnh không có nguồn nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đặc biệt tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc…

Hạn hán nghiêm trọng khiến Bình Thuận phải banhanhf tình huống khẩn cấp cấp độ 2
Hạn hán nghiêm trọng khiến Bình Thuận phải ban hành tình huống khẩn cấp cấp độ 2

Trước tình hình này, ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn.

Tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương xác định, khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán; triển khai ngay phương án ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 2 tuân thủ nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật Phòng, chống thiên tai.

Cùng với việc tổ chức triển khai ngay các dự án, công trình cấp bách đã được phê duyệt, Sở NN&PTNT thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình điều tiết nước từ hồ chứa thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận để bổ sung nguồn nước phòng, chống hạn hán cho vùng hạ du đồng thời xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ các công trình trong kế hoạch tu sửa năm 2020 của công ty; rà soát đề xuất các công trình cấp bách để dẫn nước, trữ nước cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; tăng cường nạo vét các cửa lấy nước tại các hồ chứa, đập dâng, các tuyến kênh trục chính, các tuyến kênh chuyển nước, xây dựng các trạm bơm dã chiến bơm tận dụng mực nước chết ở các hồ chứa, các ao bàu để phục vụ chống hạn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn vốn để thực hiện khẩn cấp các dự án, công trình ứng phó hạn hán.

Các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng ngân sách của địa phương triển khai ngay các biện pháp để kịp thời giải quyết nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Do hạn hán, vụ Đông Xuân năm 2019-2020, toàn tỉnh phải cắt giảm hơn 15.000 ha diện tích sản xuất để ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm. Vụ Hè Thu năm nay, tỉnh chỉ gieo trồng tại khu vực Đồng bằng sông La Ngà với tổng diện tích khoảng 12.000ha.

Toàn tỉnh còn có hơn 13.000ha cây thanh long tại hai huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc thiếu nước tưới, bị khô héo. Nhiều diện tích cây trồng nông nghiệp, cây lâu năm, hoa màu… cũng thiếu nước tưới.

Bên cạnh đó, tỉnh hiện có hơn 26.000 hộ với 98.000 nhân khẩu tại 39 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

B.L

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI