Bình mới rượu cũ!

29/12/2015 - 07:41

PNO - Tại sao chúng ta không giáo dục các em dù có ngồi sát nhau vẫn không chuyền giấy nháp, lật tài liệu hay nhìn bài bạn?

Cộng đồng mạng đang xôn xao bởi kỳ thi học kỳ đặc biệt tại Trường THPT A. ở quận Tân Phú, với cảnh hàng trăm học sinh (HS) ngồi làm bài thi giữa sân trường, mỗi HS một bàn riêng, mỗi bàn cách nhau khoảng 2m, trong sự theo dõi của nhiều giám thị.

Hình thức này được áp dụng từ năm học 2011-2012 đến nay khi HS thi học kỳ. Đây là cách trường thực hiện để triệt tiêu gian lận trong thi cử, HS không thể lật tài liệu, nhìn bài bạn hoặc chuyển giấy nháp cho nhau…

Binh moi ruou cu!
Hàng trăm học sinh Trường THPT A, Q. Tân Phú ngồi làm bài thi giữa sân trường - Ảnh: Internet

Nhiều ý kiến cho rằng cách làm này là đổi mới, mang lại cảm hứng cho HS khi làm bài thi; trong khi cá nhân tôi lại thấy tuy nó có thể tạo cảm giác lạ cho HS nhưng quá hình thức. Điều cốt lõi của đổi mới không phải là không gian giáo dục, mà phải là nội dung và phương pháp giảng dạy. Anh dạy cái gì, dạy như thế nào để HS thấy hứng thú, có khát vọng muốn học chứ không phải phụ thuộc vào không gian của lớp học có hoành tráng hay không.

Thầy cô vẫn dạy theo lối cũ, HS vẫn học vẹt với hằng hà sa số kiến thức hàn lâm, đề thi và cách đánh giá không có gì thay đổi, thì cho dù cuộc thi có tổ chức tại địa điểm nào, kết quả vẫn vậy, không có gì thay đổi.

Tổ chức thi theo kiểu mỗi HS phải ngồi cách nhau đến 2m, xung quanh có nhiều giám thị giám sát… còn cho thấy rõ người lớn đang không tin vào học trò của mình. Tại sao chúng ta không giáo dục các em dù có ngồi sát nhau vẫn không chuyền giấy nháp, lật tài liệu hay nhìn bài bạn? Vì sao phải có giám thị canh gác nghiêm ngặt thì các em mới trung thực trong thi cử?

Tôi nghĩ cách làm này, xét cho cùng, chỉ mang tính đối phó. Chúng ta cần dạy HS dù trong điều kiện nào vẫn có sự tự trọng, trung thực và không gian lận trong thi cử mới là giá trị thực chất của giáo dục. Hơn nữa, đây chỉ là một kỳ thi học kỳ, cần gọn nhẹ, đơn giản. Việc tổ chức quá nghiêm ngặt vô hình trung đã làm tăng áp lực tâm lý cho HS.

Thanh Thanh (Q.Tân Bì nh, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI