Bình minh nào rồi cũng sẽ hoàng hôn

29/07/2018 - 09:00

PNO - Bảy mươi tuổi, bệnh tật vùi giập, đến cái bậc thềm cha còn bước mãi mới lên nổi, nhưng cha tôi vẫn đi làm công quả.

Cha tôi ngoài bảy mươi nhưng vẫn chưa chịu mình già, bằng cách sáng dậy tập thể dục rồi vào bếp chế tô mì, gói cháo với rau thơm vườn nhà.

Binh minh nao roi cung se hoang hon
Cha chiến đấu với tuổi già từng ngày bằng các dậy sớm, làm việc. Hình minh họa.

Mẹ dậy thì ông bà ăn sáng rồi cùng nhau đi chùa làm công quả. Quét cái sân, lau bức tượng Phật, nấu bữa cơm cho nhà chùa… cha coi đó là công quả ở đời của người nhận lại phải cho đi. 

“Cha đã nhận gì của chùa đâu?”.

“Đó là con không biết rồi, quả chuối, trái cà không nhận của chùa, nhưng cha đã nhận cuộc sống bình an, tinh thần tự tại và sức khỏe hơn sáu mươi năm cuộc đời mới bắt đầu lung lay. Các con ngoan ngoãn, khỏe mạnh, học hành tấn tới, việc làm ổn định, hạnh phúc vợ chồng viên mãn… đó là tất cả sự nhận lại của ơn trên.

Biết bao nhiêu người trên đời này tiền muôn bạc vạn nhưng gia đình có ấm êm, hạnh phúc đâu. Mà con biết không, lời người xưa nói không sai, dù là vua hay dân cày, chỉ cần có một gia đình ấm êm là hạnh phúc”.

Quan niệm sống của cha tôi đơn giản vậy đó, dù mấy mươi năm qua, nghiệp nhà nông của cha chưa một ngày thảnh thơi tự tại để “rung đùi” đếm tiền như bao người khác.
Rồi mấy tháng nay cha hay mệt, nhưng chẳng chịu đi bác sĩ, nói rằng chắc tại làm nhiều, tại miệng dạo này nhạt quá. 

Vậy rồi đêm ngủ, sáng… không chịu dậy. Một sự bất thường của mấy chục năm qua nên em trai tôi lao vào phòng mới hay cha kêu nhức đầu, choáng không ngồi dậy được. Đo huyết áp dã lên 16, rồi cha lại kêu mệt, mắt mờ…

Đi bệnh viện hết ba ngày. Nằm một chỗ, phòng ốc sạch sẽ, bác sĩ trân trọng chào hỏi, điều dưỡng ân cần khiến cha tặc lưỡi: “Đời tân tiến có khác. Hồi nào, trạm y tế như nhà kho, bác sĩ lội ruộng về còn mang cả đôi chân đất tiêm thuốc cho bệnh nhân”.

Xuất viện về, xuống xe thì việc đầu tiên là phải bước lên thềm mới vào nhà. Thế mà, chị em tôi vô cùng ngạc nhiên khi cha hỏi: “Ủa, mấy ngày nay tụi con nâng thềm nhà lên chi vậy?”.

Mấy đứa con trai chưa kịp hiểu, các cô con gái còn nhíu mày thì mẹ khóc òa: “Ông yếu thật rồi nên cái chân mới nhấc lên không nổi, chứ ai nâng thềm nhà làm chi…”. “Cái gì mà bà khóc? Tui hỏi cái bậc thềm sao cao quá, chứ tui có chết đâu!”.

Thế mà cha tôi vẫn cố gắng chiến đấu với tuổi già bằng cách mỗi ngày thức dậy sớm, thể dục, nấu mì ăn sáng, uống ly ngũ cốc dù đã kèm thêm viên thuốc ổn định huyết áp rồi.

Cha vẫn đi làm công quả, nhưng không tham gia việc nặng nữa, cơm đã ăn ít hơn trước, có bữa chỉ ăn rau, uống sữa. 

Binh minh nao roi cung se hoang hon
Năm tháng đôi khi đếm bằng những bước chân mà thôi. Hình minh họa.

Chị em tôi biết, bình minh nào rồi cũng sẽ hoàng hôn, nhưng cứ nhìn cha phải bước chậm, nhấc chân cao mới qua được bậc tam cấp mà vào nhà thì mới hay tuổi đời rất ngắn. Nó không phải đếm ở hơn thua, được mất ở cuộc đời, mà đếm bằng bước chân khỏe khoắn hay yếu ớt lúc bước lên bậc thềm mà thôi. 

Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI