Bình Dương: Cơ sở cưa xẻ gỗ ngược đãi người lao động?

20/06/2013 - 08:44

PNO - PNO - Theo thông tin từ người lao động, một cơ sở cưa xẻ gỗ nằm heo hút cuối rừng cao su, bên bờ hồ Cần Nôm thuộc xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương đã bắt tay với những kẻ môi giới lao động đưa người về đây bóc lột...

 Binh Duong: Co so cua xe go nguoc dai nguoi lao dong?

Cơ sở của ông Trần Tấn Phong nằm giữa rừng cao su bạt ngàn, bên trong có nhiều nghi vấn về việc bạc đãi, nhốt người lao động

Ngày 18/6, chúng tôi vượt qua rừng cao su bạt ngàn, đến cơ sở cưa xẻ gỗ của ông Trần Tấn Phong - nơi có dấu hiệu bóc lột sức lao động và vi phạm về pháp luật lao động. Nhiều lao động đã bỏ trốn khỏi cơ sở này, trong đó có một trường hợp bỏ trốn đã chết tức tưởi ở hồ Cần Nôm.

Công an viên ấp Thanh Tân, xã Thanh An Bùi Đức Thắng cho biết, anh Sơn Bồ Rót (SN 1988, ngụ tại ấp Tham A, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã bị chết đuối tại hồ Cần Nôm ngày 26/5/2013. Theo anh Thắng, anh Rót chỉ vào làm được một tuần tại cơ sở của ông Phong, nhưng không chịu nổi cực nhọc, phải bỏ trốn.

Chị L.Đ., người cùng làm việc với Rót (nay đã nghỉ) kể, hôm đó, Rót đem theo quần áo cùng với Nguyễn Văn Đương quyết vượt hồ Cần Nôm trốn khỏi “ngục tù” nhưng bơi tới giữa lòng hồ khoảng 80 mét thì Rót chết đuối. “Rót cùng với Đương bỏ trốn vì chịu không nổi cảnh cực nhọc tại nơi mình làm. Tôi sẵn sàng làm chứng để tố ông chủ của mình đã nhẫn tâm với người lao động!” - chị L.Đ. nói.

Binh Duong: Co so cua xe go nguoc dai nguoi lao dong?

Khu vực nhà ở công nhân luôn được ông chủ Phong giám sát cẩn thận và luôn khóa cửa

Không chỉ có chị Đ. ấm ức mà nhiều người lao động khác cho biết, họ đã chứng kiến sự bóc lột tại cơ sở này. Bởi khi vào làm, vì kém hiểu biết, họ chỉ thông qua “cò” lao động tại khu vực Bến xe miền Đông (TP.HCM) dẫn mối xuống lấy 700.000 đồng của ông Phong (tiền này được trừ vào lương công nhân 2,5 triệu đồng/tháng). Khi được nhận vào làm, ông Phong lấy hết điện thoại, không cho họ liên lạc bên ngoài. Buổi tối, khi họ ngủ, ông khóa trái cửa. “Tôi đã nhiều lần tính bỏ trốn nhưng sợ bị bắt đưa trở lại trại. Hậu quả của việc trốn thoát là những ngày bị nhốt, đánh đập” - một lao động cho hay.

Một người dân ở ấp Cà Tong bức xúc: “Nhiều năm nay, cơ sở của ông Phong ngược đãi lao động. Gia đình tôi đã từng cứu nhiều em bỏ trốn trong đêm. Sau đó, cho tiền, hướng dẫn họ đi xe về quê nhà ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, vì giữa rừng cao su bạt ngàn này, họ không biết lối ra như thế nào và luôn sợ bị gia đình ông Phong bắt lại”.

Binh Duong: Co so cua xe go nguoc dai nguoi lao dong?

Hồ Cần Nôm, nơi công nhân Rót bị chết thảm vì bỏ trốn

Anh Bùi Đức Thắng kể: “Trong 2 năm qua, tôi đã nhiều lần trực tiếp giải quyết những chuyện xảy ra tại cơ sở này, trong đó có 2 vụ công nhân bỏ trốn. Những lao động bỏ trốn cho biết, họ không muốn quay lại làm việc tại cơ sở vì quá cực khổ. Hiện tượng công nhân bỏ trốn, sau đó bị ông chủ Phong bắt lại, tôi đã báo cáo lãnh đạo xã Thanh An trong các cuộc họp giao ban. Chức năng công an ấp có giới hạn, tôi không thể đến cơ sở giám sát thường xuyên”.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Tấn Phong, chủ cơ sở, nói: “Tôi từng khóa cửa bên ngoài với người lao động nhưng chỉ với lao động nào tôi cảm thấy có dấu hiệu nghi ngờ bỏ trốn”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Vì sao lao động ở cơ sở ông liên tục bỏ trốn, có phải vì ông đối xử tệ bạc với họ?”, ông Phong nói: “Tôi cũng không hiểu vì sao lao động bỏ trốn”.

Bí thư Đảng ủy xã Thanh An Võ Văn Á cho biết, địa phương đã kiểm tra cơ sở này, bước đầu phát hiện những sai phạm tại đây như: cơ sở không thực hiện hợp đồng lao động, không có bảo hiểm cho người lao động, cũng như các chế độ chính sách liên quan khác. Ngoài ra, nơi ở của người lao động không được đảm bảo. “Việc khóa nhốt lao động như phản ánh là không thể chấp nhận. Chúng tôi sẽ đề nghị công an phối hợp với cơ quan chức năng liên quan làm rõ vụ việc này”.

Thuỷ Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI